Châu Á chuộng “thịt giả” hơn trong mùa dịch
Ricky Hồ - Lê Hiếu
(TBKTSG Online) - Doanh số các loại thịt làm từ thực vật - còn gọi là thịt chay hoặc thịt nhân tạo - ở châu Á tăng vọt khi người tiêu dùng quan tâm và sẵn sàng chi nhiều hơn cho sức khỏe của mình. Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International nói thị trường thịt thực vật ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ đạt 17,1 tỉ đô la trong năm nay, tăng 11,6% so với con số 15,3 tỉ đô la của năm ngoái – tức tỉ lệ tăng trưởng tăng gấp đôi.
Dân văn phòng Nhật Bản ghé cửa hàng tiện lợi Itoham Foods chọn các hộp cơm có thịt thực vật - Ảnh: Nikkei |
Nhu cầu mới
Các chuyên gia cho rằng nhận thức về sức khỏe ngày càng gia tăng và lo lắng về nguy cơ nhiễm khuẩn khi dùng các loại thực phẩm khác của người tiêu dùng đã tạo ra cơ hội kinh doanh mới. Seiichi Kizuki, giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Mitsubishi, cho biết: “Ngày càng có nhiều người tiêu dùng quan tâm đến thực phẩm chay trong bối cảnh bùng phát của Covid-19 vì bởi họ rất lo ngại về an toàn thực phẩm”.
Ông nói rằng lý do chính đằng sau những lo lắng này là vì một số báo cáo đã khẳng định rằng nguồn gốc của virus corona là từ khu chợ ở thành phố Vũ Hán tại Trung Quốc – nơi ổ dịch đầu tiên được phát hiện.
Tại Nhật Bản, Marukome, một nhà sản xuất lớn của tương chấm đồ ăn miso, tăng doanh số các sản phẩm chay làm từ đậu nành đến 96% trong tháng 5 vừa rồi. Đại diện công ty nói với Nikkei Asian Review rằng "Người tiêu dùng muốn tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ sức khỏe thông qua việc sử dụng các loại thực phẩm an toàn và chất lượng”.
Bà Mie Matsubara – cư dân Tokyo, có hai con - sử dụng thực phẩm làm từ đậu nành, để có một chế độ ăn uống lành mạnh hơn, ngay cả trước dịch. Tuy nhiên, Matsubara thừa nhận rằng việc làm quen với đồ chay là một thách thức không nhỏ. “Khi bắt đầu ăn, độ mềm và mùi vị của thịt nhân tạo khá là tương tự thịt. Nhưng khi bạn tiếp tục, mùi vị của đậu nành sẽ ngày càng trở nên rõ ràng hơn”.
Trong khi thịt động vật có thời gian bảo quản ngắn, thì Marukome đã nhấn mạnh rằng phiên bản đồ chay làm từ đậu tương của họ sẽ có hạn sử tới 12 tháng. Marukome cho biết các yếu tố khiến nhu cầu đối với các sản phẩm chay tiếp tục gia tăng, ngay cả sau khi cuộc khủng hoảng Covid-19 kết thúc, là vì người tiêu dùng ngày càng nâng cao nhận thức về tính bền vững môi trường và an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 rõ ràng được coi là yếu tố chính trong việc thúc đẩy nhiều người tiêu dùng tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho thịt động vật. Nhà chế biến thịt Itoham Yonekyu Holdings vào hồi tháng 3 đã tung ra món beef steak Hamburg kiểu Nhật và gà rán được làm từ đậu nành. Họ đã lên kế hoạch mở rộng kênh bán hàng sau khi nhận thấy nhu cầu các loại thịt “giả” ngày càng gia tăng do đại dịch.
Xu hướng lan rộng
Tại các nước châu Á khác, xu thế dùng đồ chay cũng hiện rõ. Tại Hồng Kông, doanh nghiệp xã hội Green Monday, công ty sản xuất của thực phẩm làm từ thực vật OmniPork, tăng doanh số bán lẻ 120% vào tháng 4 trong đợt đỉnh dịch đầu tiên.
Nhà phân tích Nozomi Hariya của Euromonitor International, cho rằng người tiêu dùng lo ngại khi nghe tin virus corona lây truyền qua việc ăn thịt rừng. “Sự đắn đo đã khiến họ chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật”, Hariya nói.
