Đừng để quy định chồng chéo
Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM bày tỏ, đồng tình với nội dung mà bộ Xây dựng đề xuất. Trong đó, chủ trương kiểm soát chặt chẽ, không để chủ đầu tư lạm quyền sử dụng kinh phí bảo trì là hoàn toàn đúng đắn.
“Tranh chấp phí bảo trì cứ loay hoay là vì luật Nhà ở 2014 không nói rõ về tài khoản chuyên dùng. Dẫn đến chủ đầu tư có hành vi sử dụng cho mục đích riêng. Chưa kể, hầu hết các công trình thường chỉ bảo trì sau 5 năm nên quy định mới rất hợp lý”, ông Châu phân tích.
Bên cạnh đó, ông Châu cũng gợi ý các phương án khác về phí bảo trì chung cư. Phương án thứ nhất, người mua nhà đóng phí bảo trì 2% tại thời điểm hội nghị nhà chung cư đã bầu ban quản trị. Số tiền được chia đều trong 60 tháng, nộp vào tài khoản tiền gửi ngân hàng của ban quản trị chung cư. Đồng thời, kiến nghị sở Xây dựng địa phương có cơ chế hỗ trợ ban quản trị thực hiện nhiệm vụ.
Hay phương án khác là công ty dịch vụ công ích thu, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư trên địa bàn, dưới sự giám sát của ban quản trị. Nhược điểm của cách này là cơ chế vận hành của doanh nghiệp Nhà nước. Đổi lại, công tác bảo trì được thực hiện suốt vòng đời tuổi thọ của chung cư.
Người dân hy vọng khi quy định được sửa đổi sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc.
Theo luật sư Trần Đức Phượng, đoàn Luật sư TP.HCM, dự thảo đã có những thay đổi theo hướng rõ ràng hơn về sở hữu, quản lý đối với quỹ bảo trì bằng một tài khoản riêng độc lập của tổ chức tín dụng. Dự thảo cần quy định rõ luôn kỳ hạn 12 tháng đối với tài khoản này phù hợp với thời gian tối đa 12 tháng chủ đầu tư phải tổ chức hội nghị nhà chung cư.
“Đối với các cụm nhà chung cư thì có các tài khoản gửi phí bảo trì khác nhau, thủ tục về việc ban quản trị tiếp nhận tài khoản này tại tổ chức tín dụng. Về câu chữ thì cần quy định người mua, thuê mua (các phần sở hữu riêng trong nhà chung cư) phải nộp phí bảo trì vào tài khoản thay cho việc quy định chỉ áp dụng đối với người mua căn hộ”, luật sư Phương góp ý.
Về cưỡng chế quỹ bảo trì đối với chủ đầu tư và tổ chức tín dụng, ông Phương cho rằng không nên đưa vào dự thảo. Vì các trường hợp trước đây đã được quy định trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bằng các hình thức xử phạt bổ sung (buộc khôi phục hiện trạng, buộc thực hiện hành vi,..).
“Nguyên tắc một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần. Nếu tiếp tục quy định trong dự thảo, sẽ gây khó cho việc xử lý hình sự, nghiêm minh cho những hành vi sử dụng, chiếm dụng, chiếm đoạt quỹ bảo trì. Chủ đầu tư “chạy chọt” thì chỉ bị xử lý bằng biện pháp hành chính”, vị luật sư phân tích.
H.N