Nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không đến Côn Đảo những năm gần đây ngày càng tăng. Riêng năm 2019, Côn Đảo đón 400.000 lượt khách, tăng 37% so với năm 2018.
Tuy nhiên, giá các chặng bay này khá cao và cũng không dễ mua khi thường xuyên "cháy" vé vào các dịp lễ, cuối tuần... Anh Ngọc Duy, chủ một phòng vé tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, năm ngoái, vé khứ hồi chặng Hà Nội - Côn Đảo, nối chuyến tại Tân Sơn Nhất thường có giá 5 triệu đồng trở lên. Còn hiện tại, vé khứ hồi TP HCM - Côn Đảo thường có khoảng 3,6 - 3,8 triệu đồng, Cần Thơ - Côn Đảo khoảng 3,4 triệu đồng. Đây cũng là những mức cao nhất của vé máy bay nội địa hiện nay.
Giá vé bay đi Côn Đảo cao một phần bởi sự cạnh tranh trên các đường bay đến Côn Đảo thấp. Sau khi Mekong Air dừng khai thác chặng Hà Nội - Côn Đảo từ đầu năm 2012, chỉ còn Công ty bay dịch vụ hàng không VASCO (thuộc Vietnam Airlines) bay đến hòn đảo này bằng tàu ATR-72 từ TP HCM và Cần Thơ.
Dù vậy, với "tiếng độc quyền", mỗi chuyến bay bằng ATR-72 của VASCO cũng chỉ có thể chở theo tối đa 66 hành khách. Do cơ sở hạ tầng sân bay Côn Đảo hạn chế, hãng bay này cũng chỉ có thể bay ban ngày với tối đa 24 chuyến.
Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam, Võ Huy Cường không cho rằng Vietnam Airlines, VASCO không tranh thủ các điều kiện khó khăn của sân bay Côn Đảo để độc quyền. Ông gọi đây là "tình thế bắt buộc sau khi Mekong Air dừng hoạt động" vì nhu cầu rất lớn nhưng đáp ứng rất khó khăn. Theo ông, bản thân hãng cũng rất vất vả để duy trì đội bay ATR-72 khi còn phải đáp ứng, bù lỗ cho các kinh tế xã hội khác.
Trong khi tần suất khai thác có hạn thì nhu cầu của hành khách đi máy bay đến Côn Đảo ngày càng tăng bởi đây vẫn là lựa chọn tối ưu nhất. Với phương án di chuyển bằng đường biển, du khách phải mất thêm thời gian di chuyển đến Vũng Tàu hoặc Sóc Trăng. Thậm chí, những người thời tiết xấu, biển động, tàu cũng không thể ra Côn Đảo.
Còn với đường bay bằng trực thăng từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty Trực thăng miền Nam đã cung cấp nhưng giá vé cũng rất cao. Khách ít lựa chọn nên hãng cũng khó duy trì khai thác thường lệ.
Từ cuối tháng này, VASCO (Vietnam Airlines) không còn là hãng duy nhất có đường bay đi Côn Đảo với việc Bamboo Airways mới đây đã được Cục Hàng không cho phép mở ba đường bay thẳng Hà Nội, Hải Phòng, Vinh đến Côn Đảo bằng tàu bay Embraer E195. Thời gian bay từ miền Bắc đến Côn Đảo sẽ được rút ngắn thay vì phải vào TP HCM và nối chuyến. Còn với Bamboo, trong bối cảnh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, các đường bay này được kỳ vọng sẽ bù đắp nguồn thu từ nay đến cuối năm.
Tuy nhiên, để đón máy bay lớn hay tăng thời gian hoạt động, sân bay Côn Đảo phải kéo dài đường cất hạ cánh hoặc lắp đèn phục vụ bay đêm. Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết hai phương án này đều phải lấn biển nhưng chưa có đánh giá tác động môi trường nên chưa thể sớm thực hiện.
Đồng thời, Côn Đảo cũng cần được bảo vệ vẻ hoang sơ, ý nghĩa lịch sử nên không thể khai thác ồ ạt. Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch (Tổng cục du lịch) cũng cho rằng Côn Đảo cần phát triển bền vững, không nên đón khách bằng mọi giá, cần số lượng đảm bảo. Theo ông, đây là di tích lịch sử quốc gia quan trọng nên cần cơ quan quản lý cần có quy hoạch cụ thể.
Tổng giám đốc Bamboo Airways, Đặng Tất Thắng cam kết sẽ phát triển du lịch đi liền với bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Trong đó, Bamboo Airways trích 10.000 - 20.000 từ mỗi vé máy bay để góp quỹ bảo tồn rùa biển Côn Đảo. Hãng cũng sẽ tổ chức các chuyến bay tới Côn Đảo cho cựu chiến binh, thân nhân các liệt sỹ đã ngã xuống tại đây...
Anh Tú