vĐồng tin tức tài chính 365

Xã hội hóa y tế: miếng bánh của bệnh nhân nghèo bị cắt xén

2020-09-10 11:40

Xã hội hóa y tế: miếng bánh của bệnh nhân nghèo bị cắt xén

Bác sĩ Võ Xuân Sơn

(TBKTSG) - Y tế là lĩnh vực rất nhạy cảm. Mặc dù đó là một ngành dịch vụ nhưng là một dịch vụ đặc biệt. Trong ngành này, có thể có những trường hợp cần và phải được cung cấp dịch vụ, nhưng người sử dụng dịch vụ lại không thể có khả năng chi trả cho dịch vụ. Đó là những người nghèo. Vì vậy, nhà nước nào cũng phải tìm cách chăm lo về y tế cho đối tượng này.

Ở các nước phát triển, hệ thống y tế công có nhiệm vụ chăm lo cho người nghèo, phát triển các lĩnh vực y tế khó phát sinh lợi nhuận, phát triển và chăm sóc y tế ở những khu vực mà tư nhân không “mặn mà”, như vùng sâu, vùng xa... Ảnh minh họa: TTXVN

Ở các nước phát triển, nhà nước khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực y tế có thể phát sinh lợi nhuận, phục vụ cho những người có khả năng chi trả. Việc tham gia đầu tư của tư nhân giúp giảm bớt áp lực cho nhà nước trong việc đầu tư cho y tế một cách dàn trải. Nhà nước tập trung nguồn lực công cho các lĩnh vực, các khu vực khó phát sinh lợi nhuận và tập trung chi trả cho nhóm người nghèo. Đó chính là ý nghĩa của việc xã hội hóa y tế mà các nước đang áp dụng.

Như vậy, ở các nước phát triển, hệ thống y tế công có nhiệm vụ chăm lo cho người nghèo, phát triển các lĩnh vực y tế khó phát sinh lợi nhuận, phát triển và chăm sóc y tế ở những khu vực mà tư nhân không “mặn mà”, như vùng sâu, vùng xa...

Ở một đất nước mà mức thu nhập bình quân còn khiêm tốn như Việt Nam, bệnh viện công nào cũng có rất nhiều người nghèo tham gia khám, chữa bệnh. Vì thế, ngành y tế cần có một chính sách xã hội hóa đúng đắn để sao cho vẫn có thể đầu tư và phát triển tốt về mặt chuyên môn, kỹ thuật mà nguồn lực công vẫn được tiết kiệm, để dành cho việc chăm sóc y tế cho người nghèo. Có nghĩa là người nghèo được hưởng lợi chứ không phải bị thiệt thòi bởi chính sách xã hội hóa.

Chính sách xã hội hóa y tế mà Việt Nam đang áp dụng, đưa đầu tư tư nhân vô các bệnh viện công như hiện nay đang biến các bệnh viện công thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ y tế. Nguồn lực công, thay vì được tập trung cho người nghèo, thì lại được chia sẻ để thực hiện các chương trình xã hội hóa, cạnh tranh trực tiếp với các bệnh viện và cơ sở y tế tư nhân trong việc chăm sóc y tế cho người có khả năng chi trả. “Miếng bánh” cho người nghèo bị cắt xén. Người nghèo không những không được hưởng lợi, mà còn bị thiệt thòi trong quá trình xã hội hóa y tế theo kiểu mà Việt Nam đang tiến hành.

Việc đưa xã hội hóa y tế vào các bệnh viện công còn tạo ra một sự mập mờ công tư, làm cho hệ thống bệnh viện công bị mất phương hướng, không xác định được đối tượng chính mình cần phục vụ là người nghèo, dẫn đến việc rối loạn định hướng và mục tiêu hoạt động. Những người có quyền lực trong việc phân phối, sử dụng nguồn lực công trong y tế sẽ dễ dàng thao túng, mượn danh nghĩa xã hội hóa y tế để trục lợi là chuyện khó tránh khỏi.

Việc áp dụng xã hội hóa y tế như hiện nay còn dẫn đến sự rối loạn định hướng y tế công ở tầm vĩ mô, khi biến các cơ sở y tế công thành các doanh nghiệp tự chủ tài chính. Khi bệnh viện công phải tự lo nguồn đầu tư, tự trang trải các chi phí, thì họ sẽ sử dụng nguồn tài chính nào cho bệnh nhân nghèo? Và như vậy, ai sẽ chăm sóc y tế cho người bệnh nghèo?

Khi bệnh viện công trở thành doanh nghiệp kinh doanh y tế, việc họ tìm cách tạo ra lợi nhuận là đương nhiên, chúng ta buộc phải chấp nhận. Khi đó thì không ai có thể bắt buộc họ phải chăm lo cho người nghèo. Ai có tiền thì họ khám chữa bệnh, ai không có tiền thì phó mặc cho xã hội.

Với cung cách quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện nay, cùng với sự mập mờ công tư trong các bệnh viện công, thì việc nâng khống giá trị máy móc, trang thiết bị y tế chỉ là một trong những chiêu trò làm giàu cho các nhóm lợi ích, nhân danh xã hội hóa y tế.

Trong vụ án đang được điều tra ở Bệnh viện Bạch Mai, chỉ với một thiết bị y tế được đầu tư theo phương thức “xã hội hóa”, mà người bệnh đã phải bỏ ra thêm hàng chục triệu đồng cho mỗi lần chữa bệnh, bất kể khả năng chi trả của họ đến đâu. Và những đồng tiền đó cũng không được bổ sung cho nguồn lực công, để chăm lo cho người nghèo, mà lại chui vào túi của nhóm lợi ích, những kẻ đã cấu kết với nhau nâng khống giá thiết bị đầu vào.

Trong bối cảnh chính sách xã hội hóa y tế như hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai chắc chắn không phải là cá biệt trong việc nâng khống giá trang thiết bị y tế. Càng ngày sẽ có càng nhiều các công ty thiết bị y tế biến thành các công cụ cho các nhóm lợi ích thao túng, làm giá trong các bệnh viện công. Nếu không thay đổi chính sách xã hội hóa y tế, nguồn lực công dành cho người nghèo sẽ ngày càng bị cắt xén.

Xem thêm: lmth.nex-tac-ib-oehgn-nahn-hneb-auc-hnab-gneim-et-y-aoh-ioh-ax/889703/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xã hội hóa y tế: miếng bánh của bệnh nhân nghèo bị cắt xén”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools