Vừa mới bước vào tháng 9 mà Tesla đã phải đón nhận hàng loạt sự kiện chấn động. Tesla khởi đầu tháng với thương vụ bán cổ phiếu khổng lồ, chứng kiến 82 tỉ USD vốn hóa bị thổi bay trong một phiên và chịu đựng sự hắt hủi của S&P 500.
CNN điểm qua những ngày đầu tháng 9 đầy trắc trở của Tesla cho đến nay.
1. Cổ phiếu tuột dốc
Tesla, một trong những "con cưng" của nhà đầu tư nhỏ lẻ Mỹ đã phải trải qua cú lao dốc mạnh nhất trong lịch sử 10 năm của công ty vào hôm 8/9.
Tesla mất 21% giá trị sau khi Ủy ban Chỉ số S&P 500 từ chối cho thêm cổ phiếu này vào chỉ số đo lường vốn hóa của 500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ. Nếu Tesla được thêm vào chỉ số, các quĩ mô phỏng S&P 500 sẽ buộc phải mua vào cổ phiếu xe điện này.
Đà tăng của Tesla trong những tháng vừa qua đã được nâng đỡ phần nào bởi kì vọng rằng Tesla sẽ được gia nhập chỉ số danh giá.
Vốn hóa Tesla sụt 82 tỉ USD hôm 8/9, lớn hơn cả giá trị thị trường của Ford và General Motors cộng lại.
Cú vấp ngã hôm 8/9 còn nặng nề hơn lúc Tesla sụt 19% trong tháng 1/2012, chưa đầy hai năm sau buổi IPO. Mức giảm trong một ngày lớn thứ ba của Tesla là khi giá "bốc hơi" gần 19% vào ngày 16/3 năm nay. Theo sau là phiên giao dịch ngày 5/2 đầu năm, khi Tesla giảm 17%. Sau mỗi đợt bán tháo đó, Tesla đều phục hồi tốt.
Kịch bản này lại lặp lại hôm 9/9: Giá đóng cửa Tesla tăng 11% so với hôm trước và vẫn cao hơn gần 340% so với đầu năm.
2. Đối thủ mạnh lên
Dù tần suất xuất hiện dày đặc trên truyền thông khiến Tesla có vẻ là công ty xe điện duy nhất trên thị trường, nhưng dĩ nhiên là vẫn còn những cái tên khác. Ví dụ, General Motors đang bắt tay với Nikola để sản xuất Nikola Badger, mẫu xe bán tải chạy hoàn toàn bằng điện và pin nhiên liệu hydro.
Sự hợp tác này mang lại cho General Motors 11% cổ phần trong Nikola. General Motors cũng sẽ có quyền đề cử một đại diện trong HĐQT của Nikola. Sau thông tin trên, giá đóng cửa của Nikola tăng 40%.
3. Bán hàng tỉ USD cổ phiếu
Hôm 1/9, Tesla thông báo kế hoạch phát hành khoảng 5 tỉ USD cổ phiếu mới, một ngày sau khi tiến hành chia tách cổ phiếu với tỉ lệ 5:1. Một tuần sau, ngày 8/9, công ty thông báo thương vụ đã được hoàn tất. Tesla không tiết lộ chính xác giá trung bình và số cổ phiếu được bán ra.
Tesla cũng không cung cấp nhiều thông tin cụ thể về ý định sử dụng số tiền thu về từ đợt bán cổ phiếu. Trong báo cáo gửi lên cơ quan quản lí, Tesla chỉ nói rằng công ty dự định dùng số tiền nhận về "để củng cố hơn nữa tình hình tài chính và các mục đích thông thường khác".
4. Vỡ mộng gia nhập S&P 500
Ngày 4/9, Ủy ban Chỉ số S&P 500 thông báo cho thêm ba cổ phiếu mới vào chỉ số này. Nhưng không cái tên nào trong số đó là Tesla, nhà sản xuất xe ô tô với vốn hóa lớn nhất hành tinh.
S&P 500 là một trong những chỉ số thị trường chứng khoán quan trọng nhất, được xem là tham chiếu chính để theo dõi sự thành công của những công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ.
Dù đã mất khoảng 100 tỉ USD vốn hóa kể từ thông tin trên, giá trị của Tesla vẫn lớn hơn Toyota, Disney và Coca-Cola.
"Tóm lại, việc Tesla không gia nhập S&P 500 là điều khó hiểu đối với những người lạc quan về hãng xe điện này. Họ đã đoán chắc Tesla sẽ được thêm vào S&P 500 sau khi công ty đáp ứng đủ mọi điều kiện", các nhà phân tích của công ty chứng khoán Wedbush viết.
Xem thêm: mth.59665125101900202-alset-iov-ar-yax-auv-or-neid-ueid-4/nv.zibmanteiv