Nga và Belarus đồng ý giải tán lực lượng thực thi pháp luật dự phòng được Moscow thiết lập gần biên giới hai nước vào cuối tháng 8, hãng thông tấn TASS đưa tin.
Ngày 14-9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko đã thống nhất giải tán lực lượng thực thi pháp luật dự phòng gần biên giới hai nước.
"Một kết quả quan trọng của cuộc hội đàm giữa hai tổng thống (của Nga và Belarus - PV) ở TP Sochi (Nga) là thỏa thuận về việc Nga giải tán đơn vị thực thi pháp luật dự phòng và Vệ binh quốc gia được thành lập gần biên giới Nga-Belarus và chuyển lính về các cơ sở đồn trú của họ" - ông Peskov nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS
Ngày 27-8, lực lượng đặc biệt này được Nga thành lập theo yêu cầu của Tổng thống Belarus Lukashenko. Moscow nói rằng động thái này phù hợp với khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và Hiệp ước Nhà nước liên minh Nga-Belarus.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Nga đã lưu ý rằng lực lượng này sẽ không được dùng đến "trừ khi các phần tử cực đoan nấp sau những khẩu hiểu chính trị (tức những người biểu tình quá khích ở Belarus - PV) bước qua lằn ranh", "phóng hỏa nhà cửa, ngân hàng và cố gắng chiếm giữ trụ sở chính quyền".
Cũng trong cuộc hội đàm, Tổng thống Putin tái khẳng định rằng quân đội Nga sẽ trở về các căn cứ đồn trú của họ trên đất Nga "sau khi chương trình tập trận chung kết thúc".
Ông Putin cũng lưu ý cuộc tập trận chung tại Belarus với sự tham gia của sư đoàn lính nhảy dù Pskov thuộc quân đội Nga không liên quan tới những bất ổn chính trị đang xảy ra ở quốc gia Đông Âu.
"Ở một mức độ nào đó, đây là hoạt động thường kỳ của quân đội, nó nhằm mục đích huấn luyện lực lượng. Để tránh những suy đoán, tôi nhắc lại một lần nữa: đây là một sự kiện đã được lên kế hoạch và thậm chí đã được thông báo từ năm ngoái" - ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Putin cũng nhắc lại lập trường ủng hộ việc Moscow và Minsk tiếp tục hợp tác trên lĩnh vực quân sự. Trong đó, ông Putin nhắc nhiều đến các hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quân sự, "kể cả trong những lĩnh vực nhạy cảm" của hai bên.
Cuộc tập trận của sư đoàn Pskov ở Belarus sẽ kéo dài từ ngày 14-9 đến ngày 25-9, bất chấp những quan ngại của phương Tây về nguy cơ quân đội Nga sẽ hiện diện và can thiệp vào tình hình bất ổn tại quốc gia láng giềng.
Sau khi ông Lukashenko tuyên bố tái đắc cử với số phiếu áp đảo, các cuộc biểu tình ở Belarus đã kéo dài hơn một tháng. Những người này cáo buộc gian lận phiếu bầu, yêu sách bầu cử lại và kêu gọi cải tổ đất nước.
Phương Tây liên tục cáo buộc chính quyền Minsk đàn áp người biểu tình và gây sức ép bằng các lệnh trừng phạt hoặc đe dọa trừng phạt và nhiều hoạt động quân sự ở các nước láng giềng Đông Âu và Baltic, muốn ông Lukashenko phải từ bỏ quyền lực và chuyển giao chính quyền cho lực lượng đối lập.
Nhiều thành viên lực lượng đối lập Belarus, bao gồm thủ lĩnh là bà Bà Sviatlana Tsikhanouskaya, đã tìm cách trốn sang nước ngoài. Tuy nhiên, tại Belarus, lực lượng này đã lập nên Hội đồng Điều phối với mục đích chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực từ tay ông Lukashenko.