Tự chủ đại học: Khi đại học nghĩ mình là nơi bán hàng...
Lê Vĩnh Triển
(TBKTSG) - Ngày nay, trong quản lý, câu hỏi rằng thị trường tốt hơn hay nhà nước tốt hơn đã rất cũ. Cả hai đều có những khiếm khuyết nhất định và việc chọn đứng lệch về một phía sẽ tạo ra nhiều khó khăn. Vấn đề chính là cách con người trong hệ thống hiểu và vận hành nó. Lãnh đạo trong một nền kinh tế bao cấp có thể xây dựng thế độc quyền và thu vén cho mình. Nhưng lãnh đạo trong một hệ thống thiên về thị trường cũng hoàn toàn có thể tận dụng nó để làm lợi cho riêng mình.
Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực cần có vai trò của Nhà nước để điều chỉnh sự công bằng trong tiếp cận và kiểm soát chất lượng dịch vụ được cung cấp. Ảnh minh họa: Thành Hoa. |
Đại học, nhà nước và thị trường
Từ kinh nghiệm phát triển ở các nước, có hai lĩnh vực mà vai trò của thị trường và Nhà nước cần có sự cân bằng, đó là y tế và giáo dục. Đây là hai lĩnh vực cần có vai trò của Nhà nước để điều chỉnh sự công bằng trong tiếp cận và kiểm soát chất lượng dịch vụ được cung cấp.
Tự chủ đại học là một điển hình trong câu chuyện này. Ban đầu các đại học được bao cấp toàn bộ và chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Dù các đại học không phải suy tính cách kiếm tiền, chỉ tập trung vào giảng dạy hoặc nghiên cứu, nhưng số tiền được cấp sẽ không lớn (ở các nước đang phát triển). Từ đó, lương giảng viên thấp và cơ sở vật chất kém chất lượng. Nghiên cứu khoa học cũng bị nhiều ràng buộc, từ tài chính đến không gian học thuật. Các trường đại học cũng không có nhu cầu cải thiện hiện trạng và chấp nhận như một thực tế bắt buộc. Những lãnh đạo có tầm vóc thì thấy gò bó và hạn chế cơ hội để phát triển.
Trong tình trạng đó, việc cho phép tự chủ đại học khiến nhiều trường hào hứng, đặc biệt từ các trường có lãnh đạo năng động. Không gian tự quyết cho các trường lớn hơn nhiều, từ tài chính đến chương trình đào tạo và nghiên cứu.
Tự chủ khiến nguồn tài chính ở các trường có sức hút lớn mạnh lên, do được tăng học phí, dù trong ràng buộc. Cơ sở vật chất và phúc lợi cho giảng viên nhanh chóng được cải thiện, đầu tư vào nghiên cứu cũng mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, trong “không gian” tự chủ, có vẻ các trường chuộng yếu tố tự chủ tài chính để tăng thu hơn, nghĩa là xem trọng việc thu hút thêm ngày càng nhiều sinh viên. Trong khi đó, việc thay đổi chất lượng thường khó khăn và tốn kém hơn bởi không thể tăng chất lực lượng giảng viên ngay lập tức. Đứng trước lựa chọn như vậy, không ít trường sẽ chọn làm cái dễ hơn và có thu nhiều hơn, đó là thúc đẩy hoạt động đào tạo và ra sức tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Nếu chỉ phục vụ thị trường và xem người học là những khách hàng như đối với các sản phẩm vật chất, sẽ khiến các trường đại học đặt nặng sự quan tâm đến tài chính mà quên đi khía cạnh khác vô cùng quan trọng là tự chủ học thuật - vốn cũng là một mặt của chủ trương tự chủ đại học của Nhà nước. |
Kết quả là, các giá trị phổ quát trong giáo dục có dạng tương tự như hàng hóa công (tức là không loại trừ và không cạnh tranh khi tiếp cận) hiếm dần. Từ đây, các giá trị cơ bản của giáo dục dần mờ nhạt. Các chương trình giảng dạy tập trung vào cung cấp kỹ năng lao động, đáp ứng thị trường lao động hơn là tạo ra giá trị của một con người nhân văn, hướng đến phục vụ xã hội.
Để thu hút sinh viên và cải thiện hình ảnh, các bảng xếp hạng quốc tế là một cứu cánh. Nghiên cứu khoa học là một phần quan trọng của các bảng xếp hạng này, nên được đầu tư nhiều hơn. Ngay điểm này cũng có thể thấy là nghiên cứu khoa học có mục tiêu lớn là phục vụ cho việc xếp hạng. Mục tiêu thật sự của các công trình nghiên cứu bị lờ qua, khiến nghiên cứu khoa học chỉ cố lấy số lượng, thiếu động cơ cho các nghiên cứu giá trị cao, có đóng góp thật sự vào tri thức hoặc chí ít là giải quyết thực tế đang hiện hữu.
Quay trở lại với vấn đề nêu ra ở đoạn mở đầu, bao cấp giáo dục và tự chủ giáo dục (một dạng thị trường hóa giáo dục) đều có ưu và nhược điểm. Với con đường tự chủ đang đi, phải thừa nhận là tự chủ đại học sẽ có vai trò tích cực trong thời điểm đầu, ngắn hạn.
