Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa thấp hơn 405,89 điểm, tương đương 1,45%, đóng cửa ở mức 27.534,58 điểm. Đầu phiên, chỉ số Dow tăng hơn 200 điểm. S&P 500 mất 1,8% xuống 3.339,19 điểm. Nasdaq Composite rớt 2% xuống 10.919,59 điểm, sau khi tăng 1,4%. Đây là lần phiên giảm thứ 4 trong 5 ngày đối với các chỉ số chính.
Cổ phiếu của Apple đã giảm 3,3% dù trước đó tăng 2,7%. Tesla, dù có lúc tăng hơn 8% nhưng đóng cửa chỉ cao hơn 1,4%. Netflix và Microsoft đều giao dịch thấp hơn cùng với Facebook và Amazon. Cổ phiếu Nvidia mất 3,2%. Lĩnh vực công nghệ của S&P 500 giảm 2,3%.
Diễn biến ở phiên này diễn ra sau đợt phục hồi mạnh mẽ của ngày hôm trước, khi S&P 500 ghi nhận ngày khởi sắc nhất kể từ tháng 6. Nasdaq cũng thoát khỏi vùng điều chỉnh khi cổ phiếu công nghệ hồi phục.
Lĩnh vực công nghệ của S&P 500 giảm 11,4% từ khi đóng cửa ngày 2/9 - khi thị trường đạt mức cao nhất mọi thời đại - cho đến phiên ngày thứ Ba. Trong khoảng thời gian đó, S&P 500 đã giảm gần 7%. Công nghệ đã phần nào hồi phục ở phiên ngày 8/9 và ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 1 ngày kể từ tháng 4, trước khi cơn bán tháo tiếp tục diễn ra vào phiên vừa qua.
Thị trường trồi sụt, biến động trong những phiên gần đây diễn ra trong bối cảnh Phố Wall ngày càng lo lắng về bong bóng công nghệ, khi những cổ phiếu này thúc đẩy Nasdaq đạt mức cao kỷ lục bất chấp dịch bệnh ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Một số người nói rằng sự sụt giảm này vẫn là chưa đủ, CEO của công ty quản lý tài sản gia đình Duquesne, Stanley Druckenmiller nhận định rằng rằng thị trường đang ở trong một "cơn điên cuồng." Trong khi đó, 1 số khác lại cho rằng thị trường có thể lấy lại đà tăng một lần nữa.
Nhà đầu tư cũng cân nhắc về số liệu thất nghiệp mới công bố. Bộ Lao động Mỹ cho biết số người nộp hồ sơ lần đầu để hưởng trợ cấp thất nghiệp là 884.000 người. Các nhà kinh tế được thăm dò bởi Dow Jones dự kiến con số sẽ ở mức 850.000.