Bố mẹ có quyền kỳ vọng nhưng kỳ vọng thái quá và không đúng với lứa tuổi và khả năng riêng của từng trẻ sẽ tạo áp lực nặng nề lên con
"Mày ăn gì mà ngu thế. Ngu hết phần thiên hạ. Ăn hại. Đàn ông con trai động tí là khóc. Câm mồm…". Nếu bạn đã từng nói với con những lời từa tựa như ông bố trong video này, có thể bạn đã và đang bạo hành con mà không biết.
Video “Cha mẹ có biết mình đã xâm hại tinh thần con?” của chương trình giáo dục cộng đồng “Sinh con, sinh cha” do Generali Việt Nam và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp thực hiện
Bên cạnh bạo hành về thể chất, xâm hại tinh thần là một dạng bạo hành khác khó nhận diện hơn nhưng vẫn đang hàng ngày diễn ra tại nhiều gia đình dưới nhiều mức độ và hình thức: la mắng, xúc phạm, đe dọa, so sánh hay thậm chí là không quan tâm hay bỏ mặc trẻ.
Trái với quan niệm "trẻ con thì biết gì" hay "trẻ con quên ngay ấy mà", trẻ con thật sự rất nhạy cảm. Những cử chỉ, lời nói hay thậm chí ánh mắt và nét mặt cáu giận của cha mẹ cũng có thể làm tổn thương nghiêm trọng đến tâm sinh lý của trẻ, đặc biệt trong giai đoạn "đóng dấu" từ 0-6 tuổi, khi mọi điều trẻ nghe, thấy sẽ được đóng dấu vào trong tiềm thức, hình thành nên tính cách con người trẻ sau này.
Một số biểu hiện của trẻ bị xâm hại tinh thần: cư xử bất thường và đột nhiên thay đổi như trầm lắng hoặc tăng động hơn hẳn trước, có nhiều hành vi và ngôn ngữ bạo lực, giận dữ như hành động hành hạ đồ chơi hoặc thú nuôi… như nhân vật em bé trong video.
Áp lực của sự kỳ vọng
Việc không hài lòng với kết quả học tập của con là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng bạo hành ở trẻ em. Nhiều phụ huynh có khuynh hướng bạo lực khi con không đáp ứng kỳ vọng của mình.
Một số ý thức được việc không dùng roi vọt nhưng lại có những lời nói và hành động gây tổn thương sâu sắc cho con về mặt tinh thần.
Việc bị so sánh với "con nhà người ta" cũng khiến đứa trẻ trở nên tự ti, mặc cảm với bản thân và nghĩ rằng bố mẹ không yêu thương mình. Từ đó trẻ dần xa lánh bố mẹ, bạn bè, một số trẻ dùng cách học kém để chống đối.
Bố mẹ có quyền kỳ vọng nhưng kỳ vọng thái quá và không đúng với lứa tuổi và khả năng riêng của từng trẻ sẽ tạo áp lực nặng nề lên con.
Trẻ có thể ép bản thân làm theo những thứ bố mẹ mong muốn để bố mẹ hài lòng, không đánh mắng nhưng niềm vui, sự hứng thú và say mê để trẻ học tập tốt, phát huy tiềm năng và đạt được thành công trong cuộc sống sẽ dần thui chột.
Việc học tập hay làm theo ý muốn của người khác trở nên nặng nề, chán nản, thậm chí là đáng sợ và cứ nhắc đến học là những "công tắc" cảm xúc tiêu cực này trong trẻ sẽ tự động bật lên.
Khi đòn roi, quát mắng phản tác dụng
Trên khía cạnh khoa học, khi trẻ bị đánh, mắng, chửi, trong não sản sinh một chất gọi là cortisol - một loại hoocmon sinh ra khi căng thẳng. Chất này khi nhiều quá mức cho phép sẽ gây ức chế các tế bào nơron thần kinh, khiến việc học tập, suy nghĩ của trẻ bị "ngắt mạch" và hệ quả là trẻ tiếp thu trở nên chậm chạp, hay quên.
Bên cạnh đó, tâm trí của con người có một cơ chế hoạt động là điều gì được lặp đi lặp lại tối thiểu 7 lần, điều đó dần trở thành sự thật trong tiềm thức và con người sẽ có xu hướng trở thành điều đó.
Những câu mắng chửi diễn ra nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm, sẽ khiến trẻ tự ám thị và dần trở thành người như chúng bị "dán nhãn": kém cỏi, chậm hiểu, ngu ngốc...
Xâm hại tinh thần có thể gây hậu quả nghiêm trọng lên tâm sinh lý và sự phát triển toàn diện của trẻ
Để việc học tập không còn là nỗi ám ảnh
"Sinh con, sinh cha" gợi ý nguyên tắc 3 không để việc học tập không còn là nỗi ám ảnh đối với trẻ:
- Không tạo cảm xúc tiêu cực đối với việc học bằng đòn roi, đe dọa, quát mắng. Hãy tập trung vào những niềm vui với bạn bè, thầy cô và những điều tích cực, bổ ích khi được đi học.
- Không tiêm vào tiềm thức của trẻ những niềm tin tiêu cực về bản thân khi "dán nhãn" con là kém cỏi, chậm hiểu, ngu ngốc… Thường xuyên khích lệ, động viên và khen ngợi những nỗ lực của trẻ.
- Không so sánh trẻ với bạn cùng lớp, hàng xóm hay có những kỳ vọng không phù hợp với lứa tuổi, khả năng của trẻ và tạo áp lực cho trẻ. Hãy cho con thấy mỗi đứa trẻ đều có những thế mạnh riêng, khả năng riêng.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy dành thời gian chất lượng cho con, trò chuyện và làm bạn của con. Điều này giúp cha mẹ thấu hiểu con hơn, có những kỳ vọng phù hợp, có thể giúp con khắc phục những điểm yếu và phát huy điểm mạnh của mình.
Theo "Sinh con, sinh cha", xâm hại tinh thần là một trong những hình thức xâm hại trẻ em cần được cộng đồng nhận thức và ngăn chặn, như xâm hại thể chất, sử dụng bạo lực với trẻ, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em, bỏ mặc trẻ em.
Các đối tượng xâm hại trẻ em có thể là bất kỳ ai xung quanh trẻ và hậu quả đối với sự phát triển thể chất, tinh thần và tương lai của trẻ là rất nghiêm trọng.
Thường xuyên trò chuyện với trẻ giúp phụ huynh dễ phát hiện ra những biểu hiện, thay đổi bất thường của con về mặt thể chất lẫn tinh thần, giúp cha mẹ có thể dễ dàng trao đổi về các biện pháp tự bảo vệ, khuyến khích con chia sẻ về những gì diễn ra xung quanh con để sớm phát hiện và có biện pháp giúp đỡ, hay tìm sự giúp đỡ kịp thời.
Xem thêm: mth.43244651190900202-ert-naht-hnit-iah-max-av-cul-pa-gnov-yk-ev-ihgn-iom-coh-man/nv.ertiout