Nói Warren Buffett là một người có trí tuệ "siêu phàm" là một cách nói quá. Nhưng rõ ràng, ông ấy thuộc về số ít những người khác biệt – những người sở hữu khối tài sản trị giá hàng triệu đô.
Cách đây vài năm, tôi có cơ hội một lần trong đời để phỏng vấn ông ấy cho cuốn sách của tôi, trong đó có các bài luận và phỏng vấn của một số người thành công nhất thế giới về những bài học nghề nghiệp và cuộc sống không thể thiếu của họ.
Khi biết đến "Nhà tiên tri của Omaha", tôi đã học được một điều vô cùng ngạc nhiên: Cho đến năm 20 tuổi, ông ấy mắc chứng sợ nói trước đám đông.
Ai có thể nghĩ rằng một trong những nhà đầu tư thành công nhất trên thế giới từng mắc chứng sợ nói trước đám đông?
Giám đốc điều hành Berkshire Hathaway tiết lộ rằng ông đã chủ động chọn các khóa học ở trường đại học mà không phải đứng trước lớp và sắp xếp cuộc sống của mình sao cho không bao giờ phải hiện diện trước đám đông.
Nếu chẳng may một lúc nào đó bị rơi vào những tình huống tương tự, Warren Buffett thừa nhận bản thân "thậm chí khó có thể nói" tên của chính mình.
Trong thời gian Buffett học tập tại Trường Kinh doanh Columbia, ông đã nhìn thấy một quảng cáo trên báo về một khóa học nói trước đám đông của Dale Carnegie dành cho sinh viên đại học.
"Tôi nghĩ rằng nó sẽ là một khóa học cần thiết cho bản thân. Tôi đã đến Midtown, đăng ký và đưa cho họ một tấm séc.
Nhưng sau khi rời đi, tôi đã nhanh chóng thay đổi ý định của mình.
Lý do lớn nhất là do lúc ấy tôi không dám đối mặt với việc sẽ phải ép bản thân làm điều mình luôn sợ hãi. Đó là những ngày tháng vô cùng khó khăn", ông nhớ lại.
Dành cho những ai chưa biết, Dale Carnegie là tác giả của hàng loạt cuốn sách bán chạy nổi tiếng như "Đắc nhân tâm" hay "Quẳng gánh lo đi và vui sống",...
Sau khi tốt nghiệp, Buffett trở về Omaha và đảm nhận vị trí nhân viên kinh doanh chứng khoán. Nhưng vấn đề vẫn còn kéo dài: "Tôi biết rằng tôi phải có khả năng nói trước mọi người.
Vì vậy, một lần nữa, tôi tìm đến những quảng cáo trên báo và đăng ký; nhưng lần này, tôi đưa cho người hướng dẫn 100 đô la tiền mặt. Tôi biết nếu tôi đưa cho anh ta số tiền mặt này thì tôi sẽ không thể thay đổi ý định của mình được nữa".
Sau tất cả những đấu tranh, Warren Buffet đã đến khóa học đó.
"Có khoảng 30 người khác trong lớp và tất cả chúng tôi đều gặp khó khăn khi nói tên của chính mình. Chúng tôi gặp nhau mỗi tuần một lần trong hàng chục tuần.
Họ sẽ cung cấp cho chúng tôi các loại bài phát biểu khác nhau để thực hành và dạy chúng tôi các thủ thuật tâm lý để vượt qua nỗi sợ hãi của mình", Buffett giải thích.
"Có một cảm giác rằng tất cả chúng tôi đều ở trên cùng một con thuyền và việc chúng tôi đang làm là giúp đỡ nhau vượt qua những bài học."
Khi khóa học kết thúc, Buffett đến Đại học Omaha và bày tỏ rằng ông muốn bắt đầu giảng dạy. Ông biết rằng nếu không tiếp tục nói trước mọi người, bản thân sẽ quay trở lại nơi bắt đầu.
Ông cho biết: "Ý nghĩ duy nhất của tôi lúc đó là mình phải tiếp tục làm quen với nó, và bây giờ chẳng điều gì có thể ngăn cản tôi khi phát biểu trước đám đông".
"Ở trường đại học, bạn được học tất cả những thứ lý thuyết phức tạp, nhưng điều thực sự cần thiết là có thể khiến người khác làm theo ý tưởng của mình".
Buffett ghi nhận những điều mà đại học trao cho mình, tuy nhiên ông không quá đề cao chúng.
Ông cho biết: "Tôi không treo bằng tốt nghiệp Đại học Nebraska tại văn phòng của mình, và tôi cũng không trưng bày bằng tốt nghiệp ở Columbia ở trên đó - nhưng tôi luôn đặt chứng chỉ tốt nghiệp Dale Carnegie của mình ở nơi trang trọng và dễ nhìn thấy nhất.
Vì đó là dấu mốc đáng tự hào cho thành công ngày hôm nay".
Khóa học 100 đô la đó đã cho ông tấm bằng quan trọng nhất trong đời. Nó là nhân tố có tác động lớn nhất đến thành công sau này của ông.
Bài học ở đây là không quan trọng bạn đi theo con đường sự nghiệp nào - dù bạn làm gì trong đời, kỹ năng nói trước đám đông cơ bản là yếu tố quyết định thành công của bạn.
"Ở trường đại học, bạn được học tất cả những thứ lý thuyết phức tạp này, nhưng điều thực sự cần thiết là có thể khiến người khác làm theo ý tưởng của bạn", Buffett chia sẻ.
"Nếu bạn là một nhân viên bán hàng, bạn muốn mọi người nghe theo lời khuyên của bạn. Nếu bạn là một nhà lãnh đạo quản lý, bạn muốn nhân viên làm theo chỉ đạo của mình trong công việc kinh doanh.
Dù bạn làm gì, kỹ năng giao tiếp tốt là vô cùng quan trọng và đó là điều mà hầu như ai cũng có thể cải thiện, thậm chí với một người đã từng không dám nói tên mình trước đám đông như tôi"!
Theo Gillian Zoe Segal, tác giả của cuốn sách "Getting There: A Book of Mentors" và "New York Characters" trên CNBC
Thùy Anh
Nhịp sống kinh tế