Năm 2010, lần đầu tiên khi Chủ tịch Vinamit Nguyễn Lâm Viên nhắc đến 2 chữ "hữu cơ", ông đã phải đối diện với cái nhìn nghi ngờ, bất hợp tác của nông dân.
Nhiều năm sau đó, ông càng đau đớn hơn khi chứng kiến cảnh họ tự tay chặt sạch những vườn xoài từng chăm mọn khi nó đến độ tuổi năm thứ 5, chỉ vì sâu đục thân.
Lúc bấy giờ, thuốc hoá học được xem là thần dược, nông dân tin rằng có thể "cứu" cây. Nhưng càng chích, sâu càng kháng thuốc, đến khi nó nhảy sang cả cây non vừa mới trồng thì cơn ác mộng thành sự thật.
Bế tắc, nhiều nông dân hỏi ông Lâm Viên: "Ngày xưa tôi chích, nó nằm ở cây lớn! Giờ mấy cây nhỏ xíu thế này nó cũng vào luôn. Bây giờ tôi phải làm sao?"
Câu hỏi ấy, "vua Mít" không biết trả lời thế nào. Nhưng ông đã biến thành hành động.
Với Nguyễn Lâm Viên, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ không phải là để thực hoá giấc mơ trở thành "căn bếp cho thế giới" mà để một ngày nào đó, gặp lại người nông dân cũ, ông đủ tự tin và dũng cảm chỉ cho họ giải pháp, nắm tay đưa họ thoát khỏi vòng luẩn quẩn lệ thuộc "hoá học".
Tôi từng nghe Nguyễn Lâm Viên chia sẻ rất nhiều về con đường đi ra thế giới, chinh phục các thị trường khó tính. Nhưng có vẻ ông lại khá kiệm lời khi nhắc về thị trường trong nước?
Nguyễn Lâm Viên: Thị trường Việt Nam à! (Cười).
Thú thực, đến giờ đó vẫn là một sự tiếc nuối lớn của tôi vì chưa thể chinh phục. Bởi người Việt mình giờ không những không tin, mà còn sợ, nghi ngờ sản phẩm nông nghiệp Việt Nam quá!
Cụ thể là như thế nào?
Nguyễn Lâm Viên: Trước tiên, tôi xin nói về tâm lý người nước ngoài, họ rất rõ ràng. Nghĩa là sản phẩm của anh bán giá cao, chắc chắn anh phải có gì khác biệt. Khi đã nhận ra được sự khác biệt đó rồi, họ chấp nhận mức giá và rất trung thành với anh.
Còn người Việt Nam mình thì phức tạp lắm! Họ đòi đồ tốt nhưng giá phải thật rẻ. Lúc đó, dân buôn chỉ nhìn vào lợi nhuận để làm ra những sản phẩm rẻ, chất lượng kém hoặc thậm chí dùng cả chất hoá học. Nhiều lần như vậy, người ta đã hình thành tâm lý sợ bị lừa gạt.
Tôi còn nhớ năm 2014, khi nói về chuyện trái cây Việt Nam, truyền thông toàn đưa tin bơm nhúng thuốc hoá học vào mít, sầu riêng, xoài… Tất nhiên, không phải ai cũng làm vậy, nhưng khi thông tin xuất hiện nhiều, người mình bắt đầu nghi ngờ nông nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, lái buôn Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc rất ranh mãnh! Họ biết nước ta có nhiều vùng "organic tự nhiên" như chuối Cà Mau, khoai lang Phú Yên, Đắk Nông,… nên đã gom sạch, mang ra nước ngoài, lấy nhãn hiệu nước họ rồi bán ngược lại cho Việt Nam với giá cao. Nhưng người Việt thì vẫn sẵn sàng mua, chỉ vì độ uy tín.
Chính tôi khi ấy đã tự đặt câu hỏi: "Tại sao không ai làm một thứ rau đàng hoàng để ăn?". Trước hết là để giải oan, sau muốn chứng minh cho người Việt Nam biết: "Việt Nam hoàn toàn có thể trồng rau sạch 100% bằng hữu cơ và nó thực sự khác biệt".
Nhưng bạn biết không! Năm 2010, khi tôi bắt đầu xây dựng nông trại sản xuất nông nghiệp organic tại Bình Dương, chẳng ai tin cả. Bởi lúc đó, chỉ có mình tôi đi con đường này, trong khi người ta chạy theo chuyện sản xuất thực phẩm giá rẻ, nhanh, bẩn. Nói đến Lâm Viên, nói Vinamit làm thực phẩm tốt cho sức khoẻ, họ bảo chúng tôi chỉ là bọn nói xạo, làm xạo.
