“Giá robot 7,4 tỷ nhưng được khai khống lên 39 tỷ đồng”, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin kết quả điều tra ban đầu hôm 4/9 về vụ nâng khống giá thiết bị y tế nhằm chiếm đoạt tiền của người bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), theo Zing.
Việc nâng khống giá được áp dụng đối với nhiều thiết bị, trong đó có hệ thống robot hỗ trợ Rosa phẫu thuật sọ não, thần kinh, có xuất xứ từ Pháp.
Theo đó, năm 2017, bệnh viện và Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS ký hợp đồng liên doanh, liên kết về việc đưa máy móc, thiết bị y tế áp dụng vào khám, chữa bệnh trong thời hạn 7 năm tại Bệnh viện Bạch Mai. Hai bên thỏa thuận, Công ty BMS đầu tư 100% vốn để nhập thiết bị. Phần chi phí thu được sẽ chia đôi.
Robot này có giá đầu vào khoảng 7,4 tỷ đồng (đã bao gồm thuế VAT). Sau khi chuyển giao công nghệ và đào tạo kỹ thuật, giá sản phẩm khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty BMS báo giá thiết bị này lên đến 39 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) được thuê để thẩm định giá robot Rosa.
Kết quả điều tra của Bộ Công an xác định, giá nhập robot 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy mỗi ca bệnh hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty BMS khai 39 tỷ đồng thì người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch hơn 18 triệu đồng/ca.
Trong các năm từ 2017 đến 2019, Bệnh viện Bạch Mai thanh toán tổng cộng 550 ca. Như vậy, số tiền người bệnh bị chiếm đoạt là hơn 10 tỷ đồng.
Ngày 1/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS; Ngô Thị Thu Huyền, phó giám đốc công ty này và Trần Lê Hoàng, thẩm định viên Công ty VFS về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Làm giàu trên nỗi đau đớn, bệnh tật của bệnh nhân
Liên quan đến sự việc giá thiệt bị trên được nâng khống khiến người bệnh phải bỏ ra số tiền gấp mấy lần để chữa bệnh, trên báo VTC có bài viết ,gọi “móc túi” thật ra cũng không chính xác. Phải nói là họ bị cướp đoạt một cách trắng trợn và tàn nhẫn. Bởi đứng trước nguy cơ bệnh tật, thậm chí cái chết, mấy ai có khả năng từ chối một phương pháp, thiết bị có thể cứu mình. Hy vọng chữa bệnh cho mình và người thân, người ta sẵn sàng vay mượn, bán hoặc cầm cố tài sản để có tiền chạy thầy chạy thuốc, để “vái tứ phương”.
Biết bao gia đình từ người già đến trẻ nhỏ chấp nhận ăn đói mặc rách, bán đi cả nguồn sinh kế như trâu bò, máy móc nông cụ… để đưa thân nhân lên bệnh viện tuyến trung ương chạy chữa, vì nơi đó có thầy thuốc giỏi và máy móc hiện đại. Và ở nơi đó, họ bị biến thành con cừu để xén lông, nuôi béo những người bất lương.
Những người nâng khống giá thiết bị một tấc đến trời kia chắc không thèm nghĩ tới, số tiền bị cướp đoạt đó có thể đẩy bệnh nhân nghèo đến cảnh nợ nần, tước đi khả năng tiếp tục chạy chữa của họ vì đã trở nên khánh kiệt sau ca mổ có giá cắt cổ. Họ kiếm ăn, làm giàu trên nỗi đau đớn, bệnh tật và cả cái chết của bệnh nhân, thật đáng buồn.
Thêm bệnh viện mua thiết bị y tế giá 39
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo bảo hiểm xã hội một tỉnh lân cận Hà Nội chia sẻ, hiện có rất nhiều bệnh viện đang được thanh tra, kiểm tra vì mua sắm hoặc đầu tư theo diện xã hội hóa thiết bị y tế với giá “trên trời”. Riêng với robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh Rosa, hiện còn một bệnh viện khác ở Hà Nội cũng đang đặt loại thiết bị này và giá cũng tương tự như giá ở Bạch Mai là… 39 tỷ đồng.
Và ở nhiều bệnh viện cũng có dấu hiệu cho thấy có tình trạng nâng giá gấp đôi, thậm chí hơn gấp đôi so với giá mua vào, nhằm nâng mức thu khấu hao thiết bị trong giá thành, dẫn đến người bệnh phải chi trả quá đắt đỏ. Rất cần có một cuộc khảo sát rộng để đưa chúng về giá trị thực.