Con gấu trưởng thành được tìm thấy với tình trạng tốt đến mức các phần mềm như mũi và miệng vẫn nguyên vẹn, mặc dù đã nằm dưới lớp băng vĩnh cửu 39.000 năm - Ảnh: NEFU
Theo Siberian Times, các nhà khoa học Nga đã khai quật hóa thạch gấu hang động, gồm một con trưởng thành và một gấu con, sau khi được những nông dân chăn tuần lộc vô tình phát hiện ở Yakutia, Siberia.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện xác gấu hang động, loài thú được báo cáo là đã tuyệt chủng từ lâu.
Con gấu trưởng thành được tìm thấy với tình trạng tốt đến mức các phần mềm như mũi và miệng vẫn nguyên vẹn, mặc dù đã nằm dưới lớp băng vĩnh cửu 39.000 năm.
Trong báo cáo mới nhất, tiến sĩ khoa học Lena Grigorieva cho biết, cấu trúc hóa thạch được bảo tồn hoàn toàn nguyên vẹn, với tất cả các cơ quan nội tạng ở đúng vị trí, các mô mềm vẫn trong tình trạng được bảo quản tốt.
"Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng với khảo cổ thế giới, đặc biệt trong việc nghiên cứu các sinh vật cổ đại. Chúng tôi hi vọng bằng các phương pháp nghiên cứu sẽ lấy được ADN của loài thú này", tiến sĩ khoa học Lena Grigorieva nói.
Theo báo cáo của kho lưu trữ động vật hoang dã thời tiền sử thì loài Ursus Spelaeus, hay gấu hang động, là một trong những loài động vật có vú phổ biến nhất trong thế Cánh Tân nhưng đã tuyệt chủng khoảng 15.000 năm trước.
Loài gấu này có tập tính sống chủ yếu trong hang động, do vậy từ trước tới nay các mẩu xương về chúng thường thấy trong các hang. Cho đến nay, hóa thạch gấu hang động từng được tìm thấy ở Anh, Bỉ, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Ý, Hi Lạp và một số khu vực của Bắc Phi, nhưng chỉ có những hộp sọ và xương hóa thạch được khai quật tại các địa điểm này.
Từ việc nghiên cứu hóa thạch, các nhà khoa học mô tả gấu hang động là loài thú lớn, có thể nặng từ 400 - 1.000 kg, lớn hơn cả gấu xám Alaska và gấu trắng Bắc Cực.
Những hóa thạch mới nhất của loài gấu hang động sẽ được các nhà khoa học tại Đại học Liên bang Đông Bắc (NEFU) của Nga ở Yakutsk - nơi đi đầu trong nghiên cứu về loài voi ma mút và tê giác lông cừu đã tuyệt chủng - lưu trữ và nghiên cứu.
TTO - Chuyên gia xác định các dấu tích mới được tìm thấy ở Gia Lai là hóa thạch Cúc đá - tên một nhóm các loài sinh vật biển thân mềm đã bị tuyệt diệt.
Xem thêm: mth.59551216141900202-man-000-93-uas-nev-neyugn-noc-gnod-gnah-uag-cax-neih-tahp/nv.ertiout