vĐồng tin tức tài chính 365

Vén màn nghi án bán độ ở HAGL và chuyện đời thăng trầm của cựu trung vệ ĐT Việt Nam

2020-09-15 10:56

"TAI NẠN" KHÓ NUỐT Ở SEA GAMES 1997

Nguyễn Mạnh Dũng , hay còn được biết đến với biệt danh Dũng "Giáp" (bố anh là cựu danh thủ Thể Công Nguyễn Trọng Giáp) là một trong những trung vệ được liệt vào dạng "của hiếm" của bóng đá Việt Nam . Bắt đầu nổi danh từ cuối thập niên 90 trong màu áo Thể Công, tài năng của Nguyễn Mạnh Dũng là điều không cần bàn cãi.

Ngoài "thể hình như Tây", khả năng phòng ngự tốt, Dũng "Giáp" còn được người hâm mộ nhớ tới bởi những quả phất bóng phản công chuẩn xác bằng cái chân trái cực ngoan của mình. Ở tuổi 20, trung vệ này đã được gọi lên ĐTQG và tham dự SEA Games 1997.

"Cũng không hẳn chỉ vì chuyền bóng phản công tốt mà tôi được lên ĐTQG sớm. Thời của tôi hầu như trung vệ chỉ "chém đinh chặt sắt", băm bổ phá bóng thôi. Còn tôi thấy cứ phá bóng thế thì phí, nên mình cũng tập luyện nhiều, làm sao để chuyển từ thế thủ sang công. Thành ra vì cái đó mà người ta quên mất các khả năng khác của tôi như bắt bài, đánh đầu…

Bóng đá mình ngày xưa lắt nhắt, không mấy ai chuyền được những quả dài chuẩn xác, tự nhiên lòi ra một thằng như tôi nên mọi người ấn tượng mạnh vì điều đó. Nhưng một trung vệ nếu chỉ chuyền xa tốt thì làm sao lên được đội tuyển. Trước tiên phải phòng ngự tốt, cản được tiền đạo đối phương đã chứ. Nhưng dù sao cũng thấy vui khi đó là một dấu ấn riêng của tôi để khán giả nhớ", Mạnh Dũng chia sẻ.

 Vén màn nghi án bán độ ở HAGL và chuyện đời thăng trầm của cựu trung vệ ĐT Việt Nam - Ảnh 1.

Thế nhưng kỳ SEA Games trên đất Indonesia năm đó lại trở thành giải đấu khiến Mạnh Dũng nhận phải nhiều chỉ trích.

"Tôi lên tuyển từ khá sớm (1997), cũng được đá chính luôn. Nhưng bóng đá ngày xưa khác bây giờ, còn giống như thời bao cấp, còn phe cánh nhiều. Bản thân các người thầy, trợ lý HLV cũng muốn cho các học trò thân của mình vào sân nhiều, có khi tìm cách hạ bệ nhau. Lên đội tuyển ngày xưa khó lắm. Cầu thủ ngày ấy phải đá một quãng thời gian dài để lại ấn tượng trong lòng mọi người, để khi được lên đội tuyển khán giả đều chấp nhận.

Nhưng với tôi lên đội tuyển chẳng có áp lực gì cả. Cái khó nhất là mình phải vượt qua chính mình để tồn tại, có vị trí. Những gì mình đã làm tốt ở CLB rồi thì lên tuyển mình phải làm tốt gấp đôi, vì đó là nhiệm vụ của quốc gia, cảm thấy trách nhiệm của mình lớn lắm. Vì thế mà mình phải cố gắng vượt qua những khó khăn mà tiến lên thôi, chứ chẳng phải ngại HLV ngoại hay bài tập khó nhằn gì cả. Ngày xưa mọi thứ còn khó khăn, cầu thủ toàn lùn lùn, đen đen, bé tí thì tự nhiên có một người to cao, trắng trẻo, vạm vỡ thì người ta nhìn thấy thích cũng là dễ hiểu".

