vĐồng tin tức tài chính 365

Đà Nẵng: Hơn 550 doanh nghiệp bị 'gọi tên' nợ tiền bảo hiểm

2020-09-15 14:56

Đà Nẵng: Hơn 550 doanh nghiệp bị 'gọi tên' nợ tiền bảo hiểm

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) - Tính đến hết ngày 31-8-2020, có 557 doanh nghiệp với 4.227 lao động tại thành phố Đà Nẵng nợ hơn 108 tỉ đồng tiền bảo hiểm. Đặc biệt, có một doanh nghiệp trong 136 tháng qua chưa chi trả bảo hiểm với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng, trong đó tiền lãi chậm đóng chiếm 50%.

Theo Bảo hiểm Xã hội Đà Nẵng, có 15 doanh nghiệp nợ bảo hiểm từ 1 tỉ đồng trở lên. Ảnh minh họa giao dịch bảo hiểm xã hội tại một quận ở Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Theo danh sách cập nhật mới nhất các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do Bảo hiểm Xã hội Đà Nẵng công bố, có 15 doanh nghiệp nợ bảo hiểm từ 1 tỉ đồng trở lên.

Doanh nghiệp có số tiền nợ bảo hiểm cao nhất là Công ty Cổ phần Cơ khí - Lắp máy Sông Đà – Chi nhánh 5 với hơn 13 tỉ đồng, bao gồm 5,7 tỉ đồng lãi chậm nộp. Doanh nghiệp này nợ bảo hiểm với thời gian lên đến 52 tháng.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Cơ khí – Lắp máy Sông Đà (Someco) là doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước. Hiện nay, công ty đang hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp ngày 5-9-2019 bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.

Công ty có vốn điều lệ là 83,3 tỉ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước (Tổng Công ty Sông Đà-CTCP) là 38,5 tỉ đồng, chiếm 46% và các cổ đông khác trong và ngoài công ty là 44,8 tỉ đồng, chiếm 54,%.

Công ty Cổ phần Cơ khí - Lắp máy Sông Đà – Chi nhánh 5 (hay còn gọi là Someco Đà Nẵng) có văn phòng tại quận Liên Chiểu là một trong sáu chi nhánh, đơn vị trực thuộc và các công ty con của công ty. Công ty đang vận hành nhà máy cơ khí Someco Đà Nẵng có vốn đầu tư 39,7 tỉ đồng hơn 10 năm qua tại Khu công nghiệp Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của Someco vừa được công bố cuối tháng 8-2020, công ty có số nợ phải trả là hơn 828 tỉ đồng, trong đó nhiều nhất là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, phải trả người bán ngắn hạn và thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty trong 6 tháng đầu năm là gần 32 tỉ đồng, giảm gần 15 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty ở mức âm hơn 18 tỉ đồng. Theo bản thuyết minh, có nhiều nguyên nhân khiến công ty kinh doanh thua lỗ, bao gồm chi phí vật tư tăng rất cao tại hai công trình nhà máy thủy điện Đăk Pru 1 (tỉnh Kon Tum) và Rào Trăng 4 (tỉnh Thừa Thiên Huế) và chủ đầu tư chậm thanh toán tại 4 công trình thủy điện khác.

 

Năm doanh nghiệp tại Đà Nẵng nợ tiền nhiều nhất trong 8 tháng đầu năm 2020, theo danh sách mới nhất Bảo hiểm Xã hội Đà Nẵng công bố. Đồ họa: Nhân Tâm

Trong khi đó, đơn vị nợ BHTN nhiều nhất là Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng (Dameco) với số tiền hơn 115 triệu đồng. Dameco cũng là một trong 15 công nợ tiền bảo hiểm cao nhất với tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng trong thời gian 82 tháng.

Đây cũng là công ty “nổi tiếng” chậm đóng các loại BHXH, BHYT và BHTN trong nhiều năm qua. Đặc biệt, năm 2016, công ty đã bị các công nhân kiện vì không chi trả các loại bảo hiểm trên. 

Công ty đứng thứ hai trong danh sách này Công ty cổ phần túi xách Đà Nẵng tại 291/9 Trần Cao Vân, Quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, với số tiền nợ BHTN gần 90 triệu đồng. Công ty cũng đang nợ hơn 1,9 tỉ đồng tiền bảo hiểm trong thời gian 7 tháng với lý do chủ yếu khó khăn và tạm ngưng hoạt động do Covid-19.

Theo Bảo hiểm Xã hội Đà Nẵng, hiện nay, tình trạng nợ bảo hiểmcủa các đơn vị sử dụng lao động khá nghiêm trọng. Trong đó đặc biệt, một số doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài với số tiền rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, đây cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây bất ổn tình hình xã hội trên địa bàn.

Chậm đóng, trốn đóng và chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN là một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014; không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT là vi phạm Luật BHYT số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008 và Luật số 46/2014/QH13 ngày 13 tháng 6 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Các hành vi này tùy theo mức độ vi phạm sẽ  bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đơn vị có thời gian chậm chi trả dài nhất

Theo Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng, hai đơn vị có thời gian chậm chi trả dài nhất là Công ty TNHH Hải Vân với thời gian hơn 136 tháng và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng PQR với thời gian 103 tháng.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Hải Vân được cấp giấy phép hoạt động năm 1998 tại địa chỉ tổ 27, Phường Hoà Thọ Tây, Quận Cẩm Lệ, chuyên sản xuất giường, tủ, bàn, ghế…

Công ty cổ phần tư vấn xây dựng PQR tại 3/4 Phan Thành Tài, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng đến tháng 2 này vẫn còn đăng tuyển nhân sự chuyên thí nghiệm vật liệu xây dựng, kiểm tra chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật.

 

Xem thêm: lmth.meih-oab-neit-on-net-iog-ib-peihgn-hnaod-055-noh-gnan-ad/842803/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đà Nẵng: Hơn 550 doanh nghiệp bị 'gọi tên' nợ tiền bảo hiểm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools