Như Thanh Niên thông tin, chiều 6.11, khi chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nêu hiện đường cao tốc qua tỉnh Bình Thuận gần 200 km nhưng chưa bố trí trạm dừng chân: "Xin hỏi Bộ trưởng giải quyết vấn đề trên ra sao ? Khi nào thì có trạm dừng chân để người dân an tâm khi lưu thông qua tuyến cao tốc trên ?".
Phúc đáp đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận việc triển khai trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc đang bị chậm. Ông cho biết khi rà soát, quy định về trạm dừng nghỉ gần như không có, thiếu hành lang pháp lý. Bộ trưởng Thắng cho rằng đây là lý do trong giai đoạn 1 của tuyến cao tốc gần như không có trạm dừng nghỉ mà đại biểu nêu.
Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chọn nhà đầu tư để xã hội hóa - việc trước đây không có. Quy mô trạm dừng nghỉ cũng chưa có quy định. Theo ông Thắng, trước đây trạm dừng nghỉ của các tuyến cao tốc có quy mô tối đa 1 ha. Tuy nhiên, hiện nay 1 ha không thể làm được. Do vậy, vừa qua Bộ GTVT tích cực xây dựng hành lang pháp lý, quyết liệt quy hoạch và triển khai đấu thầu, mời gọi các nhà đầu tư.
Đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng báo cáo trên các tuyến cao tốc đưa vào hoạt động giai đoạn 1 đã bắt đầu đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Ông khẳng định, 9 trạm dừng nghỉ thuộc giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2023 - 2024, 15 trạm của giai đoạn 2 chắc chắn đảm bảo tiến độ, khi đưa vào tất cả các tuyến cao tốc giai đoạn 2 sẽ có đầy đủ trạm dừng nghỉ với quy mô khang trang và phù hợp thông lệ quốc tế.
Lưu thông không nghỉ thiếu an toàn
Nhiều bạn đọc (BĐ) từng tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc chưa có trạm dừng chân, đã lên tiếng về bất cập này. BĐ Võ Điền Trung sau khi lưu thông qua cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cho biết: "Ai từng đi trên tuyến cao tốc này mới thấu hiểu sự bức bách. Cần lắm những trạm dừng chân, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa phục vụ nhu cầu lúc cần thiết của người dân lưu thông trên cao tốc".
BĐ Traicapt cùng quan điểm: "Trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc là nhu cầu thiết yếu để an toàn cho phương tiện, lái xe và hành khách. Có trạm dừng nghỉ, lái xe và hành khách được giải lao, hồi phục sức khỏe, phương tiện được kiểm tra nhiên liệu, lốp xe và an toàn chung".
"Đây là câu chuyện về tầm nhìn quy hoạch. Cần phải thi công trạm dừng chân đồng bộ với cao tốc để tạo ra các tiện ích an toàn cho người tham gia giao thông khi đưa vào vận hành. Không thể tưởng tượng rằng chạy xe hàng trăm km mà không có trạm dừng nghỉ, trong khi quy định là 60 km/trạm dừng", BĐ banquanly…@gmail.com nêu ý kiến.
Bổ sung, khắc phục gấp
Từ cam kết của Bộ trưởng GTVT về việc tất cả các tuyến cao tốc giai đoạn 2 sẽ có đầy đủ trạm dừng nghỉ, BĐ đề nghị cần bổ sung, khắc phục gấp hạng mục này. BĐ Nguyễn Chí Hải viết: "Tài xế và hành khách cần nghỉ ngơi và đi vệ sinh khi lưu thông trên cao tốc. Cần triển khai trạm dừng nghỉ ngay, đường gắn liền với trạm".
Tương tự, BĐ Lý Vĩnh cho rằng: "Trạm dừng chân trên cao tốc là hạng mục vô cùng quan trọng phải làm ngay lúc này" và bổ sung: "Trạm dừng nghỉ vừa giải quyết nhu cầu của hành khách, vừa gia tăng nguồn thu cho tuyến cao tốc, vừa giúp quảng bá các đặc sản của địa phương".
Bên cạnh đó, BĐ Hamaukhanhuk đề xuất giải pháp: "Chưa đủ kinh phí xây dựng trạm dừng chân quy mô thì làm điểm dừng chân. Những điểm dừng này không cần cây xăng, chỉ cần có nhà vệ sinh, trồng cây xanh, bán nước giải khát và có ghế ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Mô hình này một số nước đã làm, vừa nhanh, vừa ít tốn kém, giải quyết được nhu cầu của người lưu thông trên cao tốc".
"Các cao tốc đã đi vào hoạt động từ lâu. Vì thế, tốc độ xây dựng các trạm dừng nghỉ phải bảo đảm đúng như cam kết của ngành chức năng. Cần thiết có thể mở thầu cho các đơn vị tư nhân tham gia đầu tư, khai thác. Xin đừng để trễ hẹn vì chậm tiến độ, lùi thời gian hoàn thành như nhiều dự án giao thông khác, trong lúc người dân thì vẫn lưu thông hằng ngày trên các tuyến cao tốc này", BĐ Tam Luong kiến nghị.
* Bộ GTVT nên quy hoạch trạm dừng chân ngay khi xây dựng cao tốc luôn. Để tuyến cao tốc đưa vào sử dụng là có trạm dừng nghỉ. Chứ giờ bắt đầu xây dựng thì ít nhất hai năm nữa các bác tài mới có trạm dừng để nghỉ.
Nhu Le Van
* Bất cập khi cao tốc không có trạm dừng đã được cảnh báo từ trước. Giờ đây, mong các cơ quan chức năng và đơn vị đầu tư có giải pháp khắc phục sớm.
Anh Đoan
* Ngoài các trạm dừng chân thông thường và làn khẩn cấp, theo tôi, cứ mỗi đoạn 10 - 20 km cao tốc cần xây dựng một trạm dừng xe thông minh khẩn cấp có trang bị phương tiện thông tin cứu hộ và nhà chờ. Việc này nhằm tránh nạn kẹt xe khi xảy ra sự cố như xe hỏng máy hoặc gặp tai nạn giao thông.
Hungtafuni