 Vén màn nghi án bán độ ở HAGL và chuyện đời thăng trầm của cựu trung vệ ĐT Việt Nam - Ảnh 2.

Mạnh Dũng (khoanh tròn) cùng ĐT Việt Nam giành huy chương đồng SEA Games 1997.

Nhắc đến câu chuyện ở đội tuyển, Mạnh Dũng nhớ lại "tai nạn" khó nuốt của mình trên đất Indonesia: "Ở SEA Games năm 1997, Việt Nam gặp Lào ở vòng bảng có một câu chuyện về tôi mà người ta cứ đồn đại này kia. Trong một tình huống đối phương rót bóng lên thì thủ môn Trần Minh Quang ở phía sau tôi hô lên "buông". Nguyên tắc hàng phòng ngự khi thủ môn đã hô như thế thì phải đứng im để đồng đội lao ra bắt bóng. Nhưng thủ môn của mình lại chững lại, không lao ra. Thế là tiền đạo Lào chạy vào cướp bóng và ghi bàn.

Pha đó tất cả xem thì bảo là lỗi tại tôi, trung vệ mà lại bỏ bóng. Cộng thêm ở thời điểm đó còn chuyện phe cánh, HLV thủ môn Dương Ngọc Hùng thì lại bảo vệ thủ môn, lỗi cứ thế đổ hết lên đầu tôi. Báo chí cũng nhảy vào, viết sai về tôi.

Lúc ấy HLV không như bây giờ. Họ cứ im im đi để bảo vệ nhau. Thà người ta cứ nói thẳng tôi sai hay gì, nhưng lại cứ lẳng lặng, rất khó chịu. Chưa kể báo chí cũng chỉ trích và viết sai sự thật rất nhiều. Câu "buông" của thủ môn không được kể ra, người ta cố gắng lấp liếm bằng cách tạo một cơn sốt về tôi trên mặt báo.

Khi HLV nước ngoài làm việc, họ cũng tham khảo các trợ lý nhưng HLV nội cứ đong đưa làm sao để học trò của mình được vào. Trận đấu với Lào tôi bị thay ra và những trận sau cũng chỉ được vào sân từ ghế dự bị chứ không được xếp đá chính.

Đó là cách tôi cảm thấy rất bực vì các làm việc của nhiều người. Tất nhiên đó có thể là những câu chuyện đặc thù của thời điểm, nhưng theo tôi thể thao thì phải công bằng. Cách đá của tôi luôn thế. Cả đời cầu thủ đá trung vệ tôi chỉ bị đúng 2 thẻ vàng. Mà cũng là bởi kéo dài thời gian, trọng tài thấy tôi ra biên lấy bóng hơi chậm, bị CĐV chủ nhà kêu quá thì rút thẻ phạt tôi để xoa dịu tình hình thôi, chứ cũng chẳng phải tôi phạm lỗi hay gì".

 Vén màn nghi án bán độ ở HAGL và chuyện đời thăng trầm của cựu trung vệ ĐT Việt Nam - Ảnh 3.

Trung vệ Mạnh Dũng và HLV Colin Murphy. (NVCC)

PHẢI "DIỄN" ĐỂ ĐƯỢC RỜI THỂ CÔNG

Đến năm 2001, bước ngoặt xảy đến với sự nghiệp của Mạnh Dũng khi anh tính đến chuyện rời Thể Công. Nguyên nhân xuất phát từ những bất hòa khó hàn gắn theo kiểu "bằng mặt không bằng lòng" và theo lời Mạnh Dũng, anh cho rằng nhiều người đã chơi không quân tử với mình.

"Bản thân những lãnh đạo trong quân đội, chứ không phải Thể Công, cũng tạo điều kiện cho tôi đi. Tôi cảm thấy chán cách cư xử của những người thầy cũ và vài đồng đội. Nhưng quá trình để được ra đi của tôi diễn ra cũng lâu. Thể Công họ có kiểu không cho đá nhưng cũng không muốn mất người mình đi đâu cả, luôn luôn giữ hoặc điều đi các đơn vị.

Cuối năm 2001, tôi vào Khánh Hòa và thi đấu ở đó trong mùa giải 2002 theo dạng cho mượn. Trong 1 năm đó tôi chỉ đi chơi, tập luyện hời hợt, giả vờ không đá được nữa. Đến bản thân lãnh đạo đội Khánh Hòa còn phải gọi ra cho Thể Công bảo thôi, chúng tôi không nhận ông Dũng này nữa, không đá được nữa rồi.

Tôi làm động tác như thế thì lãnh đạo đội bảo chắc đúng thằng này không đá được nữa rồi, không giữ nữa. Thể Công cho nghỉ là tôi bay thẳng vào Gia Lai luôn và sau đó giành 2 chức vô địch V.League 2003, 2004, khiến tất cả phải ngã ngửa".

 Vén màn nghi án bán độ ở HAGL và chuyện đời thăng trầm của cựu trung vệ ĐT Việt Nam - Ảnh 4.

Tới HAGL , Mạnh Dũng như cá gặp nước, nhanh chóng chứng minh cho tất cả thấy được đẳng cấp của mình, mà minh chứng rõ nhất chính là việc anh đóng vai trò chủ chốt trong 2 chức vô địch V.League của đội bóng này.

"Chuyên môn của tôi đã được khẳng định từ rất lâu trước đó rồi, nên HAGL rất tin tưởng. Người ta cũng liên hệ với tôi từ trước rồi nhưng phải chờ tôi xong thủ tục với Thể Công đã.

Về chế độ, ở HAGL gấp 10 lần Thể Công. Thời điểm đó HAGL mới lên, bầu Đức đang đầu tư rất mạnh tay, tập trung toàn bộ để gây dựng danh tiếng. Nhưng nguyên tắc với HAGL bọn tôi không được phép nói con số cụ thể, đến giờ tôi vẫn chấp hành.

Bây giờ ai hỏi tôi về tiền lương ở HAGL, tôi cũng chỉ nói là 10 triệu đồng/tháng. Còn con số thực thì mỗi người một lương, không ai biết lương của người khác. Bảng lương cả đội ai cũng ký 10 triệu, từ dự bị đến chính thức, đến tháng thì lên nhận. Còn bầu Đức ký riêng với từng người, mỗi người một kiểu. Mà thời của tôi, HAGL gần như là đội tuyển Đông Nam Á. Các tuyển thủ đều là những "quái vật", đá các đội không chịu nổi".

 Vén màn nghi án bán độ ở HAGL và chuyện đời thăng trầm của cựu trung vệ ĐT Việt Nam - Ảnh 5.

Mạnh Dũng (thứ hai, từ phải sang) ăn mừng chức vô địch V.League 2003 cùng HAGL. (Ảnh: Bạch Dương)

THỰC HƯ CHUYỆN TỐ GIÁC ĐỒNG ĐỘI Ở HAGL BÁN ĐỘ

Mùa giải 2003, HAGL sau khi vô địch V.League đại diện cho Việt Nam tham dự Cúp C1 Đông Nam Á. Với đội hình chất lượng gồm nhiều tuyển thủ Việt Nam và Thái Lan, đội bóng của bầu Đức được kỳ vọng sẽ giành chức vô địch.

Tuy nhiên giải đấu này cuối cùng lại mang đến một vụ lùm xùm, nghi án bán độ liên quan đến tiền đạo trẻ Việt Thắng. Dù sau đó cơ quan an ninh không có đủ bằng chứng để điều tra làm rõ, nhưng VFF vẫn quyết định cấm thi đấu 3 năm (sau giảm xuống còn 1,5 năm), còn HAGL cắt hợp đồng với Việt Thắng.

