Khoảnh khắc đại diện của Kosovo và Serbia ký thỏa thuận lịch sử (trên, phải) và bài viết thông báo đề cử Nobel Hòa bình của nghị sĩ Thụy Điển Magnus Jacobsson - Ảnh chụp màn hình
Ngày 13-9, trên mạng xã hội Twitter, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đăng lại khoảnh khắc được xem là "bước đột phá lịch sử thật sự" khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Cộng hòa Serbia và Cộng hòa Kosovo đã cam kết bình thường hóa quan hệ kinh tế toàn diện trong một lễ ký kết có đại diện của các bên ở Nhà Trắng vào tuần trước.
Bước đột phá lịch sử của hai cựu thù vùng Balkan, với sự ủng hộ của Mỹ trong vai trò trung gian, đã khiến nghị sĩ Thụy Điển Magnus Jacobsson đề cử chính phủ Mỹ, Kosovo và Serbia cho giải Nobel Hòa bình.
Nghị sĩ Magnus Jacobsson viết trên Twitter hôm 11-9: "Tôi đã đề cử vì sự hợp tác chung của họ nhằm mang lại hòa bình và phát triển kinh tế, thông qua thỏa thuận hợp tác được ký kết tại Nhà Trắng. Thương mại và các kênh liên lạc là những viên gạch quan trọng để xây dựng hòa bình".
Tổng thống Serbia Aleksander Vucic và Thủ tướng Kosovo Avdullah Hoti tuần trước đã ký một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế tại Nhà Trắng.
Khoảnh khắc Kosovo và Serbia ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế tại Nhà Trắng tuần trước - Video: Bộ Ngoại giao Mỹ
Theo Hãng tin AP, Kosovo - từng là một tỉnh của Serbia - và Serbia đã tham gia đàm phán về việc bình thường hóa quan hệ dưới sự dàn xếp của Liên minh châu Âu (EU) kể từ năm 2011.
Serbia đã tham gia vào cuộc chiến tranh đẫm máu năm 1998 - 1999 với các chiến binh đòi ly khai ở Kosovo. Cuộc chiến kết thúc sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành chiến dịch không kích trong 78 ngày chống lại Serbia.
Kosovo đã được Liên Hiệp Quốc quản lý trong 9 năm trước khi họ tuyên bố độc lập vào năm 2008. Hầu hết các nước phương Tây đều công nhận Kosovo là một quốc gia, còn Serbia thì không công nhận.
Thông tin nghị sĩ Thụy Điển đề cử chính phủ Mỹ cho giải Nobel Hòa bình được tiết lộ sau khi nghị sĩ Na Uy Christian Tybring-Gjedde, cũng trong tuần này, cho biết đã đề cử Tổng thống Trump cho giải Nobel Hòa bình năm 2021 vì những đóng góp của ông trong thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
TTO - Trước ngày kỷ niệm 19 năm vụ khủng bố 11-9, sự kiện châm ngòi cho cuộc chiến dài nhất của Mỹ ở Afghanistan, Ngoại trưởng Mike Pompeo viết trên Twitter rằng Washington hoan nghênh hòa đàm giữa Afghanistan và Taliban hôm nay 12-9.