Thậm chí, tôi treo biển hiệu organic lên công ty, họ kêu lực lượng chức năng xuống yêu cầu tôi gỡ. Tôi dùng túi nilong thổi khí sinh học để ủ các vi sinh vật có lợi, giữ độ tươi cho rau củ thì họ đạp đổ, chửi bới: "Làm organic mà dùng túi nilông!". Niềm tin của người Việt vào sản phẩm Việt nó mờ nhạt như thế đấy.
Chẳng ai hiểu và tin điều tôi làm. Tôi càng không thể bịt miệng được cả thiên hạ, nên lúc ấy cứ để họ muốn nói gì nói, chửi gì thì chửi.
Khoảng thời gian ấy, ông đã đơn độc đến vậy sao?
Nguyễn Lâm Viên: Trước tôi, đã có vài người đi con đường nông nghiệp chuẩn organic rồi. Nhưng chủ yếu họ theo trường phái thuần tự nhiên.
Tôi đã có xem mô hình của họ, nhận thấy điểm yếu của nó khi tổ chức ở quy mô lớn, là nếu không kiểm soát bằng thể cộng sinh, đối kháng thì khi dịch bùng lên sẽ chết cả. Lúc đó, tôi không theo nữa, tôi chọn trường phái kiểm soát sinh học.
Nhưng thời điểm đó, kiểm soát sinh học nó là một ngành rất mới, rất khó. Bởi muốn ứng dụng sinh học thì phải nghiên cứu, biết, hiểu rõ từng loại vi khuẩn, virus, vi sinh vật để truy tìm thể đối kháng của chúng. Điều đó bắt buộc tôi phải lập viện nghiên cứu, phải có nông trường quy mô công nghiệp để có thể thực nghiệm.
Tôi phải tự mày mò, nghiên cứu rồi ghi chép cẩn thận. Dù khi bắt đầu, tôi đã liệu được trước những khó khăn sẽ gặp phải, biết phải mất 10-20 năm mới có thể thay đổi được niềm tin của người dân, nhưng chưa bao giờ tôi hình dung hết những thứ phức tạp.
Lúc đó, tôi trồng một cái cây thì hôm nay hết bị nấm bệnh phá hoại, ngày kia lại virus, tuyến trùng… Thất bại đếm không xuể! Nhưng cứ hư thì tôi lại làm lại từ đầu, từ đó tự mình cho mình bài học chứ không ai chỉ dạy cả.
Nhiều công ty Việt Nam đã làm nông nghiệp sạch, sản xuất thực phẩm organic từ rất sớm. Vì sao ông không đứng chung với họ để đi con đường này dễ dàng hơn?
Nguyễn Lâm Viên: Đúng là họ có nói về nông nghiệp sạch, trên bao bì có in logo organic! Nhưng những thứ họ làm là để che mắt xã hội này thôi.
Họ tầm soát "sạch" trong khả năng, trong mức quy định để có được cái chứng nhận organic in trên bao bì. Nông nghiệp sạch với họ chẳng qua là thị trường thương mại, ném tiền vào và mong muốn nhanh thu lời. Chứ còn kiến thức thế nào, quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững ra sao thì không nắm được.
Thế mới xảy ra chuyện buồn cười, dưới gốc thì bón phân trùng quế, trên lại phun thuốc bảo vệ thực vật, đất bazan màu mỡ thế mà vẫn sẵn sàng bón phân hoá học. Làm như thế thì làm nông nghiệp chi nữa!
Tôi chỉ thẳng thắn hỏi bạn: "Làm thì ra rồi đấy! Nhưng họ có dám ăn không?" Nông nghiệp thực phẩm là làm thuốc uống, là đi kiến tạo nền y tế dự phòng. Vậy mà, nỡ lòng nào cho người ta uống, 10 năm sau người đổ bệnh.
Họ biết hết đấy! Biết đó là bậy, là sai, là đang đi hại người khác đấy chứ! Nhưng vẫn đi bán cho người ta ăn. Sao tàn nhẫn, vô tình, thản nhiên đến như vậy?