Vụ việc này đến giờ vẫn còn gây tranh cãi vì chỉ dừng ở mức độ nghi án nhưng án phạt dành cho người liên quan lại không hề nhẹ. Sau gần 20 năm, nhắc lại câu chuyện trước đây, cựu cầu thủ HAGL chia sẻ:

"Chuyện ai sinh hoạt, chơi cá động bóng đá hay làm bất cứ điều gì ở ngoài xã hội tôi không quan tâm. Tôi chỉ biết làm tốt phần mình thôi. Năm 2003 đi đá cúp C1 Đông Nam Á, người hâm mộ Việt Nam đặt kỳ vọng lớn vào việc HAGL sẽ gây được tiếng vang ở cấp độ quốc tế.

Lãnh đạo quan tâm, đi theo đội rất nhiều và cả lực lượng an ninh cũng vậy. Bản thân bầu Đức cũng mời an ninh đi theo để bảo vệ cho đội, vì lo sang Indonesia là đất nước Hồi giáo, có nhiều điều lạ lẫm. An ninh đi theo đội như thế, ai mặc sắc phục thì mình nhận ra, chứ nếu họ mặc thường phục thì biết sao được, cứ nghĩ người hâm mộ ở chung khách sạn với đội thôi.

Hôm đấy Việt Thắng ngồi ở sảnh, nói ra câu chuyện thì có cả vài ba người khác cũng ngồi ở đó. Mãi về sau mới biết đó là an ninh. Việt Thắng có nói với tôi rằng có thông tin nếu mình đá trận này thua thì mỗi thằng được cái xe Spacy, tức là khoảng 5000 USD. Nhưng tôi nói không, ở nhà đang có xe ngon hơn tôi còn chả đi, cần gì Spacy. Tôi nói vui thế nhưng câu chuyện được an ninh nghe thấy".

 Vén màn nghi án bán độ ở HAGL và chuyện đời thăng trầm của cựu trung vệ ĐT Việt Nam - Ảnh 6.

"Sau rồi trong ban lãnh đạo của đoàn đi có chú Đặng Quang Dương (Trưởng đoàn CA TP.HCM) biết được thông tin. Chú ấy mới hỏi tôi: "Tại sao mày bán độ?" Tôi bảo: "Không, con có bán đâu, thằng Thắng nó nói mấy câu thế thôi".

Vấn đề ở đây không phải là tôi tố giác Việt Thắng, mà khi lãnh đạo và một số đồng chí an ninh nghe được chuyện đó thì tôi phải bảo vệ bản thân. Người ta hỏi ai nói chuyện đó, thì tôi phải nói ra, phải bảo vệ sự trong sạch của mình.

Sau này báo chí dẫn dắt câu chuyện thành tôi tố cáo, nhưng không phải vậy. Bản chất vấn đề là ở thời điểm đó, tôi đang được HAGL cưu mang, được hưởng nhiều quyền lợi ở HAGL, nhờ HAGL mà tôi có được nhiều thứ thì tôi phải bảo vệ tập thể đó. Sau đấy là bảo vệ cá nhân mình, thì tôi phải nói ra chứ không thể trách tôi được. Nếu cứ im lặng có khi tôi lại thành người đồng lõa, bao che.

Giải đấu này ở cấp CLB thôi nhưng lại là hình ảnh quốc gia, HAGL đang đại diện cho Việt Nam đi thi đấu. Đương nhiên vụ việc xảy ra thì phải họp bàn, xử lý rõ ràng rồi.

Việt Thắng cũng hiểu sai về tôi. Sau này gặp lại tôi cũng bảo rằng: "Mày không hiểu vấn đề. Lúc ấy mày nói câu chuyện ra với tao có người nghe thấy. Thật giả thế nào không biết, nhưng chắc chắn tao không làm chuyện bán độ như thế. Còn đội hỏi ai nói tao phải kể ra thôi".

Còn chuyện sau trận HAGL thua Persita ở vòng bảng, Việt Thắng nói "Mất cái Spacy rồi anh ơi" thì tôi không biết cậu ta thốt ra với ai chứ không phải với tôi".

 Vén màn nghi án bán độ ở HAGL và chuyện đời thăng trầm của cựu trung vệ ĐT Việt Nam - Ảnh 7.

