Liên quan đến các dự án rừng ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) được giao cho các đơn vị, cá nhân, nhưng không hiệu quả, để xảy ra mất rừng; ngày 9-9, thông tin được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án liên quan rừng ở huyện Bảo Lâm; giao Công an tỉnh điều tra, xử lý các sai phạm liên quan rừng, đất rừng.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu xem xét lại quy trình cấp phép và quản lý các dự án liên quan rừng, trong đó có trách nhiệm của các sở, ngành: Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên & Môi trường; NN&PTNT, địa phương có dự án.
Liên tiếp xảy ra mất rừng
Từ nhiều năm qua, Bảo Lâm là “điểm nóng” vi phạm lâm luật tại Lâm Đồng, nổi cộm là các vụ phá rừng lấy gỗ quý, chiếm đất sản xuất với diện tích mỗi vụ lên đến hàng chục héc ta.
Nhiều diện tích rừng tại đây được nhà nước giao tư nhân, Ban quản lý (BQL) rừng nhưng không hiệu quả. Nhiều cán bộ buông lỏng quản lý, để "lâm tặc" ngang nhiên phá rừng lấy gỗ quý, chiếm đất sản xuất; nhiều chủ dự án sang nhượng, chia cắt, xé nhỏ dự án thành nhiều chủ đầu tư, nhưng không làm thủ tục pháp lý...
Điển hình, tại khoảnh 6, tiểu khu 438A (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) là khu vực rừng cộng đồng, giữa tháng 7-2019, các cơ quan chức năng gồm Công an, Hạt kiêm lâm, Viện kiểm sát phát hiện tại đây hàng trăm cây gỗ bị đốn hạ cắt khúc phi tang dưới đất.
Tổng cộng 399 lóng thông, tổng khối lượng 7,9 m3 được cơ quan chức năng khai quật, kiểm đếm để phục vụ công tác điều tra làm rõ vụ phá rừng và lấn chiếm đất rừng.
Ngày 3-9, tại đây có 1 căn nhà làm bằng khung sắt, xung quanh bao bằng tôn và lợp mái tôn với tổng diện tích 132,6 m2 đã được dựng xong đang có nhiều người ở.
Vụ việc này đã được BQL rừng phòng hộ Đam B’ri phối hợp Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm và UBND xã Lộc Phú lập biên bản, xác định, người chiếm đất xây nhà trái pháp luật là ông Nguyễn Đức Dạo (trú xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) và đã lập hồ sơ cưỡng chế.
Đáng nói, trước đó, ngày 15-8, khi cơ quan chức năng lập biện bản kiểm tra, ông Dạo mới chỉ dựng khung sắt nhà. Tuy nhiên sau đó, nhà đã được dựng xong và có người vào ở.
Tháng 8-2020, Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm kiểm tra, phát hiện tại khoảnh 4, tiểu khu 439 (thôn 1, xã Lộc Phú) thuộc lâm phần rừng cộng đồng có một vạt rừng thông với hàng chục cây, đường kính gốc từ 0,4 – 0,7m bị cưa hạ; nhiều gốc thông còn ứa nhựa, nhiều gốc thông cổ thụ đang bị đốt cháy xém.
Tại đây, có dấu vết phương tiện cơ giới san gạt mở đường đi ngay trên đất rừng. Thông ngã xuống, hàng trăm cây bơ cao trên 1m trên diện tích khoảng 2ha đất rừng bị lấn chiếm với chòi canh "mọc" lên tại đây mà cán bộ quản lý rừng không hay biết.
Khi cơ quan chức năng kiểm tra, tại đây có một đống gỗ thông lớn đã được cắt khúc thành những lóng gỗ, tập kết ngay dưới tán rừng thông. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng ghi nhận có 120 lóng thông 3 lá, tổng khối lượng hơn 5,3m3. Tất cả số gỗ nói trên đã được Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm thu giữ để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ phá rừng trái phép...
Nhiều cán bộ bị kỷ luật, khởi tố
Ngày 9-9, thông tin từ Sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng, được biết, lãnh đạo sở vừa tiến hành kiểm điểm, thuyên chuyển tất cả cán bộ lãnh đạo của Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm đi nhận nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị khác, do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra dẫn đến hàng loạt vụ phá rừng nghiêm trọng.
Cụ thể, ông Giáp Văn Tĩnh - Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bảo Lâm phải nhận hình thức kỷ luật khiển trách; Hạt trưởng Nguyễn Tài Tú và Hạt phó Nguyễn Đình Hậu bị phê bình vì thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, để xảy ra hàng loạt phá rừng.
4 năm trước, Sở NN - PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng từng điều chuyển cả Hạt trưởng và Hạt phó Kiểm lâm huyện Bảo Lâm vì thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý rừng và đất rừng gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan đến những vụ để mất rừng với số lượng diện tích lớn, gây bức xúc dư luận, trước đó, ngày 19-2-2020, Công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố 3 bị can về tội danh “vi phạm quy định về quản lý rừng” do liên quan đến vụ khai thác rừng trái pháp luật với diện tích 75,8 ha, trữ lượng gỗ trên 3.509 m3 để trồng cao su tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bắc.
Những người bị khởi tố gồm: Lê Văn Minh - nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng (đã nghỉ hưu), Lê Quang Nghiệp - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng (Phó phòng Tổ chức Sở NN-PTNT Lâm Đồng) và Mai Hữu Chanh - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bắc.
Dù bị khởi tố nhưng đến tháng 9-2020, hai ông Nghiệp và Chanh vẫn đến cơ quan điều hành công việc bình thường; sau khi có phản ảnh của báo chí, các đối tượng này mới bị cho dừng công tác. Liên quan vụ án này, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ đạo, đôn đốc Công an tỉnh sớm kết thúc điều tra, không để kéo dài vụ án.
Đây mới chỉ là những vụ phá rừng, vi phạm lâm luật mà các cơ quan chức năng phát hiện, báo chí phản ánh. Theo dư luận phản ánh, trên thực tế, diện tích rừng ở Bảo Lâm bị mất còn lớn hơn nhiều.