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 308 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu sản xuất mặt hàng này. Con số này cao gấp 1,2 lần so với lượng xăng dầu (249 triệu USD). Ông cảm nhận như thế nào về số liệu "khổng lồ" này?
Nguyễn Lâm Viên: Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, tôi muốn kể cho bạn nghe vài câu chuyện thực tế "đau đớn" của tôi thế này.
Thú thật, thời điểm tôi bắt đầu nông nghiệp hữu cơ, đi đâu, gặp bất kỳ nông dân nào, chỉ cần nghe tôi nhắc 2 chữ "hữu cơ", nông dân họ bác bỏ liền, vì nghi ngờ. Một số ít chịu tin, nhưng họ hỏi ngay: "Bệnh rồi sao?", "Phòng bệnh làm sao?", "Giờ không phun, nó lây bệnh thì sao?".
Mà nó bệnh thiệt đó. Không đùa!
Vùng trồng xoài từ Sài Gòn ra tới Nha Trang, Đà Nẵng, dân ta cứ trồng đến năm thứ 5 là đều phải đốn sạch, chặt sạch. Con sâu đục thân nó ăn cho gãy cây luôn. Mà muốn diệt sâu thì phải dùng thuốc chích vào cho cây tiết chất độc ra, con sâu ăn vào sẽ chết. Sâu ăn còn chết thì mình đang ăn cái gì trong đó đây?
Chích cây lớn, sâu nó nhảy sang cây con, mấy bác chích tiếp cây con. Có hôm mấy bác hỏi: "Chú ơi! Ngày xưa tôi chích, nó chỉ nằm ở cây lớn! Giờ tôi chích làm sao mà mấy cây nhỏ xíu thế này nó cũng vào luôn, bây giờ tôi phải làm sao?".
Tôi còn biết nói gì.
Vườn rộng quá, mình đâu biết giờ con sâu nằm ở chỗ nào, cây nào bệnh để cách ly. Làm triệt để thì phải bắt đầu lại từ đầu. Mà chẳng lẽ tôi kêu: "Bác đốn hết đi, làm lại đất hết đi". Người ta bán trái mít như vậy, nguồn thu nhập bao nhiêu đâu mà mình khuyên được.
Không chỉ nông dân, ngay cả các kỹ sư nông nghiệp ở nông trường tôi ghé thăm cũng thế. Họ cam kết 100% sạch đó, 100% organic đó. Nhưng dưới bón phân, trên vẫn lén lén phun thuốc bảo vệ thực vật. Nuôi heo thì cho ăn rau sạch, bắp sạch, nhưng bên cạnh lại có thêm thau thuốc kháng sinh.
Mình hỏi: "Sao phải làm vậy?". Họ nói, "Không phun nó bệnh thì sao? Không cho uống thuốc, mùa sắp mưa ỉa chảy thì sao?". Đó là các bạn kỹ sư đã đi làm trong trang trại rồi đó.
Vì vậy, chúng ta phải thông cảm một điều: Nông dân vẫn phải sống, muốn sống thì vẫn phải trồng, phải chăn nuôi.
Nhưng giờ bệnh thì sao? Ai cho họ kiến thức? Ai cho họ giải pháp? Ai là người sản xuất sinh học đúng để cho họ sử dụng? Bây giờ phương pháp sinh học còn chưa có thì đâu còn cái gì đáp ứng ngoài thuốc bảo vệ thực vật?
Nên người ta cứ nói mãi, tại sao Việt Nam nhập thuốc bảo vệ thực vật nhiều quá vậy? Tại sao không cấm hết đi vậy?
Nhưng đó mới là giết dân!
Đối với tôi, 308 triệu USD ấy là ít, phải nhiều hơn nữa mới đúng.
"Một mình một ngựa" làm nông nghiệp sạch, lại không nhận được sự tin tưởng từ phía nông dân Việt Nam, ông đối mặt với những khó khăn gì?
Nguyễn Lâm Viên: Lúc đó, nói Việt Nam là 1 quốc gia nông nghiệp lâu đời thì ai cũng biết. Việt Nam có nhiều sản phẩm nông nghiệp, ai cũng tin. Việt Nam có con em, thế hệ trẻ yêu nông nghiệp đông đảo lắm, ai cũng rõ. Thậm chí họ thừa hiểu giờ chỉ làm nông nghiệp sạch thì mới có thể phát triển bền vững! Nhưng không ai đứng ra chỉ cho họ đường đi cả.
