Hồng Nhi luôn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn của trường - Ảnh: NVCC
Nhi giờ đây là cô sinh viên năm cuối năng động, một lớp trưởng gương mẫu, bí thư Đoàn khoa ngoại ngữ và ủy viên ban chấp hành Đoàn Trường CĐ Kinh tế đối ngoại (TP.HCM) nhiệt huyết.
Nhận học bổng là nhận niềm tin, sự kỳ vọng nên mình không thể phụ lòng tin, không thể dừng lại mà phải nỗ lực về được đích.
NGUYỄN THỊ HỒNG NHI
Có thể là loài hoa dại, nhưng rực rỡ
Nhi của 2 năm trước có ánh mắt đượm buồn, ít nói, chỉ muốn thu mình vào chiếc vỏ ốc. Ngày Nhi sinh ra cũng là ngày mẹ mất vì băng huyết. Khi Nhi 5 tuổi, cha đi bước nữa, và từ đó sợi dây liên lạc giữa Nhi và cha cũng mất dần. Nhi ở với bà nội. Rồi chỗ dựa tinh thần lớn nhất cũng không còn - bà nội mất khi Nhi vào lớp 10.
Xung quanh phần lớn bạn bè ở cái tuổi vô lo thì Nhi vừa học vừa phụ quán cà phê, trà sữa, phụ đám cưới để có tiền ăn uống, đến trường. Những đêm làm về khuya, căn nhà gỗ ọp ẹp ở Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) tối thui, Nhi mò mẫm tra chìa khóa vào ổ nhờ ánh đèn dầu leo lét trên bàn thờ nội chiếu qua khe cửa. Đó là những ký ức lạnh lẽo, cô độc nhất mà Hồng Nhi đã trải qua.
Những năm cấp III, Nhi thường tranh thủ giờ chơi, chọn chỗ nào đó ở sân trường hay lớp học để... ngủ bù sau những đêm về muộn và thức khuya học bài.
Trở thành sinh viên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, Nhi quyết tâm "lột xác" bằng việc ứng cử làm lớp trưởng. Nhi mỉm cười chia sẻ: "Đó là lần đầu tiên mình vượt qua được nỗi sợ của bản thân, vượt lên chính bản thân mình và trở thành lớp trưởng". Sau đó, Nhi cũng nộp đơn đăng ký tham gia vào ban chấp hành Đoàn khoa.
Điều Nhi vui nhất là đã gắn kết được các thành viên trong lớp với nhau. Các bạn có chuyện gì cũng thường tìm đến Nhi để tâm sự. "Trong các hoạt động ngoại khóa, lớp của mình luôn tham gia đầy đủ, lớp 30 bạn thì ít nhất cũng có 28 bạn tham gia" - Nhi kể.
Song song việc học và hoạt động, Nhi đi làm thêm rất nhiều công việc, từ phục vụ quán cà phê, bán hàng ở tiệm bạc, phục vụ nhà hàng đến làm nhân viên sale bất động sản. Nhưng kết quả các kỳ học tập của Nhi luôn đứng top đầu của lớp.
Thầy Trần Tuấn Cường - chủ nhiệm lớp tiếng Anh thương mại 22F - nói: "Nhi làm lớp trưởng nên hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên chủ nhiệm. Ở lớp, Nhi quản lý lớp rất tốt. Năm học này em còn được bầu làm bí thư Đoàn khoa ngoại ngữ. Nhi là một tấm gương dù khó khăn vẫn nỗ lực vươn lên, đáng để mọi người học tập".
Nhận học bổng - không thể phụ niềm tin
Kể về những thay đổi, trưởng thành ấy, Nhi nói rằng chính suất học bổng đặc biệt của báo Tuổi Trẻ năm 2018 đã tiếp sức mạnh, cho Nhi cơ hội được hoàn thiện bản thân và trưởng thành. Cô sinh viên vẫn nhớ ngày lên TP.HCM thuê nhà trọ nhập học, trong túi chỉ có vài triệu đồng - đó là số tiền làm thêm vất vả trong suốt mùa hè. Đóng được một phần tiền nhà trọ, túi cũng sạch nhẵn. Nhi phải mượn chủ nhà 100.000 đồng đi xe đò về lại quê.
