Xe máy quá cũ vừa không đảm bảo an toàn giao thông vừa góp phần gây ô nhiễm môi trường (ảnh chụp trên đường phố Hà Nội) - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG
Một chương trình tương tự đang được thực hiện tại TP.HCM cùng hướng đến mục tiêu giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Thí điểm kiểm định khí thải hơn 15.000 xe
Ông Lê Tuấn Định - phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội - cho biết đang phối hợp Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy VN (VAMM) nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe máy cũ đang lưu hành tại thủ đô.
Theo ông Định, Hà Nội có khoảng 5,7 triệu xe máy, trong đó có 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000. Việc thiếu kiểm soát khí thải từ xe máy, đặc biệt là các xe máy cũ, quá niên hạn sử dụng, không đủ an toàn kỹ thuật đã gây ảnh hưởng, tác hại tới môi trường, cụ thể là gây ô nhiễm không khí.
Theo Sở TN-MT Hà Nội, việc kiểm tra và bảo dưỡng xe máy không chỉ giúp nâng tuổi thọ của xe mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí. Sở kiến nghị UBND TP Hà Nội cho thí điểm chương trình đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe máy cũ. Ông Định cho biết nếu được triển khai, chương trình sẽ lựa chọn và lắp đặt thiết bị cho 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng để đo khí thải của khoảng 5.000 xe máy ở 6 quận gồm: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông và Thanh Xuân.
Trong khi đó, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết từ ngày 15-5 sở đã cùng VAMM triển khai thí điểm việc kiểm định khí thải xe máy, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 9. Người dân sẽ được kiểm tra khí thải xe máy miễn phí tại 8 đại lý bảo dưỡng, sửa chữa thuộc 5 hãng xe Honda, Yamaha, SYM, Piaggio, Suzuki. Căn cứ vào kết quả thí điểm, sở sẽ đánh giá thực trạng, làm cơ sở để báo cáo UBND TP đề xuất Thủ tướng cho phép TP.HCM sớm triển khai kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành.
Chiều qua 9-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng Phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP.HCM - cho biết tính đến ngày 2-9, đã có 10.680 xe máy tham gia kiểm tra khí thải, đạt 178% so với kế hoạch và cao hơn mục tiêu toàn chương trình đặt ra (10.000 xe). Trong đó, có 10.000 xe đạt tiêu chuẩn về khí thải, chiếm tỉ lệ 93,9%. Hiện các đơn vị đang rà soát và đề xuất triển khai các bước tiếp theo như hỗ trợ thu hồi xe máy cũ, hỗ trợ cải tạo xe máy chưa quá niên hạn.
CSGT Đà Nẵng những năm qua đã xử lý nhiều “xe mù” (xe máy không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật) - Ảnh: Đ.C.
Có nên đổi xe mới?
Ngoài đi kiểm tra khí thải, Hà Nội dự kiến lựa chọn 30 đại lý xe máy để thí điểm chương trình đăng ký tham gia đổi xe máy cũ (sản xuất trước năm 2002) với các cơ chế hỗ trợ khác nhau. Cụ thể, khi người dân đưa xe đến kiểm tra khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300.000 đồng. Còn người dân muốn đổi xe máy, theo dự kiến được hỗ trợ 2-4 triệu đồng.
Sở TN-MT Hà Nội cho biết VAMM chủ động toàn bộ về nguồn cán bộ kỹ thuật, thiết bị cũng như kinh phí để thực hiện chương trình này. Nếu được UBND TP Hà Nội chấp thuận, các bên sẽ ký kết và thực hiện thí điểm từ tháng 9-2020.
Ông Đỗ Ngọc Hải cho hay vừa qua VAMM đã đề xuất phương án hỗ trợ người dân TP.HCM mua xe mới thay thế xe cũ không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Tuy nhiên, Sở GTVT đang xem xét và sẽ phối hợp lấy ý kiến của Sở TN-MT, Sở Công thương... "Quan điểm của chúng tôi là không ủng hộ đổi xe cũ lấy xe mới vì như thế số lượng xe sẽ không giảm. Giải pháp ưu tiên hàng đầu ở TP.HCM là khuyến khích thu hồi xe cũ kém chất lượng, mất an toàn để kiểm soát khí thải. Nhà sản xuất có thể thu hồi xe và hỗ trợ thêm cho người dân chứ không phải đổi xe" - ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải, xe máy đã cũ nát, hư hỏng không đủ an toàn khi lưu thông thì cảnh sát giao thông xử phạt theo Luật giao thông đường bộ. Còn đối với xe cũ, hết niên hạn, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu hồi. Nhà sản xuất có thể hỗ trợ tiền cho chủ xe có xe cũ phải thu hồi và hỗ trợ tư vấn sửa chữa cho xe chưa vượt niên hạn.
