Chứng khoán Mỹ bước vào ranh giới "bong bóng" cổ phiếu công nghệ
Sau quãng thời gian tăng điểm ấn tượng kể từ đầu năm, thị trường chứng khoán Mỹ đang trải qua giai đoạn biến động khó lường. Từ mức kỷ lục của mọi thời đại, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc mạnh, sau đó là chuỗi phiên giao dịch tăng, giảm thất thường.
Phố Wall mở đầu tuần mới với cú trượt dốc mạnh hôm 8/9, đánh dấu phiên thứ 3 liên tiếp chìm trong sắc đỏ. Hầu hết các nhóm ngành đều chứng kiến đà bán tháo, nhưng mạnh mẽ nhất vẫn là các cổ phiếu công nghệ, động lực tăng trưởng chính của toàn thị trường trong giai đoạn gần đây.
Chỉ sau 3 phiên, chỉ số Nasdaq quy tụ nhiều ông lớn công nghệ đi xuống 10% giá trị. Nhóm 6 tên tuổi có vốn hóa lớn nhất Mỹ đều thuộc ngành công nghệ, đã bốc hơi hơn 1.000 tỷ USD.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang trải qua giai đoạn biến động khó lường. (Ảnh minh họa: Reuters)
Tiêu biểu cho sự xoay chiều chóng mặt này chính là xe điện Tesla, từ chỗ là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường từ đầu năm, nay lại chứng kiến phiên giảm lịch sử hơn 21% trong ngày 8/9.
"Theo tôi, giá trị thực của Tesla chỉ bằng 1/10 so với những gì thể hiện trên sàn, tức là chỉ đáng 50 USD chứ không phải 500 USD/cổ phiếu", ông David Trainer, Quỹ đầu tư New Construct, Mỹ, nhận định.
Trong các phiên sau đó, thị trường tiếp tục phải đối mặt với những diễn biến phức tạp, tăng giảm thất thường. Nhiều chuyên gia đã bắt đầu đề cập đến "bong bóng chứng khoán".
"5 cổ phiếu công nghệ hàng đầu đã chiếm đến khoảng 20% giá trị vốn hóa toàn thị trường, quá nhiều sự tập trung vào một nhóm cổ phiếu. Rõ ràng chúng ta đang bước vào vùng bong bóng, nhưng đợt bán tháo hiện nay nên được hiểu là sự điều chỉnh, nguy cơ vỡ bong bóng vẫn còn khá xa", ông Jonathan Bell, Trưởng nhóm đầu tư của Stanhope Capital, Mỹ, cho biết.
Cơn sốt từ nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc
Nếu tại Mỹ, cổ phiếu công nghệ đang gây lo ngại, thì tại Trung Quốc, sự chú ý đang đổ dồn vào nhóm cổ phiếu ngành F&B (thực phẩm và dịch vụ ăn uống).
Mới đây, Bloomberg cảnh báo, quả "bong bóng" hình thành từ nhóm cổ phiếu này thậm chí còn đáng sợ hơn cả cổ phiếu công nghệ. Từ đầu năm nay tới nay, cổ phiếu ngành F&B đã tăng trung bình 60%, vượt qua các ngân hàng để trở thành nhóm có tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số CSI 300.
Cá biệt có những doanh nghiệp như nhà sản xuất nước tương Foshan Haitian đã được định giá cao gấp 100 lần lợi nhuận, với giá trị vốn hóa thị trường lên tới 81 tỷ USD.
Một yếu tố góp phần vào đà tăng quá nóng của giá cổ phiếu hiện nay tại thị trường Trung Quốc là sự tham gia ồ ạt của nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ. (Ảnh: Reuters)
Thế nhưng, lên nhanh, xuống cũng nhanh, chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua, cổ phiếu của doanh nghiệp này đã mất tới 20% giá trị, mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào.
Còn trên phạm vi toàn thị trường, nhiều người cũng đang lo ngại về nguy cơ vỡ "bong bóng" chứng khoán, từng xảy ra trong giai đoạn 2014 - 2015. Một yếu tố góp phần vào đà tăng quá nóng của giá cổ phiếu hiện nay chính là sự tham gia ồ ạt của nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn đang chiếm 70% tổng khối lượng giao dịch tại thị trường Trung Quốc.
Người người đổ xô đi mở tài khoản giao dịch chứng khoán, thậm chí sẵn sàng vay tiền để đầu tư đó là thực tế đang xảy ra tại Trung Quốc thời gian qua.
Chỉ trong tháng 7, hơn 2,4 triệu nhà đầu tư mới đã đăng ký mở tài khoản giao dịch, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Trong khi làn sóng hứng khởi này đang góp phần thúc đẩy sự phục hồi của thị trường, nhiều chuyên gia bắt đầu lo ngại về những dấu hiệu của sự hưng phấn quá đà đang nổi lên khắp nơi, như khối lượng giao dịch tăng vọt, nợ ký quỹ phình to với tốc độ nhanh nhất kể từ 2015, các nền tảng giao dịch trực tuyến bị quá tải.
Liệu kịch bản vỡ "bong bóng" chứng khoán như giai đoạn 2014 - 2015 có tái diễn tại Trung Quốc?
Ông Quách Mạnh Hào, PGS.TS. chuyên ngành Ngân hàng - Tài chính, Đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế Việt Nam - Anh quốc tại Đại học Lincoln cho rằng: "Trước hết, cần hình dung sự tăng trưởng của chứng khoán Trung Quốc trong thời gian qua cũng giống với các quốc gia trên thế giới, bắt nguồn từ chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế ảnh hưởng do đại dịch.
Thời kỳ 2014 - 2015, Trung Quốc cũng tiến hành chính sách như vậy nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng có một sự khác biệt quan trọng là trong giai đoạn 2014 - 2015, bong bóng chứng khoán không chỉ tạo ra bởi tiền rẻ, mà còn bởi vì sự sử dụng quá mức các đòn bẩy đầu tư. Mức độ dùng đòn bẩy thời kỳ đó cao gấp đôi thời kỳ hiện nay. Nó thể hiện tâm lý kỳ vọng và sự tham lam quá mức của giới đầu tư, điều này khiến bong bóng xì hơi nhanh và mạnh hơn khi tâm lý sợ hãi xuất hiện. Bài học này sẽ khiến giới chức Trung Quốc dè chừng hơn và có những biện pháp hạn chế đòn bẩy. Khả năng bong bóng vỡ là có nhưng sẽ không mạnh và nhanh như hồi 2014 - 2015".
Để ngăn ngừa nguy cơ bong bóng chứng khoán, theo ông Hào, vấn đề mấu chốt hiện nay với các quốc gia là sau khi chính sách nới lỏng tiền tệ chấm dứt, tiền rẻ không còn nữa, bong bóng chứng khoán sẽ không bị vỡ. Để làm được điều này, một mặt các nước cần tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm tránh tạo ra cú sốc về mặt bằng lãi suất. Mặt khác, các nước cần tìm mọi cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm hấp thụ lượng tiền rẻ đã được bơm ra.
Trong thời gian tới, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ tiếp tục phải đối mặt với những tác động từ đại dịch COVID-19 và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Bất kỳ diễn biến nào cũng đều có thể tạo ra những thay đổi lớn trên thị trường, ảnh hưởng tới các nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần hết sức thận trọng trong việc đưa ra những quyết định, phản ứng chính sách, bởi việc để bong bóng tài sản xuất hiện khi đại dịch vẫn chưa chấm dứt sẽ là một thảm họa cho nền kinh tế.
VTV.vn - Cổ phiểu của các ông lớn công nghệ Apple, Microsoft, Amazon… đồng loạt giảm giá khiến cho chứng khoán Mỹ có một phiên giao dịch "đỏ lửa".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!