Tuy nhiên, trong dài hạn, với cùng con đường đó, giáo dục sẽ trở thành một thứ hàng hóa trong một thị trường mà ở đó thứ gì có thể định giá ngay thì mới được chấp nhận. Giá trị khai phóng và nhân văn bị lu mờ, giống như sự sụp đổ của các hàng hóa chất lượng cao khi phải cạnh tranh với hàng chất lượng thấp có giá thấp.
Vì vậy, vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo tiếp cận và kiểm soát chất lượng vẫn cần thiết. Nhà nước cần phải tạo ra động cơ để các trường hướng tới hai mục tiêu trên. Một ví dụ cụ thể là việc cấp bổ sung quỹ cho các trường có chất lượng nghiên cứu cao. Việc quan trọng của lãnh đạo các trường là xác định lại điểm tới hạn, tập trung vào chất lượng, nâng cao chất lượng giảng viên.
Một đại học có vị thế không chỉ có thể tồn tại được trong thị trường, mà còn phải hình thành được giá trị riêng của mình một cách rõ ràng, trong đó bao hàm các giá trị nhân văn, vì sự phát triển hài hòa của con người và xã hội.
Câu chuyện cụ thể hơn
Hòa cùng “trào lưu” tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay, các đại học dường như đang cố gắng hết sức để giới thiệu mình với công chúng. Các cách thức có thể là nâng cao uy tín học thuật của trường thông qua việc công bố xuất bản, tuyển dụng đội ngũ giảng huấn theo hướng ưu tiên những thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp ở các nước phát triển, hay đầu tư cơ sở vật chất... để thu hút sự quan tâm của phụ huynh và sinh viên. Những biện pháp này hoàn toàn tích cực trong cơ chế hướng đến tự chủ và cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
Nhưng trường đại học cũng là một định chế giáo dục bậc cao, có trách nhiệm dẫn dắt sự phát triển xã hội mà trước mắt là chắp cánh cho sự phát triển của tri thức, sức sáng tạo và cả tinh thần nhân văn của người học để họ đĩnh đạc vào đời.
Trên cơ sở đó, sẽ không có gì đáng nói nếu các trường đại học ý thức được sinh viên của mình không chỉ đơn giản là một dạng khách hàng, còn kỹ năng và kiến thức đào tạo của trường không đơn giản là hàng hóa như các hàng hóa vật chất trên thị trường.
Trong thực tế, không hiếm trường đại học dường như quên mất tâm thế và trách nhiệm tri thức, sáng tạo và nhân văn của mình và có vẻ chới với khi cơ chế tự chủ được bật đèn xanh. Trong hoàn cảnh đó, có lẽ nhà trường nhìn thấy mô hình doanh nghiệp như một phao cứu sinh và cố gắng theo đuổi hướng đó - xem sinh viên như khách hàng. Từ đó, khuyến khích và định hướng cán bộ, giảng viên của trường hiểu sinh viên trên tinh thần mới - tinh thần của tiếp thị hiện đại. Đó là bán cái gì thị trường/khách hàng cần chứ không bán những gì người bán có. Hay nói cách khác, trường phải phục vụ, chăm sóc sinh viên và giảng dạy những gì sinh viên muốn. Đây cũng là cách chọn dựa trên nhu cầu chứ không phải dựa trên nguồn cung.
Tri thức, sự sáng tạo và tính nhân văn là những giá trị vô hình mà chính trường đại học phải là nơi nghiên cứu, cung cấp, tương tác và sáng tạo nên. Vai trò của những nhà quản lý giáo dục (lãnh đạo các trường đại học) và các trí thức giảng dạy, vì thế, không chỉ ở việc làm hài lòng sinh viên bằng mọi giá một cách thụ động do thị trường sai khiến, mà còn phải chủ động nghiên cứu những chân trời mới của tri thức và văn hóa nhân loại để tạo nên những “sản phẩm” mới cho “khách hàng”. Vì thế thiết nghĩ cách tiếp cận hoàn toàn dựa trên nhu cầu (demand - driven) là phiến diện và làm chính các đại học (cụ thể là các đại học định hướng nghiên cứu) thụt lùi trong quá trình phát triển đất nước.
Tự chủ đại học - không chỉ ở khía cạnh tài chính
Những phân tích trên cho thấy rằng, nếu chỉ phục vụ thị trường và xem người học là những khách hàng như đối với các sản phẩm vật chất, sẽ khiến các trường đại học đặt nặng sự quan tâm đến tài chính mà quên đi khía cạnh khác vô cùng quan trọng là tự chủ học thuật - vốn cũng là một mặt của chủ trương tự chủ đại học của Nhà nước.
Nghị định 99/2019/NĐ-CP “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học” không chỉ trao quyền tự chủ cho các đại học ở góc độ tài chính như một thực thể cạnh tranh trên thị trường hàng hóa thông thường, mà còn ở góc độ tự chủ học thuật. Đây mới chính là điều vô cùng quan trọng cho việc định danh đại học.
Tự chủ đại học - tài chính và học thuật, và thái độ của trường đại học đối với thị trường vì thế phụ thuộc rất nhiều vào những nhà lãnh đạo nhà trường và các trí thức giảng dạy.
(Tác giả cảm ơn sự bàn bạc và góp ý của TS. Võ Tất Thắng)
Xem thêm: lmth.gnah-nab-ion-al-hnim-ihgn-coh-iad-ihk-coh-iad-uhc-ut/899703/nv.semitnogiaseht.www