Đại biểu tham dự buổi hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tại Doha, Qatar ngày 12-9-2020 - Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, buổi hòa đàm diễn chỉ một ngày sau ngày kỷ niệm lần thứ 19 vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ - vụ việc khiến Mỹ tham gia vào cuộc chiến ở Afghanistan.
Phát biểu tại buổi khai mạc tại Doha, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định các bên tự do "lựa chọn về hệ thống chính trị".
"Do không có một giải pháp chung hoàn hảo nào phù hợp cho tất cả ... chúng tôi tin chắc rằng mục tiêu bảo vệ quyền lợi của tất cả người dân Afghanistan là cách tốt nhất để các bên phá vỡ vòng xoáy bạo lực."
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại buổi hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tại Doha, Qatar ngày 12-9-2020 - Ảnh: REUTERS
Ông Pompeo kêu gọi các bên nắm lấy cơ hội để đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện, mặc dù thừa nhận nhiều thách thức đang ở phía trước.
Chủ tịch Hội đồng cấp cao về hòa giải quốc gia Afghanistan Abdullah Abdullah cho biết ngay cả khi không thể thống nhất về tất cả các điểm, hai bên nên thỏa hiệp.
Trong khi đó, thủ lĩnh Taliban Mullah Baradar Akhund cho rằng Afghanistan nên "theo thể chế Hồi giáo, trong đó các sắc tộc thuộc tất cả các hệ nhánh không bị phân biệt đối xử, sống trong tình yêu thương và tình anh em".
Chủ tịch Hội đồng cấp cao về hòa giải quốc gia Abdullah Abdullah tại cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban ở Doha, Qatar ngày 12-9-2020 - Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, giới phân tích và các nhà ngoại giao đều cho rằng việc hai bên ngồi vào bàn đàm phán là một thành tựu lớn, nhưng điều này không có nghĩa là đường đến hòa bình sẽ dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh tình trạng bạo lực gia tăng trên khắp đất nước.
Làm thế nào để Taliban, lực lượng cương quyết bác bỏ tính hợp pháp của Chính phủ Afghanistan do phương Tây hậu thuẫn, chấp nhận những thỏa thuận về quản trị và tôn trọng quyền của phụ nữ và các sắc tộc thiểu số là những thách thức lớn.
Đại biểu tham dự buổi hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tại Doha, Qatar ngày 12-9-2020 - Ảnh: REUTERS
Trước khi các bên ngồi vào bàn đàm phán, nhiều quốc gia đã lên tiếng ủng hộ một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức và tôn trọng quyền phụ nữ.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi kêu gọi: "Người dân Afghanistan nên là trung tâm của tiến trình hòa bình và không một ai, trong đó bao gồm phụ nữ, bị bỏ rơi".
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người rất muốn tuyên bố chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhất của nước Mỹ, đã bày tỏ ý định sẽ dùng viện trợ để thúc đẩy thỏa thuận. Theo đó, quy mô và phạm vi tài trợ của Mỹ trong tương lai sẽ phụ thuộc vào "sự lựa chọn và ứng xử" của họ.
Mỹ can thiệp vào Afghanistan, theo lệnh của tổng thống thời bấy giờ là George W. Bush một tháng sau vụ tấn công 11-9-2001, để truy lùng kẻ chủ mưu là Osama bin Laden, người Saudi Arabia, được lãnh đạo Hồi giáo Taliban của Afghanistan cho ẩn náu.
Trước vòng đàm phán, Chính phủ Afghanistan hi vọng hai bên có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn theo ý nguyện của người dân. Phía Taliban cũng khẳng định đã sẵn sàng cho vòng đàm phán lịch sử.
Phái đoàn Taliban bắt tay tại buổi hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tại Doha, Qatar ngày 12-9-2020 - Ảnh: REUTERS
Trước đó, hai bên lên kế hoạch đàm phán vào tháng 3-2020 nhưng hoãn lại do bất đồng trong vấn đề trao đổi tù binh.
Hòa đàm giữa chính phủ Afghanistan và Taliban là bước đi quan trọng tiếp theo trong thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban đạt được hồi tháng 2 vừa qua.
Mỹ đã giảm số quân đồn trú tại Afghanistan xuống còn khoảng 8.600 người vào đầu hè năm nay theo thỏa thuận đã ký với Taliban, nhưng theo Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ sẵn sàng đưa quân trở lại bất cứ lúc nào nếu Taliban vi phạm thỏa thuận.
TTO - Một trong những lời hứa của ông Trump khi tranh cử cách đây bốn năm là rút binh sĩ Mỹ khỏi cuộc chiến dài hơi và tốn kém ở Afghanistan. Giờ ông bắt đầu thực hiện điều đó ở giai đoạn tranh cử cho nhiệm kỳ hai.