Mạnh Dũng trong màu áo HAGL (Ảnh: Quang Minh)

GIẢI NGHỆ, KINH DOANH VỠ NỢ VÀ LÀM LẠI TỪ ĐẦU

Phong độ ấn tượng trong màu áo HAGL giúp Mạnh Dũng được trở lại ĐTQG, tham dự Tiger Cup 2004, thi đấu ở vòng loại World Cup 2006 và tiếp đó có tên trong danh sách tham dự AFF Cup 2007 (rời giải giữa chừng vì bất đồng với HLV Riedl).

Ở cấp độ CLB, sau 2 năm rưỡi chơi cho HAGL, Dũng "Giáp" lần lượt chuyển tới chơi cho Đà Nẵng Hải Phòng, Hà Nội ACB, Hà Nội T&T rồi giải nghệ vào năm 2009 ở tuổi 32. Nhìn lại quãng thời gian chơi bóng của mình, Mạnh Dũng trải lòng:

"Tôi không biết suy nghĩ người khác thế nào, chấp nhận an phận ra sao, nhưng tôi thích một môi trường khắc nghiệt, cạnh tranh. Như thế mới làm con người cá tính của tôi vào khuôn được. Chứ còn cứ đều đều, sống kiểu an phận, đá bóng như thế thì chán lắm. Tôi đi đá bóng khán giả càng đông càng thích, kể cả sân khách. Vì mình có một cái là thỉnh thoảng vừa đá vừa trêu khán giả. Họ cứ ồ lên mình lại càng trêu, tính mình thế.

Nhưng đi đá bóng mãi, cũng đến lúc mình phải tính đến chuyện các nhân của mình, phải lấy vợ, xây dựng gia đình, chứ cả thời trai trẻ đi khắp nơi khắp chốn rồi. Đàn ông đến ngưỡng đấy người ta cần một bến đỗ. Mình cảm thấy sự nghiệp đủ rồi, tài chính không phải nhiều nhưng cũng đủ dùng. Bây giờ mình cần một người phụ nữ của mình, cần một mái ấm".

 Vén màn nghi án bán độ ở HAGL và chuyện đời thăng trầm của cựu trung vệ ĐT Việt Nam - Ảnh 8.

Vợ chồng Mạnh Dũng - Hiền Anh và hai con trai.

Sau khi kết hôn cùng ca sỹ Hiền Anh (giải Nhì Sao mai 2007) vào năm 2010, Mạnh Dũng chuyển hướng sang kinh doanh. Tuy nhiên kế hoạch mở nhà hàng của hai vợ chồng gặp khó khăn và dần rơi vào cảnh nợ nần.

"Sau khi nghỉ đá bóng và trong tay có một số vốn, tôi nghĩ tới chuyện kinh doanh. Thế là tôi mở một nhà hàng quy mô lớn, 6 tầng, đầu tư 3-4 tỷ đồng, làm về thịt thú rừng. Hiền Anh lúc ấy có bầu, mình cũng muốn vợ lui về hậu trường, quản lý nhà hàng rồi sinh con. Mở ra được một thời gian, đến khoảng 2011 thì ảnh hưởng của tình hình kinh tế chung khiến việc kinh doanh gặp khó, rồi vỡ.

Mất đi đồng tiền có xót không? Có chứ. Nhưng nó cho mình một bài học. Mình biết được rằng mình có thể giỏi về bóng đá, nhưng trong kinh doanh thì còn phải học nhiều. Đó là bài học để sau này kinh doanh trở lại, mình có kinh nghiệm, quản lý mọi thứ chắc chắn, tận tâm hơn.

Bản thân tôi ngày trước có tiền cũng cho bạn bè vay mượn không giấy tờ nhiều lắm. Bạn bè cũng rất trân trọng sự giúp đỡ của mình. Đến sau này, tôi nói rất thật rằng mình vỡ nợ rồi, khoản ngày trước bạn thu xếp lại giúp tôi. Anh em đều hiểu và gom lại trả cho mình. Nhờ thế mà mình có lại được khoản vốn để sau này tái đầu tư. Lúc người ta khó khăn mình dang tay ra và cái gì cũng có qua có lại cả".

