vĐồng tin tức tài chính 365

Nhật Bản, Ấn Độ và Úc tham vọng định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu

2020-09-11 16:28

Nhật Bản, Ấn Độ và Úc tham vọng định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu

Ricky Hồ - Lê Hiếu

(TBKTSG Online) - Tương lai của thương mại thế giới? Điều đó tùy thuộc vào ba thành viên sáng lập SCRI (gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Úc) và các nước ASEAN.

Cảng container Oi ở thủ đô Tokyo. Nhật Bản sẽ cùng Ấn Độ và Úc thành lập Sáng kiến chuỗi cung ứng bền vững (SCRI) vào tháng 11 sắp tới.

Chuỗi cung ứng đáng tin cậy

Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ tuần rồi đã kêu gọi định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu, dựa trên sự tin tưởng và ổn định lâu dài, chứ không chỉ vì lợi ích về chi phí. Đề xuất của ông được đưa ra cùng lúc với việc Nhật Bản mở rộng chương trình hỗ trợ tài chính các công ty chuyển ra khỏi Trung Quốc, bằng cách đưa ra thêm các điểm đến mới như Ấn Độ và Bangladesh bên cạnh ASEAN và Nhật Bản.

Tuyên bố của ông Modi được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến của các bộ trưởng thương mại Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Bộ ba này kêu gọi xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Đối tác Chiến lược Ấn - Mỹ, ông Modi nói rằng đại dịch Covid-19 cho thế giới thấy rằng mô hình chuỗi cung ứng giá rẻ đã không còn đứng vững. “Chúng ta cần sự tin tưởng, chứ không phải lúc nào cũng chăm chăm giá rẻ. Ngoài lợi thế địa lý, thế giới đang tìm kiếm sự tin cậy và ổn định. Ấn Độ là nơi có tất cả những phẩm chất này”, Thủ tướng Modi nhấn mạnh.

Ông Modia luôn nhắc rằng Ấn Độ đang dần trở thành một địa điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu. Ông cũng đề cao rằng quốc gia Nam Á này đã nhận được hơn 20 tỉ đô la vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay, với những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Google, Amazon và Mubadala Investments đã công bố các kế hoạch dài hạn tại Ấn Độ.

Các ‘ông lớn’ công nghệ đang tập trung về Ấn Độ

 

Công nhân đang lắp ráp máy lạnh tại nhà máy của Daikin Industries ở bang Neemrana, Ấn Độ. 

Đất nước khổng lồ Nam Á cũng đang chú trọng xây dựng ngành công nghiệp điện tử có giá trị cao. Tháng 3-2020, chính phủ nước này thông báo Chương trình ưu đãi các dự án liên quan sản xuất nội địa (PLI) cho các hãng sản xuất đồ điện tử và thiết bị điện tử có quy mô lớn. Chương trình dành các ưu đãi 4-6% trên doanh số tích lũy trong năm năm. Chính phủ Ấn Độ dành ngân khoản 5,5 tỉ đô la cho các hãng điện thoại thông minh và cung cấp linh kiện.

Theo các báo cáo chi tiết, các nhà sản xuất điện thoại giá cao như iPhone hay Samsung dòng S có thể nhận hàng chục đô la cho mỗi sản phẩm. Trung bình, mỗi hãng có thể có được mức hỗ trợ cao nhất lên đến 1,1 tỉ đô la trong vòng năm năm, tức là khoảng 220 triệu đô la/năm.

Kế hoạch PLI cũng được mở rộng sang các lĩnh vực khác gồm dược phẩm, chế tạo xe, dệt may và chế biến thực phẩm. “Ấn Độ có nhiều cơ hội để giành được đầu tư tích lũy của các chuỗi giá trị trong tương lai gần. Chương trình PLI sẽ giúp tăng tỷ trọng tổng sản lượng nội địa (GDP) của khu vực sản xuất trong nền kinh tế Ấn Độ”, ông Kaushik Das, nhà kinh tế chính của Deutsche Bank AG tại Mumbai, nói.

Nội các của Thủ tướng Modi đặt mục tiêu nâng tỷ trọng khu vực sản xuất từ 15% hiện nay lên 25% trong vòng 5 năm tới.

Các ưu đãi của chương trình PLI có thể thu hút thêm 55 tỉ đô la đầu tư trong 5 năm tới, tăng thêm 0,5% GDP cho nền kinh tế Ấn Độ, theo nhà phân tích Neelkanth Mishra của Credit Suisse Group AG. “Các ưu đãi sẽ giúp tăng thêm 10% năng lực chế tạo smartphone toàn cầu cho Ấn Độ trong vòng 5 năm tới, phần lớn là chuyển từ Trung Quốc về”, bản báo cáo trong tháng 8-2020 của Credit Suisse viết.