Kiến thức nông nghiệp hữu cơ chưa hoàn thiện, lộ trình vẫn chưa có. Đáng nói nhất, chính là chuyện người Việt Nam còn mang tâm lý sợ sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khiến chúng tôi không thể nào mơ đến ngày trở thành "căn bếp của thế giới".
Mọi thứ tôi làm chỉ từ đam mê bản thân. Tôi chấp nhận dấn thân, lần từng chút một mà đi. Giờ mảnh đất tôi khoẻ rồi đấy, nhưng xung quanh của tôi toàn là sâu bệnh thì tôi không biết có thể khoẻ đến bao giờ?
Muốn làm nông nghiệp sạch, cần phải có một nguồn lực lớn, một sự đồng lòng của mọi người. Thay vì 308 triệu USD nhập thuốc trừ sâu đó, chỉ cần vài chục triệu USD xây dựng cơ sở nghiên cứu giải pháp sinh học, nhà nước ban hành cho phép ngành bảo vệ thực vật bằng sinh học ra đời.
Lúc đó, nông nghiệp hữu cơ sẽ dẹp ông làm cây giống, ông sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… Chuyện 308 triệu USD thuốc trừ sâu đã từng đau đầu sẽ dễ dàng giải quyết biết bao nhiêu. Nhưng liệu nhà nước có chấp nhận chuyện đó không?
Lỗi thứ 2, chúng ta để mọi người tự do truyền thông quá. Nhưng đâu biết nó là thứ đang giết nông dân. Bởi đã truyền thông thì chỉ có những ông siêu thị, chợ, xuất khẩu… mới biết cách truyền thông. Mà họ thì đời nào nói lợi cho nông dân. Họ chỉ muốn đè, giấu, ém hàng đi nữa chứ!
Như Thái Lan xuất phát điểm là một nước hoá học. Nhưng đến thời kỳ đi lên bằng canh tác hữu cơ thì lại nhanh hơn chúng ta rất nhiều. Tôi nhớ không nhầm là 2 năm.
Bởi nhà nước sẵn sàng hướng dẫn cho dân. Họ truyền thông là truyền thông cho cả tài nguyên bản địa của nông dân, hỗ trợ canh tác, thành lập trung tâm R&D giúp start-up nông nghiệp luôn có đầu ra.
Còn Việt Nam mình, giờ chúng tôi chỉ là một vài thành viên nhỏ lẻ. Để nói làm đúng nghĩa, thực sự có lương tâm thì đếm trên đầu ngón tay.
Chúng tôi chế tạo sản phẩm sinh học. Nhưng sinh học vốn là sự sống. Làm ra 1 thời gian tất cả không sử dụng thì tất cả vi sinh vật cũng sẽ chết. Lúc đó, nó chẳng khác gì hũ bột, hũ nước. Công sức bao năm xem như đổ sông, đổ biển cả.
Nếu tình trạng như ông vừa nói không thể giải quyết, liệu người tiêu dùng quốc tế còn lòng tin vào nông sản Việt Nam?
Nguyễn Lâm Viên: Gần đây, khi tôi gặp những khách hàng nước ngoài thì thấy họ lại có cái nhìn tích cực. Họ nói với tôi: "Việt Nam hoàn toàn có thể làm được đấy".
Bạn có biết, năm 1992, lần đầu tôi sản phẩm mít sấy ra triển lãm tại Singapore, người nước ngoài từng hỏi tôi: "Cái này Việt Nam hả? Có đang nói xạo không? Không phải Việt Nam toàn chiến tranh, đói nghèo với bệnh truyền nhiễm không sao?". Tức lúc đó, nói về sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thì đều là bẩn hết.
Nhưng khi đã nếm được cái vị tự nhiên, thơm ngon của mít Việt Nam thì họ lập tức phải "Wow" lên sung sướng.
Giờ, họ thấy nhiều tiềm năng to lớn, thậm chí còn muốn đầu tư nhiều vào nông nghiệp Việt Nam cùng tôi nữa là đằng khác.
Như tôi đã nói: Trên thế giới không có nơi nào nuôi cá basa lại hơn ông nông dân miền Tây, trồng khoai ngon hơn dân Phú Yên, Đak Nông, hay chuối như ở Cà Mau,… Người nước ngoài, từ lâu họ đã biết đến nhiều vùng "organic tự nhiên" như thế rồi.