Một khát khao mãnh liệt là "phải liều, bằng mọi giá phải đi học" nhưng một mình chẳng biết xoay xở ra sao. Đúng lúc ấy, suất học bổng đặc biệt trị giá 15 triệu đồng của báo Tuổi Trẻ chính là nguồn động viên lớn với Nhi: "Học phí năm nhất đại học khoảng 12 triệu. Nhận số tiền học bổng từ báo, mình vui lắm, vậy là yên tâm khoản học phí đã lo xong".
Sau bài viết của báo, Nhi nhận được sự giúp đỡ của hai nhà hảo tâm, giúp cô trang trải cuộc sống những ngày đầu tiên ở Sài Gòn. Nhi kể: "Học bổng báo Tuổi Trẻ tặng sau khi đóng được học phí năm nhất, khoản còn dư mình để dành quyết không đụng đến. Sau đó các kỳ học mình cố gắng học tốt để lấy học bổng ở trường và tìm thêm các học bổng khác để gom tiền đóng học phí năm sau. Sinh hoạt, ăn uống mình tự đi làm thêm để lo".
Năm học này cũng là năm cuối, kỳ nghỉ hè chỉ kéo dài 2 tuần, thêm ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công việc làm thêm bị mất. Kế hoạch dành dụm tiền đóng học phí năm 3 vì thế chưa thực hiện được.
"Mình mượn tiền để đóng học phí, rồi sau này sẽ đi làm thêm để trả dần. Mình đã cố được hai năm, không lẽ một năm nữa không cố được. Mình đã được nhận học bổng - đó là tấm lòng, sự quan tâm của rất nhiều người dành cho mình. Nhận học bổng là nhận niềm tin, sự kỳ vọng của mọi người nên mình không thể phụ lòng tin, không thể dừng lại mà phải nỗ lực về được đích" - Nhi nói.
Nhi nhắn gửi đến các tân sinh viên, nhất là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn: "Chúng ta cần có nghị lực vươn lên, vượt qua những khó khăn của bản thân hiện tại và sau này. Chúng ta có thể là một loài hoa dại mọc ven đường, nhưng hãy là bông hoa rực rỡ nhất, sống thật ý nghĩa và là chính mình. Khi trở thành sinh viên, một cánh cửa mới với nhiều điều mới đang chờ đón, tự tin hơn và lạc quan hơn".
1.000 suất học bổng đang chờ các tân sinh viên
Cùng sự chung sức, đồng lòng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm, chương trình Tiếp sức đến trường với thông điệp "Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ" trong 17 năm qua đã chắp cánh ước mơ cho hàng vạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tự tin chạm tay vào ngưỡng cửa giảng đường đại học.
Dự kiến có khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên trúng tuyển đại học, cao đẳng có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt ở năm học 2020-2021. Đăng ký hồ sơ phỏng vấn trực tuyến trước ngày 15-10-2020 tại http://tsdt2020.tuoitre.vn.
Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học giỏi, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua email: tiepsucdentruong@tuoitre.com.vn hoặc điện thoại: 0283.997.3838.
Ngay bây giờ, bạn đọc có thể đồng hành với báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn có thêm niềm tin, chỗ dựa để thêm phần vững bước.
Kinh phí ủng hộ chương trình mời quý nhà hảo tâm, doanh nghiệp, bạn đọc đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.
Ngoài ra, bạn đọc có thể chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".
CÔNG TRIỆU
TTO - Sinh trong gia đình khó khăn, mẹ mất sớm, cha đi bước nữa, cô học trò nhỏ xứ Nghệ đã vươn lên trong học tập với suy nghĩ "chỉ có học mới thay đổi số phận", và để mẹ an lòng nơi chín suối.
Xem thêm: mth.81512058041900202-gnol-uhp-eht-gnohk-nit-mein-nahn-al-gnob-coh-nahn/nv.ertiout