Trong lời nói sau cùng trước tòa, các bị cáo đều gửi lời xin lỗi tới gia đình 3 chiến sĩ đã hy sinh; đồng thời tỏ thái độ ăn năn, hối lỗi, mong được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Chiều 10/9, phiên xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) kết thúc phần tranh luận. Trước khi HĐXX vào nghị án, các bị cáo được phép nói lời sau cùng.
Quay xuống phía dưới gửi lời xin lỗi đến gia đình 3 chiến sĩ công an đã hy sinh, bị cáo Lê Đình Chức khẩn khoản: “Dù có được trở về hay phải chết, bị cáo vẫn mong muốn các gia đình bị hại tha thứ cho bị cáo để lương tâm bị cáo được thanh thản!”.
Bị cáo bị đề nghị án tử hình này đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh gia đình bị cáo. Theo bị cáo Chức, bố bị cáo (ông Lê Đình Kình - PV) đã mất trong sự việc rạng sáng ngày 9/1/2020 mà bị cáo chưa được thắp cho bố nén hương; con bị cáo còn nhỏ, bị cáo chưa được thấy mặt.
“Bị cáo biết tội lỗi của bị cáo là khó tha thứ nhưng vẫn xin HĐXX xem xét để bị cáo có cơ hội thắp cho bố một nén hương, được nhìn mặt con!” - bị cáo Chức nói lời sau cùng.
Cho rằng trong vụ việc ngày 9/1/2020, bản thân không bàn bạc, giao nhiệm vụ cho ai, bị cáo Lê Đình Công đề nghị HĐXX cho mình được chuyển sang tội danh “Chống người thi hành công vụ”. Trước đó, bị cáo Công bị VKS đề nghị án tử hình về tội “Giết người”.
Nói lời sau cùng, bị cáo Lê Đình Doanh cho biết, bản thân cắn rứt lương tâm rất nhiều khi nghĩ về con gái còn nhỏ của chiến sĩ công an đã hy sinh.
“Cháu còn quá nhỏ chưa biết gì, sau này lớn lên mới hiểu được nỗi đau mất bố… Trong suốt thời gian bị tạm giam, được sự quan tâm, giáo dục của cán bộ, bị cáo đã nhận thức rõ hành vi tội lỗi mình gây ra. Bị cáo xin HĐXX xem xét để bị cáo được hưởng lượng khoan hồng, để bị cáo sớm trở về với vợ con, là công dân có ích, bù đắp những nỗi đau cho gia đình bị hại.” - bị cáo Doanh nói.
Bày tỏ sự ăn năn, hối cải, bị cáo Nguyễn Quốc Tiến thừa nhận bản thân đã sai khi nghe Lê Đình Công mua lựu đạn, làm bom xăng, bắn pháo sáng… Bị cáo Tiến cho rằng bản thân không phải người chủ mưu, cầm đầu mà chỉ bị “Tổ đồng thuận” lôi kéo, kích động. Từ đó, bị cáo Tiến mong HĐXX xem xét, chuyển đổi tội danh cho bị cáo sang tội “Chống người thi hành công vụ”.
Bị cáo Tiến ngậm ngùi xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ công an đã hy sinh. Theo bị cáo này, khi biết sự việc xảy ra với 3 chiến sĩ, bị cáo đã nhờ cán bộ điều tra nhắn với vợ là Đào Thị Kim đến thắp hương cho 3 chiến sĩ. Song, sau này bị cáo mới biết vợ bị cáo cũng đã bị bắt trong vụ việc.
Bị cáo Bùi Viết Hiểu nói, bản thân nhận thấy mọi hành vi sai phạm của mình và xin được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước.
Ông Hiểu trình bày, gia đình bị cáo có 3 anh em đều tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Bản thân bị cáo là thương binh, được thưởng 10 huân chương nhưng cuối đời lại mắc sai lầm lớn. Bị cáo Hiểu xin được hưởng sự khoan hồng để có cơ hội sửa chữa.
Ngoài ra, bị cáo sinh năm 1943 cho biết, vợ bị cáo hiện bị bệnh nặng, không thể tự chăm sóc bản thân. Bản thân bị cáo đã cao tuổi, nhiều lần lên bàn mổ, sức khỏe rất yếu. Ông Hiểu mong được hưởng sự ưu ái nhất từ HĐXX.
Trong lời sau cùng, các bị cáo khác đều cho rằng bản thân đã nhận thức được tội lỗi, bày tỏ sự ăn năn, hối cải, từ đó xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho mình.
HĐXX tuyên bố nghỉ để nghị án.
15h thứ Hai, ngày 14/9, Tòa sẽ tuyên án.
Trước đó, trong bản luận tội, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm chuyển tội danh cho 19 bị cáo từ tội “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ” và đề nghị tòa áp dụng dưới mức hình phạt thấp nhất đối với một số bị cáo.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt tử hình với 2 bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức về tội “Giết người”.
Cùng tội danh trên, bị cáo Lê Đình Doanh bị đề nghị án chung thân; Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến bị đề nghị từ 16-18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển từ 14-16 năm tù.
Với nhóm 23 bị cáo phạm tội “Chống người thi hành công vụ”, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 15 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 7 năm tù giam.
Tiến Nguyên