Cụ thể, HoREA đưa ra các số liệu sau:
STT | Tên doanh nghiệp | Số lượng | ||
Dự án | Căn nhà | Căn hộ officetel | ||
1 | Cty CP Tập đoàn Hưng Thịnh | 13 | 7.944 | 847 |
2 | Cty CP Tập đoàn Novaland | 11 | 6.118 | 1.165 |
3 | Tập đoàn bất động sản (đề nghị không nêu tên) | 10 | 3.489 | |
4 | Cty CP Quốc Cường Gia Lai | 7 | 3.414 | 681 |
5 | Cty CP Địa ốc Sài Gòn (Sài Gòn Res) | 3 | 1.377 | |
6 | Cty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam | 1 | 1.092 | |
7 | Cty CP Tập đoàn C.T | 2 | 700 | |
8 | Cty CP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát | 1 | 476 | |
9 | Cty CP Bất động sản Sơn Kim (Son Kim Land) | 1 | 423 | |
10 | Cty CP ĐT Phát triển Bất động sản An Gia | 1 | 392 | |
11 | Cty TNHH Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5 | 2 | 176 | |
12 | Cty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành | 1 | 30 | |
Tổng cộng: | 53 | 25.631 | 2.693 |
Theo Hiệp hội, tình trạng “tắc tiền sử dụng đất” dẫn đến “tắc sổ hồng”, làm cho người mua nhà bất an, tiềm ẩn “điểm nóng” tranh chấp, tụ tập đông người, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đề xuất giải pháp xử lý.
HoREA cũng đưa ra các đánh giá tình trạng “tắc tiền sử dụng đất” dẫn đến “tắc sổ hồng” trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh:
Hiệp hội nhận thấy, tình trạng chậm cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” (sổ hồng) cho khách hàng mua nhà, tại các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố, đã xảy ra trong nhiều năm qua, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Thực tiễn nhiều năm trước đây, cũng đã có một số chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật, dự án không đủ điều kiện để thực hiện thủ tục cấp “sổ hồng” làm thiệt hại cho khách hàng mua nhà.
Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, giải quyết cấp “sổ hồng” cho nhiều người mua nhà tại các dự án nhà ở bị “treo” hàng chục năm trước đây.
Trong các năm gần đây, nhiều chủ đầu tư cũng đã rất nỗ lực để hoàn thành bàn giao đưa dự án vào sử dụng, đủ điều kiện làm thủ tục xin cấp “sổ hồng” cho khách hàng mua nhà, nhưng hoàn toàn bị lệ thuộc vào việc xem xét giải quyết của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hiệp hội mới chỉ tổng hợp số liệu từ 53 dự án thuộc 12 Tập đoàn và doanh nghiệp, thì đã có đến 28.324 căn nhà và căn hộ officetel, gồm 25.631 căn nhà (chủ yếu là căn hộ chung cư) và 2.693 căn hộ officetel đã bị chậm cấp “sổ hồng”, trong tổng số 490 dự án nhà ở được phê duyệt trong các năm 2015-2019 (chưa bao gồm các dự án đã triển khai trước năm 2015).
Sở Tài nguyên Môi trường thừa nhận, hiện nay còn hơn 100 dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết. Hiệp hội nhận thấy, nếu thống kê đầy đủ số liệu của hàng trăm dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng chưa được tính tiền sử dụng đất, thì số lượng căn nhà bị chậm cấp “sổ hồng” còn lớn hơn nhiều lần.
Theo HoREA, việc “tắc tiền sử dụng đất” dẫn đến “tắc sổ hồng” cho người mua nhà, đã dẫn đến các hệ quả tiêu cực, như sau:
Thứ nhất, vừa không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng thời gây tâm lý hoang mang, bất an cho khách hàng mua nhà.
Thứ hai, vừa làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Số thu tiền sử dụng đất bị sụt giảm liên tục từ năm 2018 đến nay: Năm 2018, chỉ thu 16.493 tỷ đồng, giảm 21,2%; Năm 2019, chỉ thu 14.650 tỷ đồng, giảm 11,2% so với năm trước; 08 tháng đầu năm 2020, chỉ thu 4.453 tỷ đồng, giảm đến 52% so với 08 tháng đầu năm 2019.
Điều đáng quan tâm là tỷ trọng tiền sử dụng đất trong tổng thu ngân sách của thành phố 05 năm vừa qua, chỉ chiếm 3-5%, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước đây (thường chiếm tỷ trọng 9-10% số thu ngân sách). Nếu tháo gỡ được “ách tắc” tiền sử dụng đất, thì sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Thứ ba, vừa làm thiệt hại cho chủ đầu tư dự án, vì chẳng những không thu được 5% giá trị hợp đồng (còn lại), lại bị mang tiếng “bội tín” với khách hàng. Hiệp hội nhận thấy, trong 05 năm vừa qua, nhiều chủ đầu tư đã rất trách nhiệm và nỗ lực xin nộp tiền sử dụng đất nhưng vẫn không nộp được, nên bị tắc “sổ hồng” và bị tổn hại về uy tín thương hiệu.
Thứ tư, đáng quan ngại là đã có một số trường hợp người mua nhà khiếu kiện gay gắt, phát sinh tụ tập đông người, căng băng rôn, biểu ngữ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Thứ năm, Hiệp hội nhận thấy, có hai vấn đề cần tách ra để xử lý phù hợp:
- Người mua nhà là bên ngay tình, vô can, nếu đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà, thì phải được “ưu tiên” giải quyết cấp “sổ hồng” trước;
- Về nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước, thì tách ra xử lý riêng, với điều kiện chủ đầu tư cam kết và có giải pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước.
Thứ sáu, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp rất chia sẻ với những khó khăn của các cơ quan nhà nước và cán bộ công chức nhà nước trong thực thi công vụ, vì trong thời gian qua, có những cán bộ công chức rất trách nhiệm và nỗ lực phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Nhưng cũng đã xuất hiện nguy cơ “rủi ro trong thi hành công vụ”, có một phần do hệ thống pháp luật chưa thật đảm bảo tính hệ thống, tính thống nhất, tính đồng bộ và tính liên thông.
Xem thêm: mth.82930637141900202-gnoh-os-cat-ib-mchpt-o-oh-nac-00082-noh/nv.ahos