Hãng tin Reuters ngày 11-9 cho biết, trước tình hình ngày càng tệ đi ở Belarus, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức một cuộc họp khẩn cấp và khẳng định sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cần thiết.
Tuyên bố được đưa ra sau khi kết quả cuộc bầu cử ngày 9-8 cho thấy Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tái đắc cử đã khiến nhiều quốc gia châu Âu không đồng tình và công nhận kết quả này.
“Tình hình đang diễn biến xấu đi ở Belarus, liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Vấn đề này cần sự quan tâm khẩn cấp của Hội đồng Nhân quyền LHQ” - Đại sứ Đức tại LHQ Michael von Ungern-Sternberg nói.
Ông Michael von Ungern-Sternberg - người đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU - nói thêm rằng ông sẽ yêu cầu một giải pháp thích hợp sau cuộc họp của LHQ.
Cờ Liên minh châu Âu bay bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 21-8. Ảnh: REUTERS
Cao ủy Đối ngoại của EU Josep Borrell cũng khẳng định EU nhận thấy rõ ràng sự leo thang bạo lực ở Belarus, và sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân có liên quan đến việc gian lận bầu cử và đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa ở nước này.
Bộ trưởng các quốc gia thành viên EU hiện đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Belarus sau cuộc bầu cử ngày 9-8, Reuters đưa tin.
"EU kiên quyết tiến hành áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân chịu trách nhiệm trước các cuộc bạo lực, trấn áp người biểu tình ôn hòa và làm sai lệch kết quả bầu cử. Đây rõ ràng là những hành vi coi thường luật pháp" - ông Borrell tuyên bố.
Cao ủy Đối ngoại của EU tiết lộ thêm rằng Liên minh châu Âu có thể sẽ áp đặt “các biện pháp hạn chế khác nữa” nếu cần thiết nhưng không nêu rõ những biện pháp này là gì.
Cao ủy Đối ngoại Liên minh châu Âu Josep Borrell đeo khẩu trang khi đến chụp ảnh tại cuộc họp các Ngoại trưởng EU ở Berlin, Đức ngày 28-8. Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, vấn đề Belarus sẽ được thảo luận vào ngày 14-9 tới tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, cũng là ngày khai mạc phiên họp kéo dài suốt ba tuần của LHQ tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ.
Phản hồi lại những tuyên bố của EU, Tổng thống Lukashenko phủ nhận việc gian lận bầu cử và từ chối nói chuyện với phe đối lập, cáo buộc họ cố gắng phá hoại nền chính trị của đất nước.
Cùng ngày, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi chính quyền Belarus “kiềm chế việc sử dụng vũ lực đối với những người tham gia biểu tình ôn hòa và đảm bảo rằng các cáo buộc cho rằng Belarus tra tấn và ngược đãi người bị giam giữ sẽ được điều tra và giải quyết rõ ràng”.