 Vén màn nghi án bán độ ở HAGL và chuyện đời thăng trầm của cựu trung vệ ĐT Việt Nam - Ảnh 9.

Sau cú vấp đó, hai vợ chồng Mạnh Dũng - Hiền Anh tiếp tục kinh doanh với việc thành lập công ty sự kiện âm nhạc. Trong khi vợ lo về nội dung biểu diễn thì Mạnh Dũng đảm nhận việc thương thảo, ký kết hợp đồng cho công ty.

Dù việc làm ăn suôn sẻ trong nhiều năm qua, tuy nhiên niềm đam mê với trái bóng vẫn là điều luôn duy trì trong huyết quản của Mạnh Dũng. Ngoài việc đã có trong tay bằng B HLV, cựu tuyển thủ này cũng tham gia thi đấu và hỗ trợ các chương trình gây quỹ thiện nguyện của nhiều đội bóng phủi.

Khi được hỏi về tham vọng dẫn dắt một CLB tại V.League trong tương lai, Mạnh Dũng thẳng thắn chia sẻ rằng ở thời điểm hiện tại, anh chọn ở bên gia đình, chăm sóc con cái thay vì đi làm ăn xa.

"Tôi học hết bằng B rồi, thời gian vừa rồi định học bằng A nhưng công việc, gia đình bận rộn chưa thu xếp được. Bỏ ra 1 tháng đi học bằng HLV, trông thời gian có vẻ ngắn thôi trong lúc đó thì con cái còn đi học, công việc kinh doanh gián đoạn nên cũng hơi khó. Học không bao giờ là thừa, nhưng vấn đề là thời gian.

Hơn nữa nếu làm HLV V.League thì phải xa nhà cả năm trời. Bố tôi gắn bó với bóng đá cả đời, từ khi làm cầu thủ, HLV, ít có thời gian ở nhà. Các con hầu như đều phải tự lập và thực sự cũng cảm thấy thiếu thốn sự quan tâm, gần gũi từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống. Ví dụ như mình muốn bố vót cho mình cái diều, làm cho mình món đồ chơi thì không có".

 Vén màn nghi án bán độ ở HAGL và chuyện đời thăng trầm của cựu trung vệ ĐT Việt Nam - Ảnh 10.

"Thành ra từ cảnh đó của mình mà tôi không muốn các con mình có những sự thiếu hụt như vậy. Hơn nữa các con tôi đang tuổi lớn, học cấp 2, cấp 3, phụ huynh cần có sự kiểm soát phù hợp ở đội tuổi này. Còn làm HLV không nhất thiết cứ phải bây giờ. Sau này 50, 60 tuổi mình làm cũng vẫn được cơ mà.

Quan điểm của tôi là như vậy, làm HLV thì phải vào thời điểm thoải mái về chuyện với gia đình, và đã làm thì phải có thành tích. Chứ không phải tôi dành cả tuổi trẻ để đi làm, bỏ mặc gia đình để đổi lại cái nghề.

Mấu chốt của một con người vẫn là gia đình. Tôi chọn gia đình trước, rồi sau đó mới đến công việc. Đó là nguyên tắc của tôi. Nhưng tất nhiên thời thanh niên thì phải chọn công việc trước, nghĩa là mỗi thời điểm trong cuộc sống mình phải có lựa chọn phù hợp".

Linh Đan

Pháp luật và bạn đọc

Xem thêm: nhc.13155559051900202-man-teiv-td-ev-gnurt-uuc-auc-mart-gnaht-iod-neyuhc-av-lgah-o-od-nab-na-ihgn-nam-nev/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vén màn nghi án bán độ ở HAGL và chuyện đời thăng trầm của cựu trung vệ ĐT Việt Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools