Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật. Do đó, trường hợp phá thai ở tuần thứ 31 mới đây ở Hà Nội là hành vi tàn nhẫn, đáng lên án.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã cứu sống thành công một thai nhi bị phá bỏ khi đã 31 tuần tuổi, nặng 1,6 kg. Lúc nhập viện bé đã ngừng tim, ngừng thở hoàn toàn.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), bé sơ sinh được một nhóm thiện nguyện đưa đến từ một cơ sở nạo phá thai ở Hà Nội, vào lúc 20h ngày 4/7. Bé được nhóm thiện nguyện đặt tên là Nguyễn Bình An.
Phá thai trên 22 tuần tuổi là vi phạm pháp luật
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Dưới góc độ đạo đức thì hành vi nạo phá thai chui là hành vi phi đạo đức và đáng lên án bởi vì nó đã cướp đi rất nhiều tính mạng của bao đứa trẻ chưa kịp chào đời, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe lẫn tâm lý của rất nhiều bà mẹ cũng như là tiền lệ xấu cho xã hội.
Trong trường hợp này, hành vi nạo phá thai khi thai nhi đã 31 tuần tuổi là vô cùng nhẫn tâm, đáng lên án, khiến dư luận đặc biệt bức xúc.
Luật sư Cường phân tích, tại Việt Nam, việc nạo phá thai vẫn được pháp luật đồng ý theo nguyện vọng của người phụ nữ, nhưng nghiêm cấm phá thai vì giới tính của thai nhi, theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003 được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP: "Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác" là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, dân số, trẻ em được quy định trong Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng quy định: “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi” là vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, theo mục 7 về Phá thai an toàn tại quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản" thì tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật.
Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có quy định về Tội phá thai trái phép tại Điều 316.
Theo đó, người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Làm chết người; Gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Theo các quy định trên, mọi hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi, phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi đều bị nghiêm cấm. Pháp luật chỉ cho phép phá thai từ 22 tuần tuổi trở xuống và phải đáp ứng những điều kiện sức khỏe, kỹ thuật, trang thiết bị… theo quy định chi tiết tại Quyết định 4620/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
"Một hài nhi có đầy đủ thân hình, có sức sống và khả năng sống phải coi là con người"
Cũng liên quan đến nội dung trên, trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết, đối với các cơ sở, trung tâm nạo phá thai trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá thai trái phép theo quy định tại Điều 316 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 118 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 với mức cao nhất của khung hình phạt lên đến 15 năm tù.
Tuy nhiên, những quy định về bộ luật này chỉ được thực thi khi ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ chứ không liên quan đến thai nhi.
Theo ông Nhưỡng, mức xử phạt này còn quá nhẹ và chưa phù hợp với thực tế: “Hiện tại pháp luật nước ta không quy định việc phá thai to trên 22 tuần là hành vi giết người. Đây là một vấn đề đã gây ra khá nhiều tranh luận trong giới học thuật, cũng như trong thực tiễn. Bởi nhiều người cho rằng một hài nhi đã có đầy đủ thân hình, có sức sống và có khả năng sống thì phải coi là con người”.
Từ những thực tiễn như vậy, ông Nhưỡng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi và bổ sung thêm quy định về luật.
Từ phân tích trên, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đối với trường hợp phá thai nhi ở tuần thứ 31 nói trên cần làm rõ nguyên nhân phá thai; cơ sở nạo phá thai có được chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền hay không, có gây hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của người khác không thì mới có căn cứ xử lý.
"Dưới góc độ pháp lý “bỏ thai nhi” với bỏ “con mới đẻ” là hai khái niệm khác nhau, nên trường hợp này không thể áp dụng quy định đối với hành vi giết người hoặc vứt bỏ con mới đẻ được", Luật sư Cường phân tích.
Hiện nay, có thể thấy vấn đề nạo phá thai đã và đang là vấn đề nhức nhối được dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, có nhiều nguyên nhân xảy ra vấn nạn này, trong đó một phần nguyên nhân do kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, định kiến xã hội về “trọng nam khinh nữ”, cùng với đó một phần nguyên nhân là lối sống buông thả, thích hưởng thụ, thiếu trách nhiệm, không tôn trọng giá trị đạo đức truyền thống của một bộ phận nữ giới đã khiến cho tình trạng này ngày càng diễn ra phổ biến hơn.
"Chúng ta cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giới tính, sinh sản, nâng cao trách nhiệm, hoàn thiện kỹ năng sống và nhận thức pháp luật đối với nữ giới trong độ tuổi sinh sản thì mới có thể giảm thiểu tình trạng này", Luật sư Cường nêu quan điểm.
Nguyễn Dương