Là người chuyên chuyển hàng, anh N.Đ.Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng phần lớn người đi xe máy cũ là người lao động nghèo, làm nghề chở đồ, chở gas, bán hàng rong... Chiếc xe như cái "cần câu cơm", nhiều người muốn đổi xe nhưng hoàn cảnh không cho phép. "Với việc đổi xe cũ lấy xe mới mình tán thành phải tiến hành chặt chẽ, tránh kiểu nhân viên thẩm định cố tình hạ giá xe. Vì người dân biết giá xe thế nào đâu, nếu mà bán xe ít tiền quá, họ lấy tiền đâu mua xe mới" - anh N.Đ.Anh chia sẻ.
Theo TS Vũ Văn Doanh - trưởng bộ môn quản lý môi trường Trường ĐH Tài nguyên môi trường, thay vì hỗ trợ người dân đổi từ xe máy cũ sang xe máy mới, Hà Nội có thể khuyến khích người dân sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường hơn như xe điện, đồng thời phát triển, hoàn thiện hệ thống xe buýt, metro. "Người dân thấy thuận tiện thì họ tự động chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, không cần gượng ép" - ông Doanh gợi ý.
Buông lỏng khí thải xe máy nhiều năm
Xe máy không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải là nguồn gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG
Ông Hoàng Dương Tùng - chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN - cho hay trong các nguồn gây ô nhiễm không khí ở các đô thị, nguồn từ hoạt động giao thông rất lớn, đặc biệt là ô nhiễm từ khí thải xe máy cũ nát. Tuy nhiên, vấn đề đo kiểm khí thải xe máy suốt nhiều năm không được thực hiện, cũng không có chính sách thúc đẩy để thực hiện đo kiểm khí thải xe máy. Theo ông Tùng, dù xe máy là phương tiện mưu sinh của người dân, nhưng đã đến lúc không thể đánh đổi môi trường không khí vì yếu tố mưu sinh.
Theo TS Chu Mạnh Hùng - nguyên vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT, hiện nay Chính phủ chỉ quy định niên hạn đối với ôtô chở người 10 chỗ trở lên, không quy định niên hạn của ôtô 9 chỗ trở xuống và xe máy. Trong khi đó, việc kiểm định tiêu chuẩn khí thải định kỳ mới được thực hiện đối với ôtô, riêng xe máy chưa được kiểm định định kỳ.
Ông Hùng cho biết đề án kiểm soát khí thải xe máy được Thủ tướng phê duyệt năm 2010 đặt mục tiêu đến năm 2015 có 80-90% xe máy tại Hà Nội và TP.HCM được kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải. Tiếp đó mở rộng mạng lưới cơ sở kiểm định để thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 60% lượng xe máy tại các TP loại 1 và loại 2. Nhưng qua nhiều lần xây dựng phương án, lấy ý kiến, việc kiểm soát khí thải xe máy theo định kỳ vẫn chưa thực hiện được.
X.LONG - T.PHÙNG
Cần Thơ, Đà Nẵng chưa tính hỗ trợ đổi xe máy cũ
Ông Lê Tiến Dũng - giám đốc Sở GTVT Cần Thơ - cho biết Cần Thơ chỉ có hơn 800.000 xe máy, trong đó xe máy cũ chỉ rải rác được người dân sử dụng và chưa ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Theo ông Dũng, Cần Thơ chưa có ngân sách và cũng chưa có nguồn tài trợ nên chưa tính đến việc hỗ trợ người dân có xe máy cũ đổi xe mới. TP chờ các địa phương thí điểm trước, nếu hiệu quả sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp thực tế để triển khai thực hiện.
Ông Tô Văn Hùng - giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng - cho biết đã giao cho Chi cục Bảo vệ môi trường nghiên cứu, tìm hiểu về chương trình thí điểm của Hà Nội. Theo ông Hùng, trong các chỉ tiêu liên quan đến đề án thành phố môi trường của Đà Nẵng thì giảm thiểu khí thải rất quan trọng.
L.DÂN - Đ.CƯỜNG
TTO - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết TP sẽ nghiên cứu để thu hồi xe máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải ra môi trường.
Xem thêm: mth.69513237001900202-ioh-uht-noum-mchpt-iom-yal-iod-ion-ah-uc-yam-ex/nv.ertiout