Chiều 11-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi).
Góp ý kiến tại hội thảo, đại diện Sở Tư pháp TP.HCM nhìn nhận, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 là một công cụ pháp lý quan trọng trong việc quản lý người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong giai đoạn Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.
Tuy vậy, qua thực tiễn 10 năm thi hành, các quy định của Luật này đang không theo kịp những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Luật chưa phải là công cụ hữu hiệu nhất để bảo vệ người lao động khi làm việc ở nước ngoài. Do vậy Luật này chỉ có hiệu lực ở Việt Nam, không phải là công cụ pháp lý ràng buộc đối với bên sử dụng lao động là các doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM trao đổi với các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN.
Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng cần thay đổi phương thức, tư duy quản lý các đối tượng này theo hướng chú trọng hơn việc đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Cụ thể, đối với trường hợp người lao động đi làm việc theo hợp đồng thông qua các công ty dịch vụ việc làm, đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước thành lập hoặc theo hợp đồng được ký kết trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài…
Người lao động có quyền được cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực thông tin về công việc (thời gian làm việc, nghỉ ngơi, chế độ bảo hiểm, lương thưởng, nơi làm việc, thông tin về người sử dụng lao động. Người lao động có quyền được đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng đủ tiêu chuẩn (không phải đào tạo ở nước ngoài) làm việc ở nước ngoài…
Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình ở nước ngoài là pháp nhân Việt Nam, nếu người sử dụng lao động là pháp nhân người nước ngoài thì cần tính đơn giản hóa, hoặc chính sách riêng, thoả thuận về việc chuyển tiền/chuyển lương của người lao động về nước với chi phí tối thiểu.
Các đại biểu góp ý kiến về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi). Ảnh: THANH TUYỀN.
Sở Tư pháp TP.HCM nêu ý kiến, để bảo vệ tối đa hoá quyền lợi của người lao động, luật này nên giao cho Bộ Ngoại giao thiết lập đường dây nóng bảo vệ người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài để cá nhân, gia đình họ thuận tiện trong việc liên hệ, phản ánh thông tin. Luật phải bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động khi làm việc ở nước ngoài.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về đề nghị cân nhắc việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án:
Một là, chỉ giao đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 của Luật Việc làm) do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập và chỉ được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế.
Đồng thời, quy định rõ điều kiện không thu tiền của người lao động (Điều 43) và bảo đảm không làm phát sinh bộ máy (Điều 74).
Hai là, không giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người đi lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế.
Đa số các đại biểu đều tán thành chọn phương án 2.
Bà Phan Thị Việt Thu (thuộc Hội Luật gia TP.HCM), cho rằng việc không thu tiền của người lao động vô hình trung sẽ tạo tính cạnh tranh với doanh nghiệp, làm phát sinh gánh nặng cho ngân sách vì để đưa người lao động đi thì phải đào tạo, huấn luyện. Hơn nữa, việc quản lý nhà nước người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được quy định khá chặt chẽ. Nếu thực hiện nghiêm túc thì cũng không khác gì nhà nước thực hiện.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa (Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM) cho rằng cần tạo sự cạnh tranh công bằng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. ẢNH: THANH TUYỀN.
Cùng tán thành phương án 2, ông Nguyễn Đức Nghĩa (Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM), góp ý không giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người đi lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế sẽ đảm bảo được sự công bằng với các doanh nghiệp không thuộc nhà nước. Từ đó, thị trường lao động này sẽ minh bạch và có chất lượng hơn.
Ông nêu thực tế hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp lớn về lĩnh vực xuất khẩu lao động lại hoạt động rất hiệu quả nhưng bị yếu thế vì không có được sự công bằng, cơ hội tiếp cận thị trường, giới thiệu việc làm cũng như nhiều mặt khác trong lĩnh vực này.