Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Mỹ ngày 10-9 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Đây là nội dung nằm trong thông cáo chung của Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53), do Bộ Ngoại giao Việt Nam phát tối 10-9.
Về tình hình khu vực, thông cáo chung này đề cập tới Biển Đông, diễn biến ở bán đảo Triều Tiên và tình hình ở Trung Đông.
Đối với Biển Đông, thông cáo chung cho biết các ngoại trưởng ASEAN tại sự kiện AMM 53 lần này tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trên biển và trên không ở Biển Đông. Đồng thời, các ngoại trưởng công nhận lợi ích của một Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Các ngoại trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả đối với nội dung thuộc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Đây cũng là nội dung Việt Nam đã nhấn mạnh nhiều lần trong các phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh ở phiên khai mạc và các hội nghị ngày 9 và 10-9.
Cũng theo nội dung thông cáo chung AMM 53, các ngoại trưởng ASEAN nhiệt liệt hoan nghênh mối quan hệ hợp tác không ngừng được cải thiện giữa ASEAN và Trung Quốc, được khuyến khích bởi tiến độ của các cuộc đàm phán thực chất nhằm mục tiêu sớm kết luận một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, trong một khoảng thời gian mà hai bên (ASEAN và Trung Quốc) đã nhất trí.
"Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực đã được thực hiện nhằm tiếp tục vòng rà soát thứ hai của văn bản dự thảo đàm phán COC duy nhất (Single Draft COC Negotiating Text), bất chấp tình hình đại dịch (COVID-19) đang tiếp diễn.
Chúng tôi nhấn mạnh việc cần thiết phải duy trì và thúc đẩy một môi trường có lợi cho các cuộc đàm phán COC, và do đó hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ dẫn tới tai nạn, hiểu lầm và sai lầm.
Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa, nhằm nâng cao niềm tin và sự tin tưởng giữa các bên; và chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982", bản thông cáo chung AMM 53 nêu.
Biển Đông là một trong những điểm nóng tại AMM 53 và các hội nghị liên quan năm nay, khi Việt Nam chủ trì với tư cách chủ tịch ASEAN 2020.
Trong thời gian qua, câu chuyện Biển Đông trở thành tâm điểm trên chính trường quốc tế khi Trung Quốc có nhiều động thái quyết đoán, bao gồm việc đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Về vấn đề này, thông cáo của AMM 53 cho biết các ngoại trưởng ASEAN đã thảo luận tình hình Biển Đông, trong đó "một số bộ trưởng bày tỏ quan ngại về những hoạt động, việc cải tạo đất và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực, vốn đã làm xói mòn lòng tin và niềm tin, gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực".
"Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết trong việc thúc đẩy niềm tin và lòng tin, thực hiện việc tự kiềm chế đối với các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, cũng như phải tránh các hành động có khả năng làm phức tạp tình hình.
Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết của việc theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc phổ quát đã được thừa nhận theo pháp luật quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế đối với tất cả các hoạt động của những bên có tuyên bố chủ quyền, bao gồm những điều được đề cập trong DOC, vốn có thể khiến tình hình phức tạp thêm hoặc gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông", bản thông cáo chung viết.