Ngày 13-9-2001, chỉ 2 ngày sau sự kiện 11-9, tỉ phú Trump đến thăm khu vực Ground Zero và quyên tiền giúp tìm nạn nhân vụ khủng bố Ảnh: New York Daily News
Trước ngày kỷ niệm 19 năm vụ khủng bố 11-9, sự kiện châm ngòi cho cuộc chiến dài nhất của Mỹ ở Afghanistan, Ngoại trưởng Mike Pompeo viết trên Twitter rằng Washington hoan nghênh hòa đàm giữa Afghanistan và Taliban hôm nay 12-9.
Đánh giá sự kiện trên là khoảnh khắc lịch sử, ông Pompeo nhấn mạnh đây là cơ hội để kết thúc 40 năm chiến tranh và máu đổ ở Afghanistan. Quốc gia này đã chứng kiến những nỗ lực gần đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm mang lại nền hòa bình lâu dài.
“Thật vinh dự khi được đề cử và tôi hiểu rằng điều này có ý nghĩa rất trọng đại. Tôi chỉ nghĩ đây là điều tuyệt vời cho đất nước chúng ta. Nó cho thấy chúng ta đang cố gắng tạo ra hòa bình, chứ hoàn toàn không muốn chiến tranh.
Tổng thống Donald Trump trả lời Fox News hôm 10-9, sau khi hay tin được đề cử Nobel hòa bình.
Đóng góp hòa bình cho Trung Đông
Afghanistan không phải là quốc gia duy nhất chứng kiến nỗ lực của chính quyền Trump. Có lẽ vì vậy, chỉ chưa đầy 2 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, ông Trump nhận tin vui khi được đề cử giải Nobel hòa bình.
"Ông Trump đã cố gắng kiến tạo hòa bình giữa các quốc gia nhiều hơn hầu hết ứng viên khác được đề cử giải Nobel hòa bình" - Christian Tybring-Gjedde, nghị sĩ Na Uy và là chủ tịch phái đoàn Na Uy tại Hội đồng nghị viện NATO, giải thích lý do đề cử đương kim tổng thống Mỹ.
Ông Tybring-Gjedde cho rằng ông Trump đã có những đóng góp cho thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Israel, một thỏa thuận mà theo ông là "độc nhất vô nhị", mang lại hòa bình cho Trung Đông.
Tybring-Gjedde là một trong hai nghị sĩ Na Uy từng đề cử ông Trump cho giải Nobel hòa bình năm 2018 vì những nỗ lực của nhà lãnh đạo Mỹ trong việc hòa giải giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Năm đó ông Trump không mang giải về, nhưng lần này ông Tybring-Gjedde cho rằng "Donald Trump đáp ứng tiêu chuẩn". Còn Ghanem Nuseibeh, một chuyên gia về Trung Đông, cho rằng Nobel hòa bình nên được trao cho cả ông Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed Bin Zayed sau thỏa thuận trên.
Không khơi mào cuộc chiến nào
Sự kiện Tổng thống Donald Trump được đề cử Nobel hòa bình, như thường lệ, nhận hai luồng ý kiến trái chiều: ủng hộ và phản đối.
Ông Richard Grenell, nhà nghiên cứu tại Viện Chính trị và chiến lược thuộc Đại học Carnegie Mellon và từng là đại sứ Mỹ tại Đức dưới thời ông Trump, cho rằng cần xem xét những gì ông Trump đã làm trong gần 4 năm qua.
"Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên trong gần 4 thập niên không khởi động một cuộc chiến tranh mới nào. Ngoài việc tránh xung đột vũ trang, ông Trump đã có các động thái nhằm cắt giảm số quân nhân ở những vùng có xung đột như Afghanistan, Iraq và Syria" - ông Richard Grenell khái quát.
Đối với các khu vực cụ thể, ông Trump không chỉ làm trung gian cho thỏa thuận bình thường hóa quan hệ đầu tiên giữa Israel và một quốc gia Ả Rập trong 1/4 thế kỷ, mà còn thúc đẩy cải thiện quan hệ và hợp tác giữa Israel và các quốc gia Ả Rập theo dòng Sunni. Với Iran, ông Trump vừa cứng rắn nhưng cũng vừa bày tỏ sẵn sàng đàm phán, đồng thời hứa sẽ đạt thỏa thuận với Iran "rất nhanh" nếu tái đắc cử.
Xa hơn về phía đông, ông Trump đã áp dụng các nguyên tắc phi bạo lực tương tự. "Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với các lợi ích chiến lược của Mỹ kể từ Chiến tranh lạnh và cuối cùng họ có thể trở thành đối thủ đáng gờm nhất trong lịch sử Mỹ. Trong khi ông Trump chống lại gần như mọi hành động cạnh tranh và gây hấn của Trung Quốc, ông đã làm điều đó một cách rất hòa bình" - ông Richard Grenell lập luận.
Chẳng hạn, ông Trump đã sử dụng thuế quan, các thỏa thuận thương mại, dọa trừng phạt và các cuộc tập trận với những đồng minh cùng đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc... trong sự cạnh tranh Mỹ - Trung mà không có xung đột vũ trang. Đối với nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và quan hệ Hàn - Triều cũng vậy. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hồi năm 2018 còn khẳng định ông Trump xứng đáng được trao giải Nobel hòa bình.
Còn cây bút Douglas Murray bình luận trên báo The Telegraph rằng việc đề cử không có nghĩa ông Trump sẽ được trao. Nhưng "dĩ nhiên" ông Trump xứng đáng được đề cử giải Nobel hòa bình vì nhiều lý do xác đáng. Đó là những điều ông Trump đã làm được trong nhiệm kỳ, từ vấn đề Triều Tiên cho tới tình hình Trung Đông.
4 Trong lịch sử nước Mỹ đến nay có tổng cộng 4 tổng thống được trao giải Nobel hòa bình, trong đó có 3 người được trao khi đang tại nhiệm gồm Theodore Roosevelt (trao năm 1906), Woodrow Wilson (1919), Jimmy Carter (2002, tức sau khi nghỉ làm tổng thống) và Barack Obama (2009).
TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11-9 thông báo trên Twitter về thỏa thuận bình thường quan hệ đạt được giữa Bahrain và Israel, gọi đó là 'đột phá lịch sử' giúp Trung Đông bình yên hơn.
Xem thêm: mth.30844959021900202-hnib-aoh-lebon-gnad-gnux-pmurt-gno/nv.ertiout