Tờ Economic Times của Ấn Độ đưa tin hôm 10-9: hiện có năm công ty nước ngoài đã nộp hồ sơ xin ưu đãi PLI, gồm Samsung, hai đơn vị của Foxconn, Wistron và Pegatron. Có bảy công ty nội địa của Ấn Độ, gồm Lava, Dixon, Micromax, Padget Electronics, Sojo, Karbonn và Optiemus. Bên cạnh đó là sáu công ty linh kiện.

Hiện Foxconn và Wistron đã có các nhà máy đang hoạt động tại Ấn Độ. Pegatron, nhà thầu sản xuất theo hợp đồng lớn thứ hai của Apple, đang tìm cách thiết lập các nhà máy của mình tại các bang như Uttar Pradesh, Tamil Nadu, Karnataka và Andhra Pradesh.

Riêng Samsung đã có một nhà máy và đang chuẩn bị khai trương nhà máy mới trong năm tới. Samsung hiện đang xuất khẩu một số lượng điện thoại di động trị giá khoảng 2,5 tỉ đô la từ Ấn Độ mỗi năm.

Một quan chức cấp cao của chính phủ nói với Economic Times: “Nội các chính phủ sẽ phê duyệt các dự án này trong tuần này. Các nhà máy hiện tại mở rộng và các nhà máy mới giúp xuất khẩu lượng điện thoại di động trị giá hơn 100 tỉ đô la trong 5 năm tới theo chương trình PLI.  Samsung và Apple chiếm 50 tỉ đô la mỗi công ty”.

Không lệ thuộc vào Trung Quốc

Sáng kiến chuỗi cung ứng bền vững (SCRI) với ba nước sáng lập (màu xanh) và khối Asean làm đối tác (màu đỏ).

Các chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị đứt gãy và gián đoạn khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc hồi đầu năm. Nhật Bản sớm phản ứng với các nỗ lực mới nhằm không quá bị lệ thuộc vào các chuỗi nhà máy ở Trung Quốc. Chính phủ nước này dành riêng ra 23,5 tỉ yen, khoảng 221 triệu đô la, cho các công ty nước này dời sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á hay quay trở lại Nhật Bản.

Đợt trợ cấp đầu tiên được công bố vào tháng 7 vừa rồi, cấp hơn 10 tỉ yen cho 30 công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á, trong đó có 15 công ty đến Việt Nam. Bên cạnh đó, 57 công ty khác đang được hỗ trợ tài chính và công nghệ để chuyển các cơ sở sản xuất về lại Nhật Bản, bao gồm hãng điện tử Sharp, hãng dược Shionogi và công ty sản xuất thiết bị y tế Terumo…

Tuần rồi, trong đợt xét duyệt trợ cấp thứ hai, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã bổ sung Ấn Độ và Bangladesh vào danh sách các địa điểm ưu đãi nếu các hãng Nhật dời khỏi Trung Quốc. 

Các động thái tách rời khỏi sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng của Úc diễn ra sớm hơn bởi gần 50% xuất khẩu của nước này sang thị trường Trung Quốc. Thủ tướng Scott Morrison trong hai năm qua đã cố gắng sử dụng quyền lực của liên bang để phủ quyết các hợp đồng nhiều tỉ đô la mà tiểu bang Victoria của Úc đã ký với Trung Quốc trong chương trình “nhất đới nhất lộ”.

Hồi tháng 3, Canberra đã phê phán cách thức Bắc Kinh ứng phó với dịch Covid-19. Bắc Kinh trả đũa bằng cách tẩy chay thịt bò và nông sản từ Úc, đồng thời kêu gọi sinh viên không du học Úc. Thủ tướng Morrison đã nhanh chóng thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác với Ấn Độ vào tháng 6 và đã đồng ý tham gia Sáng kiến xây dựng chuỗi cung ứng bền vững (SCRI) giữa Nhật Bản, Ấn Độ và Úc công bố tuần rồi. Cả ba nước đang thảo luận để công bố các kế hoạch hiện thực hóa sáng kiến này vào tháng 11 sắp tới.

Nhà bình luận Tarric Brooker viết trên trang news.com.au: “Tương lai của thương mại thế giới? Điều đó tùy thuộc vào ba thành viên sáng lập SCRI và các nước ASEAN”.
 

Xem thêm: lmth.uac-naot-gnu-gnuc-iouhc-ial-hnih-hnid-gnov-maht-cu-av-od-na-nab-tahn/601803/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhật Bản, Ấn Độ và Úc tham vọng định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools