"Giá điện có tăng, có giảm" khi Việt Nam có thị trường bán lẻ cạnh tranh hoàn toàn vào năm 2024 - như lời Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng "giá điện giảm được khi Việt Nam giải quyết được nỗi lo thiếu điện".
Hưởng lợi gì từ điện cạnh tranh?
Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ năm 2011 đến năm 2019, giá điện đã tăng từ 1.242 đ/kWh lên 1.864,44 đ/kWh sau 9 lần điều chỉnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chỉ khi có thị trường điện cạnh tranh thực sự thì mới chấm dứt được câu chuyện "giá điện chỉ tăng".
Theo kế hoạch xây dựng, phát triển thị trường điện bán lẻ cạnh tranh được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn từ 2022 - 2024, khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay và sau năm 2024 sẽ được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.
Như vậy, năm 2024 khi có thị trường điện cạnh tranh, thay vì Nhà nước điều tiết giá bán lẻ như hiện nay, đơn vị bán lẻ và khách hàng thoả thuận theo hợp đồng, không có sự can thiệp của Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, kế hoạch thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2022 đã được Bộ Công Thương xây dựng, triển khai thực hiện theo lộ trình, từng bước mở rộng đối tượng khách hàng tham gia thị trường bán lẻ theo quy mô tiêu thụ điện và theo cấp điện áp từ cao xuống thấp.
Trong đó, bước đầu tiên sẽ thí điểm cơ chế cho phép các khách hàng sử dụng điện lớn ký hợp đồng song phương trực tiếp với các nguồn điện năng lượng tái tạo, tiến tới mở rộng đối tượng khách hàng sử dụng điện lớn, được trực tiếp mua điện trên thị trường giao ngay và bước cuối cùng sẽ là các khách hàng bán lẻ điện quy mô nhỏ hơn được thay đổi đơn vị bán lẻ điện.
Để chuẩn bị cho thị trường bán lẻ điện, hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020, đồng thời phối hợp với các bộ ngành có liên quan rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý quy định phù hợp cho vận hành thị trường bán lẻ điện.
Khi được hỏi, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi gì khi triển khai thị trường điện cạnh tranh? Và, liệu đưa thị trường điện cạnh tranh vào vận hành thì giá điện có giảm hay không(?), ông Trần Tuấn Anh cho rằng, việc đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào vận hành sẽ bỏ vai trò độc quyền của EVN trong khâu mua buôn điện.
Đồng thời cũng là tiền đề quan trọng để phát triển tiếp lên cấp độ thị trường bán lẻ điện, đưa cơ chế cạnh tranh vào tất cả các khâu của ngành điện.
"Để tiếp tục hoàn thiện thị trường điện, Bộ chủ trương sẽ hoàn thiện các cơ chế thị trường theo nguyên tắc giá điện sẽ do thị trường quyết định, thị trường điện phát triển đồng bộ, liên thông với giá trên thị trường nhiên liệu đầu vào như than, khí tự nhiên, khí LNG… Giá bán lẻ điện cũng cần phải điều chỉnh phù hợp để phản ánh đúng chi phí mua điện đầu vào", người đứng đầu ngành công thương nói.
Điện vẫn thiếu thì đừng nghĩ đến chuyện giảm giá
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, xây dựng cơ chế thị trường cạnh tranh có tăng có giảm là chuyện đương nhiên.
Song, chuyên gia này nêu quan điểm - khi chuyển sang thị trường bán lẻ cạnh tranh, mỗi công ty bán lẻ điện sẽ phải tự cân đối chi phí sản xuất kinh doanh điện năng và tìm kiếm các nguồn điện giá rẻ.
"Lúc đó là thị trường bán lẻ cạnh tranh rồi, các doanh nghiệp cũng phải chú trọng việc cắt giảm chi phí để cạnh tranh lẫn nhau”, ông Ngãi nói và cho biết, người mua lúc đó sẽ cảm thấy họ thoải mái hơn khi không còn độc quyền, được lựa chọn.
Còn về giá điện, ông Ngãi cho rằng, đã là thị trường thì mua cao bán cao, các doanh nghiệp có thể cạnh tranh về giá, còn phía người mua cũng được quyền lựa chọn. Tuy nhiên, để có thị trường điện bán lẻ thuần thục, trơn tru cần một thời gian dài, trước tiên phải đảm bảo được câu chuyện đủ điện, không đủ điện thì khó nghĩ chuyện giảm giá.
PGS.TS. Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, về lâu dài, khi thị trường điện được phát triển lên các cấp độ cao hơn, các khách hàng tiêu thụ điện sẽ có cơ hội được lựa chọn nhà cung cấp điện, cũng như được hưởng các lợi ích khác từ thị trường điện cạnh tranh.
Ông Bình lưu ý, nguồn năng lượng đang dần cạn kiệt, dù là ở thị trường nào, có cạnh tranh hay không thì mục tiêu đặt ra cũng là việc tiết kiệm, hợp lý, không được lãng phí. Dù có thị trường điện cạnh tranh vẫn phải vận hành khai thác tối ưu, để cho con cháu sau này được dùng.
Xem thêm: odl.835538-neid-ueiht-ol-ion-coud-teyuq-iaig-man-teiv-ihk-coud-maig-neid-aig/et-hnik/nv.gnodoal