Kiến nghị thu hồi 26.007 tỷ đồng và hơn 1.174 ha đất
Báo cáo trên của Chính phủ là một trong những nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp diễn ra hôm nay (14-9). Trong báo cáo này, Tổng TTCP Lê Minh Khái cho biết, việc xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn được thực hiện nghiêm túc theo quy định.
Tiến hành 2.944 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, các cơ quan, đơn vị phát hiện 335 vụ việc, 467 người vi phạm (tăng 37,7% số vụ và 74,7% số người vi phạm so với năm 2019). Hiện 56 người đã bị xử lý kỷ luật, 64 người bị xử lý hình sự cùng với khoảng 23/43 tỷ đồng đã được thu hồi, bồi thường.
Cùng thực hiện biện pháp phòng ngừa tham nhũng, năm 2020 đã có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng trị giá là 31,8 triệu đồng. Cùng kỳ năm ngoái, TTCP không ghi nhận được trường hợp nào nộp lại.
Thông tin về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, Tổng TTCP chia sẻ, qua 4.706 cuộc thanh tra hành chính và 150.560 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành, lực lượng thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 64.551 tỷ đồng, 7.077 ha đất; kiến nghị thu hồi 26.007 tỷ đồng và trên 1.174 ha đất.
Cơ quan thanh tra cũng đề nghị xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 38.544 tỷ đồng, 5.903 ha đất. Kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.156 tập thể và nhiều cá nhân.
Trên 89.915 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 6.423 tỷ đồng đã được lực lượng thanh tra ban hành, đồng thời chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 124 vụ, 118 đối tượng.
Ngoài ra, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 83,5%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 42,1 tỷ đồng, 72,7 ha đất. Khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.020 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 541 người (đã xử lý 386 người), chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng…
81 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng
Đây là những trường hợp đã được kết luận, theo báo cáo của Chính phủ. Trong số này 62 người đã bị xử lý kỷ luật, tăng 66,1% so với năm 2019; 12 người đã bị xử lý hình sự.
Dẫn đầu danh sách có số người bị kỷ luật là Bình Thuận với 23 người. Tiếp đến là An Giang 6 người, Thái Nguyên 5 người, Bộ Xây dựng 4 người. Các tỉnh Hoà Bình, Thái Nguyên, Tiền Giang mỗi nơi 3 người; Kiên Giang, Cao Bằng, Sơn La mỗi nơi 2 người. Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội, Hải Phòng, Thái Bình, Gia Lai, Đồng Tháp, mỗi nơi có 1 người bị kỷ luật.
Liên quan đến hoạt động tố tụng, ông Lê Minh Khái thông tin, các cơ quan điều tra thuộc lực lượng công an đã thụ lý điều tra 508 vụ án, 1.186 bị can phạm tội về tham nhũng. 231 vụ, 650 bị can bị đề nghị truy tố. Tạm đình chỉ điều tra 29 vụ, 55 bị can; đình chỉ điều tra 8 vụ; 2 bị can.
Tại Bộ Quốc phòng, kết quả điều tra và xử lý tham nhũng cho thấy, có vụ tham nhũng đã được điều tra, xử lý với số tiền thiệt hại khoảng 27,7 tỷ đồng. Số tiền thu hồi được trong giai đoạn điều tra là hơn 2,1 tỷ đồng. Đã khởi tố điều tra 4 vụ/4 bị can; chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 3 vụ/3 bị can. Vụ còn lại đang trong giai đoạn điều tra.
“Tình hình tội phạm tham nhũng có liên quan đến Quân đội cơ bản được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật, nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu của Quân đội” – ông Khái nhận định.
Đánh giá chung, Tổng TTCP nhận định, năm 2020, công tác PCTN không những không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh. Tuy nhiên, quá trình đấu tranh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc do một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình.
Đáng chú ý, theo Tổng TTCP, mặc dù cơ chế bảo vệ người tố giác đấu tranh PCTN đã được pháp luật quy định, nhưng thực tế hiện tượng trù dập, trả thù hoặc đe doạ trả thù vẫn xảy ra khiến người tố cáo tham nhũng lo ngại, không dám đấu tranh.
Để công tác PCTN hiệu quả hơn nữa, năm 2021, Chính phủ kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, đặc biệt là trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ; tăng cường hoạt động giám sát công tác PCTN…
Chính phủ cũng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát được phát hiện qua hoạt động tố tụng, kiểm toán nhà nước.
Kiên quyết không để xảy ra tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.
Quy định kê khai tài sản lần đầu “trễ hẹn”
Theo quy định Luật PCTN năm 2018, việc kê khai tài sản lần đầu phải hoàn thành trước 31-12-2019, song do Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập chưa được ban hành nên việc này đến nay chưa thực hiện được.
Lý do Nghị định này “trễ hẹn”, theo TTCP, là sau khi xem xét dự thảo, Thủ tướng Chính phủ xét thấy có nội dung cần xin ý kiến của Ban Bí thư. Hiện TTCP đang phối hợp với ban Tổ chức Trung ương để xin ý kiến theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dù vậy, ông Khái khẳng định, việc kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến nhân sự chủ chốt phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp đã được tiến hành nghiêm túc theo đúng Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Xem thêm: lmth.21699_gnoux-gnuhc-gnohk-ial-gnuhc-gnohk-gnuhn-maht-gnohc/hnihc-nit/nv.moc.nagnoc