Có thể cho rằng, con đường ông đi, luôn là người ngoài tin, người trong nước thì nghi ngờ?
Nguyễn Lâm Viên: Năm 1988, nghe tôi làm mít sấy, có ai tin đâu. Lúc ấy, tôi mang mít ra chợ bán, ai cũng chửi: "Khùng quá đi! Ngoài đường người ta bán có 500 đồng một ký tươi thì sao phải bỏ mấy chục ngàn ra mua mít khô làm gì?". Ngay cả gia đình cũng nghĩ tôi chỉ làm cho vui, chắc chắn sẽ thất bại.
Trong khi tôi sang Đài Loan làm nghiên cứu sinh, nghe chuyện tôi chế biến mít sấy, thầy tôi lại cười: "Sau này con sẽ trở thành người làm mít giỏi nhất". Ổng không biết thành phẩm của tôi ra sao, thị trường sẽ là đâu. Ông thấy cái đam mê tôi lớn quá, đêm ngày ngủ cũng mơ tới cây mít nên ông tin.
Bởi thế, ở Việt Nam tôi biết mình không thể nào thành công. Lúc đó, dân ta chỉ cần ăn no, ăn đủ cái bụng đã là sướng rồi thì ngồi nghe một người nói về thực phẩm cho tốt cho sức khoẻ đã là không hợp lý rồi.
Tết Nguyên đán năm 1990, tôi quyết định qua Đài Loan. Tôi bày mít ra một cái sạp ở trước chợ đêm, nhờ người đi ngang nếm thử. Bạn biết rồi, đồ tự nhiên, còn giòn, lạ khiến họ hết hồn liền. Số mít tôi đem sang bán hết sạch.
Mấy ông chủ ở trên toà nhà cao thấy sạp hàng tôi đông nghịt, bèn mời tôi lên, ra giá "bao tiêu" tôi 5 năm. Tôi nhớ năm đó, trong vòng 1 năm làm "bao tiêu", tôi xuất từ 50 đến 100 container (tương đương 500 - 1000 tấn-PV). Nó kinh khủng lắm! Mà chỉ cần Việt Nam cung ứng bao nhiêu là Đài Loan vẫn sẽ lấy hết. Bởi họ thích cái độ ngon của thực phẩm Việt Nam.
Đến năm 1995, lúc tôi đã tìm đường vào thị trường Mỹ rồi thì trong nước, cả năm vẫn chưa bán hết một container.
Năm 1997-1998, sản phẩm của tôi chủ yếu là bán cho bà con Việt Kiều. Lúc đó, cứ hễ Việt Kiều về nước thì họ chụp ảnh, gửi bao bì để nhờ mua cho bằng được mít sấy mang sang Mỹ.
Dịp Tết, tôi quyết định trữ kho hàng 5.000 tấn. Nhân viên của tôi lo lắm, nó hỏi: "Chú để nhiều vậy có hết không?". Nhưng chưa đến Tết là đã sạch kho. Việt Kiều họ sẵn sàng cầm 10.000 đô quăng vào người tôi, nói: "Tiền nè, anh phải bán cho tui đi".
Nhưng thị trường của tôi không dừng ở người Việt nước ngoài, tôi còn muốn "đánh" cả thị trường người da trắng. Trước đây, họ không thích ăn mít vì nó có mùi, cứng với dơ tay, nên để thay đổi thói quen tiêu dùng của họ là vô cùng khó.
Lúc đó, tôi buộc chấp nhận bán sản phẩm thô dưới nhãn mác của họ. Tôi làm vậy vì tôi muốn chính người Mỹ phải tự làm thay đổi thói quen tiêu dùng của dân họ trước. Tới lúc đã nếm được rồi thì tất cả đều phải "Wow" sung sướng.
Khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp tôi. Bác kể, ngày xưa chiến đấu ở Quảng Bình, bộ đội chỉ toàn ăn mít lấy sức chiến đấu. Sau này thời bình, bác đã nhiều lần kêu gọi nhiều người làm chuyện này, nhưng mãi đến tôi mới làm. Bởi thế bác nói cảm ơn công sức tôi.
Từ năm 1988-2000, không có đối thủ cạnh tranh nên tôi nhanh chóng tạo nên cơn "sốt" trên thị trường.
Nghe mít của tôi xuất khẩu ra nước ngoài giá 6000-8000 USD/tấn, TBT Đỗ Mười bất ngờ. Bác tới kiếm tôi, nói: "Gạo nước ta chỉ bán được có 200 đô-la, mít mà chú bán 8000 đô-la, tui nể chú".
Chuyện TBT Đỗ Mười bất ngờ hay Tướng Giáp cảm ơn vì tôi đã làm thế giới tin tưởng vào sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, nhắc nhớ thì tự hào. Nhưng nó cũng là quá khứ rồi. Cái tôi mong đợi bây giờ là cả toàn thể người Việt cũng tin vào điều đó.
Rằng: "Nông nghiệp phải vì sự sống".
Từ chiếc giỏ mít sấy mang ra thế giới năm 1988, đến nay, sản phẩm Vinamit đã chinh phục được hơn 20 quốc gia. Trong đó, có nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU,…
Giờ đây, sau hơn 30 năm "cô độc" đi trên con đường riêng, CEO Nguyễn Lâm Viên vẫn luôn tự hào về tên gọi Vinamit. Thứ nhất, nó mang tên Tổ Quốc. Thứ hai, nó 100% tự nhiên. Thứ 3, nó hoàn toàn có thể trở thành nền "y tế dự phòng" cho con người trong tương lai.
Điều ông mong mỏi: "Nông nghiệp phải vì sự sống" đến giờ Vinamit đã thực hiện tới đâu rồi?
Nguyễn Lâm Viên: Làm nông nghiệp sạch là một con đường dài lắm, mà phải đi từng bước qua 3 giai đoạn: Chứng minh, học hiểu và ứng dụng.
Đó là lý do mà tôi vẫn hay nói với học trò: "Muốn làm giàu thì tụi con đi làm bất động sản, đi làm chứng khoán, canh giá vàng đi chứ đừng theo thầy chi cho mệt".
Giờ chúng tôi chỉ đang ở giai đoạn thứ nhất thôi! Tức là chứng minh cho người ta tin tưởng trước đã. Mà muốn cho họ tin thì tôi phải có thành quả, có cơ sở, trường, viện nghiên cứu, nơi thực nghiệm… để họ thấy được, rờ được và làm được bằng chính bàn tay của họ.
Đó là lý do 10 năm trước, tôi phải có viện nghiên cứu sinh học, mở trang trại organic hơn 200 ha tại Bình Dương. Hiện, chúng tôi có 8 trang trại với trên 2.000 ha (trong đó có 3 trang trại thuê lại đất của dân) và 5 nhà máy chế biến.
Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục xây dựng một trường đại học nông nghiệp và một trang trại ở thung lũng tại Lâm Đồng.
Khi trường đại học nông nghiệp organic ấy thành hiện thực thì nó sẽ có quy mô, tầm cỡ và có thể giúp thay đổi nông nghiệp Việt như thế nào?
Nguyễn Lâm Viên: Nó sẽ bao gồm hệ thống trường học, viện nghiên cứu và một trang trại 200ha để thực nghiệm.
Theo tính toán thì mỗi tháng, chúng tôi có thể tiếp nhận 600 sinh viên tới dự học mỗi năm. Ở đây, khác với các trường đại học, tất cả mọi người đều có quyền tới học, miễn là họ đam mê nông nghiệp, muốn cùng tôi xây dựng nông nghiệp organic. Kể cả nông dân.
Nếu là sinh viên, đã có kiến thức nền tảng thì tôi cam đoan chỉ 5 tháng là bạn tốt nghiệp. Lúc đó, bạn có thể ở nông trường, đồng hành cùng tôi, hoặc ra trường. Trở về nông trại của mình rồi mà vẫn không làm được thì tôi sẵn sàng trả tiền học phí.
Mới đây, nghe tôi bỏ tiếp một số tiền lớn để hoàn chỉnh trang trại, cô thư ký có hỏi tôi: "Bác lấy hết tài sản 30 năm kinh doanh để đi xây trường, liệu có đáng không?". Tôi chỉ cười. Tôi thấy vui nhiều hơn là đáng.
Giờ sức khoẻ tôi xuống nhiều rồi, nhưng tôi vẫn cố gắng trực tiếp hướng dẫn các bạn. Tôi duy trì thói quen giảng dạy 2 buổi/tuần bằng phương pháp trực tuyến.
Thương lắm! Có những hôm 12h đêm, xuống phòng nghiên cứu, tôi vẫn thấy các bạn miệt mài. Họ đều là là những người trẻ, sinh viên mới ra trường, lại sẵn sàng bỏ thành thị đầy đủ tiện nghi để lặn lội về những nơi xa xôi, vất vả này.
Vì vậy, họ thức thì tôi không ngủ. Tôi phải cùng làm, cùng chịu cực khổ, cùng hạnh phúc với họ để họ tin, họ đồng lòng cùng mình.
Và tôi chắc chắn, trong tương lai, những cô cậu ấy sẽ là giảng viên, giáo sư, chuyên gia tại trường đại học của tôi. Họ sẽ là thế hệ tiếp theo giúp tôi thực hiện hoá giấc mơ: "Nông nghiệp vì sự sống".
Suốt 30 năm đi giải oan và xây dựng nền móng nông nghiệp sạch cho Việt Nam như thế, ông có nhận lại được niềm vui nào?
Nguyễn Lâm Viên: Tôi cho bạn xem cái này. (Mở điện thoại lục tin nhắn).
Cô ấy mang thai trong thời kỳ bị viêm bao tử cực kỳ nặng. Vì bảo vệ con, cô ấy chấp nhận chuyện không sử dụng thuốc đặc hiệu, chiến đấu cùng với những cơn đau dữ dội mỗi ngày.
Lúc cô ấy gặp tôi thì đã bế tắc lắm rồi. Tôi mới khuyên cô ấy về uống nước mía sấy khô có probiotic của tôi đi, uống liên tục mỗi ngày vừa tốt cho con vừa có lợi cho sức khoẻ.
Vì hết đường nên cô ấy tin, làm theo. Hôm qua cô ấy đã "mẹ tròn con vuông". Sinh xong là chụp hình cu cậu gửi cảm ơn tôi ngay. Tôi nhìn thằng bé, cười mãi.
Nó kháu khỉnh nhỉ? (Cười).
Ông có tâm nguyện gì cho bản thân, gia đình và Vinamit?
Nguyễn Lâm Viên: "Nông nghiệp phải vì sự sống" - đó là những thứ mà mỗi ngày tôi vẫn nhắc nhở các kỹ sư nông nghiệp, nhân viên, bạn bè, gia đình và trên từng bao bì từng sản phẩm Vinamit.
Với tôi, nông nghiệp sạch giống như một nền y tế dự phòng vậy. Nó sẽ giúp người Việt nâng cao hệ miễn dịch, tự chữa bệnh cho mình. Ví dụ như tôi, hồi xưa, lúc chưa làm nông nghiệp hữu cơ, mới 30 tuổi nhưng tôi đã uống đủ hết các loại thuốc. Lúc đó, tôi tự hỏi: "Mình mới 30 tuổi mà sao đã như vậy?". Bây giờ mỗi ngày tôi chỉ "uống" 100 tỷ con vi khuẩn vô trong người mà vẫn khoẻ. (Cười).
Tôi phải sống tới năm 120 tuổi, để chứng minh cho mọi người thấy tôi làm thực phẩm sạch, và nhờ sử dụng nó mà tôi sống lâu như thế nào.
Nhưng nhìn ra xã hội mình bây giờ thì mặt sinh học đang bất ổn lắm! Một toà nhà dựng lên mà có hàng nghìn con người cùng tồn tại. Sống như vậy sao sống, dịch bệnh đến, giống như Covid-19 này là tất cả đều tan nát hết.
Xã hội này thì lớn quá, một mình tôi không thể nào thay đổi được. Cá nhân tôi giờ chỉ đang làm được những điều nhỏ nhất cho những người xung quanh. Ví dụ, cái trang trại tôi sắp sửa xây, tôi luôn dành cho các kỹ sư mỗi người một căn nhà, công nhân thì 2 vợ chồng 1 căn nhà. Giờ bạn tới đó, bạn sẽ thấy không có nông trại nào có nhà vệ sinh trên đồng, mà còn rất đẹp nữa chứ!
Ở đó, tôi không cho các bạn kỹ sư giết bất kỳ con vật nào. Kiến vào phòng thì chỉ rắc tiêu đuổi đi, chuột thì mình mang giày ủng, bao tay. Đối với tôi, muôn loài đều công bằng như nhau. Bản thân kỹ sư nông nghiệp là người làm ra sự sống thì tôi luôn làm cho họ ý thức được sự sống quanh mình như thế!
Và đó là con đường tôi đang đi và sẽ làm cho cả xã hội này!
Theo Trí Thức Trẻ