Vừa qua, tại phần tiếp theo của chương trình Quán lạ thành quen, nghệ sĩ ưu tú Kim Tử Long đã chia sẻ về cơ duyên và những khó khăn của mình khi kinh doanh nhà hàng và quán cà phê riêng.
Chỉ mất một tháng rưỡi để dựng được một quán cà phê sang trọng
Hiện tại, tôi đang kinh doanh một nhà hàng và một quán cà phê. Ai cũng nói nhà hàng của tôi to và rộng, không thiếu thứ gì, hệt như một cung điện riêng, nhưng tôi thấy cũng bình thường.
Hàng ngày, tôi đến quán cà phê vào buổi sáng, tới trưa mới ra nhà hàng, rồi 3 giờ chiều lại quay trở lại quán cà phê.
Kim Tử Long tại nhà hàng nướng của mình
Tới 6 giờ tối, tôi về lại nhà hàng để quản lí vì những giờ đó khách đến ăn khá đông. Quán cà phê cách nhà hàng tầm 1 km nên tôi đi lại cũng tiện.
Chỉ khi nào phải đi hát hay quay gameshow thì tôi mới vắng mặt, còn không thì ngày nào cũng có mặt tại nhà hàng và quán cà phê của mình.
Tôi rất đam mê nấu nướng và pha chế. Tại quán cà phê của mình, tôi tự sáng chế ra khá nhiều món đồ uống riêng không có ở nơi khác, với công thức cụ thể đàng hoàng.
Thậm chí, khi pha chế xong, nhân viên còn tấm tắc khen cốc cà phê tôi làm quá đẹp. Đó là điểm khác biệt giữa tôi và nhiều nghệ sĩ khác khi mở nhà hàng, quán ăn.
Nhiều người hỏi vì sao tôi chọn được những mặt bằng rất đẹp để mở quán. Có lẽ tôi cũng có cơ duyên làm kinh doanh nên mới chọn được mặt bằng tốt.
Chẳng hạn, việc mở thêm quán cà phê ngoài dự tính của tôi. Ban đầu, tôi không hề nghĩ tới chuyện sẽ làm quán cà phê, chỉ muốn kinh doanh nhà hàng nướng thôi.
Kim Tử Long tại quán cà phê của mình
Tôi nhớ lúc đó, vì một số lí do nên tôi phải chuyển nhà hàng nướng sang mặt bằng khác.
Sau khi thuê được một mặt bằng, tôi đang định chuyển đi thì có một khách đến ăn giới thiệu rằng: "Anh ơi, em có một mặt bằng 500 mét vuông, có chỗ để xe. Em lấy giá rẻ cho anh".
Tôi đi xem thì thích quá, nên quyết định thuê thêm mặt bằng đó để mở nhà hàng. Còn cái mặt bằng đã lỡ thuê rồi, tôi suy nghĩ một hồi rồi quyết định đánh liều, mở quán cà phê trên đó. Chỉ trong một tháng rưỡi, tôi dựng được một quán cà phê sang trọng.
Bị xù tiền cát xê, phải bù lỗ mất 200 triệu một tháng
Trong thời gian dịch bệnh vừa rồi, tình hình kinh doanh giảm sút trầm trọng, tôi phải bù lỗ cho nhà hàng mất 200 triệu một tháng. Tôi bù lỗ đến tháng thứ 3 thì chịu hết nổi nên quyết định tạm ngưng.
Kim Tử Long bán hàng online
Tôi nghĩ, nếu càng làm sẽ càng lỗ, nên tạm đóng cửa nhà hàng trong hơn 5 tháng trời. Lúc đó, tôi phải khá khó khăn mới điều đình được với chủ mặt bằng giảm 50% giá thuê xuống.
Tôi cho một số nhân viên nghỉ việc, chỉ giữ lại các nhân viên trong bếp và cố gắng trả lương cho họ. Tôi bảo họ làm một số món ăn vặt để chuyển sang bán hàng online, kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó.
Thậm chí, thời điểm ấy, mọi sân khấu đều đóng cửa, nghệ sĩ cũng bị ngưng hoạt động, không có show diễn hay quảng cáo, event gì cả, nên tiền cát xê không có. Tôi gần như không đi hát được, lâu lâu mới có một show thì cũng bị xù tiền.
Vì thế, tôi chỉ biết móc tiền túi ra trả lương nhân viên và cầm cự thuê mặt bằng.
Tuy nhiên, ngay trong những lúc đi thế, tôi vẫn kiên quyết không đóng cửa hoàn toàn nhà hàng. Nói lì thì hơi quá nhưng đúng là tôi lì thật.
Tất nhiên, không ai biết tôi lì. Dù kinh doanh có lỗ tôi cũng không để cho gia đình biết mình đang lỗ. Lúc nào tôi cũng tỏ ra vui vẻ, cười nói, dù đang phải gồng gánh lên để móc tiền túi ra bù lỗ.
Tôi nghĩ đơn giản, việc kinh doanh thua lỗ chỉ là một giai đoạn tức thời. Tôi tin rằng, hết giai đoạn khó khăn đó, mọi thứ sẽ trở lại như xưa nên cần phải lạc quan lên.
Mặt mũi tối sầm, mở mắt không nổi, phải gọi người mua thuốc, tới cạo gió cho mình
Gia đình không phản đối chuyện tôi mở nhiều quán ăn. Nhưng tôi cũng thấy thương vợ con mình vì khi mở cùng lúc nhà hàng và quán cà phê, tôi phải bỏ hết thời gian, tâm sức cho chúng. Ngày nào tôi cũng về nhà vào lúc 11 giờ đêm, không còn thời gian chăm sóc, quan tâm vợ con.
Kinh doanh vất vả, nhiều lúc tôi mệt mỏi, mặt mũi tối sầm, mở mắt không nổi, phải gọi người mua thuốc, tới cạo gió cho mình. Những lúc như thế, tôi mới chợt nhận ra không nên phí sức quá, phải nghỉ ngơi, giữ sức cho thời gian tới. Tôi đã có tuổi rồi, không còn trẻ trung gì nữa.
Nhưng đến khi vào việc, tôi lại không làm được như thế. Tôi đã quyết làm cái gì là phải làm bằng được. Đó cũng là điều tôi luôn dạy con mình. Dù thất bại cũng phải làm và lấy thất bại đó làm kinh nghiệm để làm cái khác.
Đối với tôi, gia đình là tất cả. Nhiều lúc tôi nản chí, nhưng gia đình luôn động viên, ở bên cạnh tôi. Tôi cảm ơn gia đình đã ủng hộ tôi.
Theo Tùng Ninh
Pháp luật & Bạn đọc