Vào đầu tháng 6, với sự hợp tác của hãng Beyond Meat từ Mỹ, Yum China đã giới thiệu các sản phẩm đồ chay tại ba thương hiệu thuộc sở hữu của công ty này trong nước, gồm KFC, Pizza Hut và Taco Bell. Bà Joey Wat, Giám đốc điều hành Yum China Holdings, công ty điều hành nhà hàng tại Trung Quốc, phát biểu: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng phát triển rất lớn cho thị trường thực phẩm chay ở Trung Quốc”.
Starbucks tại Trung Quốc cũng thông báo vào tháng 4 rằng đang hợp tác với Beyond Meat để thêm đồ chay vào thực đơn của mình. Trong khi đó, chuỗi hamburger Mos Food Services của Nhật Bản giới thiệu các loại burger làm từ thực vật ở Singapore và Đài Loan và Nhật Bản vào tháng 5. Tuy bán trung bình 30 bánh cho mỗi nhà hàng vào ngày đầu tiên của chiến dịch, nhưng Mos vẫn mở rộng việc bán burger có thịt kẹp làm từ thực vật.
Hãng Beyond Meat của Mỹ đang cố gắng xâm nhập thị trường thịt nhân tạo ở châu Á trị giá hơn 17 tỉ đô la - Ảnh: Beyond Meat |
Cuộc đua tranh đa sắc
Ibiden, một nhà sản xuất bảng mạch in ấn của Nhật Bản, nhảy vào mảng sản xuất và kinh doanh các loại đồ chay làm từ đậu nành từ Họ sử dụng công nghệ khuôn trong in ấn để tạo hình các bánh thịt dùng làm beef steak bằng đậu nành. Sau ba tháng sản xuất và chào hàng thử nghiệm đến các nhà bán lẻ lớn trong quý 3, đầu tháng 10 tới Ibiden sẽ tiến hành sản xuất quy mô.
Tại Thái Lan, tập đoàn Charoen Pokphand đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển các thực phẩm làm từ thực vật. Không chỉ tập đoàn lớn này, mà các công ty khởi nghiệp mới nổi khác của Thái Lan cũng đang cố gắng tận dụng lợi thế của việc chuyển hướng sang thực phẩm chay.
Thai FoodTech tung ra sản phẩm chay thương hiệu More Meat vào đầu năm nay. Hãng này nói người tiêu dùng Thái nồng nhiệt chào đón các loại thịt nhân tạo “ăn chay nhớ mặn” của hãng.
Tập đoàn khổng lồ Nestle của Thụy Sỹ sẽ đầu tư hơn 94 đô la để sản xuất các sản phẩm đồ chay tại Trung Quốc vào cuối năm nay. Nestle tin nguồn cung thịt heo giảm mạnh do cúm heo và các trang trại nuôi heo không hồi phục kịp trước Tết Nguyên đán sẽ khiến người tiêu dùng đón nhận thịt nhân tạo. Công ty thực phẩm lớn nhất thế giới này sẽ mở rộng các cơ sở hiện tại ở Thiên Tân để sản xuất đồ chay ngả mặn.
Sau khi các nhà máy chế biến thịt của Mỹ đã phải đóng cửa do số công nhân nhiễm Covid-19 gia tăng, các nhà phân phối thịt ở châu Á đã bắt đầu lo lắng về chuỗi cung ứng của mình. Tuy nhiên, ông Kizuki của Mitsubishi cho biết các loại thịt từ protein thực vật có rủi ro thấp hơn vì có thể dễ dàng thích ứng với sự thay đổi bất thường của cung cầu.
Việc nuôi gia súc cần nhiều thời gian hơn, có khi vài năm. Hơn nữa, biến đổi khí hậu có thể gây ra những biến động lớn trong thu hoạch và giá cả của các loại ngũ cốc lương thực cần thiết để nuôi động vật. Chẳng hạn, các đợt hạn hán và cháy rừng ở Úc ảnh hưởng đến trồng trọt, gia súc bị chết vì đói khát và cháy rừng.
Trong khi đó, người ủng hộ đồ chay nói rằng các sản phẩm chay được sản xuất trong các cơ sở được kiểm soát kỹ càng về vệ sinh và an toàn thực phẩm. Các nguy cơ nhiễm bệnh từ các loài động vật như cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng ở heo và dịch tả heo từng khiến người dân châu Á ám ảnh trong hơn hai thập niên qua.
Xem thêm: lmth.hcid-aum-gnort-noh-aig-tiht-gnouhc-a-uahc/571803/nv.semitnogiaseht.www