Bất chấp ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nền y học Cuba vẫn chứng tỏ được sự thành công khi chẳng những đủ khả năng xử lý dịch bệnh trong nước mà còn duy trì được việc thực hiện các sứ mệnh y tế quốc tế, hãng tin Reuters ngày 14-9 bình luận.
Trong khi nhiều nước, gồm cả các quốc gia phát triển, phải đau đầu trong việc điều phối đội ngũ nhân viên y tế tham gia các công việc chống dịch, tình hình ở Cuba lại hoàn toàn trái ngược.
Dịch bệnh đã xuất hiện ở Cuba từ tháng 3. Theo báo cáo mới của Bộ Y tế Cuba, tính tới hết ngày 13-9 (giờ địa phương, tức trưa 14-9 theo giờ Việt Nam), nước này đã phát hiện 4.726 ca nhiễm COVID-19, trong đó 108 trường hợp đã tử vong.
Các bác sĩ Cuba tham dự buổi lễ trước khi lên đường sang hỗ trợ Ý chống dịch COVID-19 hồi cuối tháng 3. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, Cuba vẫn đủ khả năng tiếp tục thực hiện chính sách "quốc tế chủ nghĩa về y tế". Cụ thể, Cuba sẵn sàng cử đoàn chuyên gia y khoa sang hỗ trợ gần 40 quốc gia trên khắp năm châu lục, bao gồm Việt Nam.
Đoàn 12 y - bác sĩ Cuba sang hỗ trợ Togo chống dịch
Câu chuyện được Reuters nhắc đến là việc đoàn 12 nhân viên y tế Cuba sang hỗ trợ Togo – một nước nhỏ nằm miền đông châu Phi. Đây là một trong những sứ mệnh quốc tế mới nhất của các y - bác sĩ Cuba.
Tính tới tối 14-9 (giờ địa phương, tức sáng 15-9 theo giờ Việt Nam), chính phủ Togo đã công bố 1.578 trường hợp nhiễm COVID-19 và 40 bệnh nhân trong số này đã tử vong.
Các nhân viên y tế Cuba sẽ hỗ trợ các y - bác sĩ Togo chăm sóc bệnh nhân đã nhiễm COVID-19, tăng cường năng lực xét nghiệm và cải thiện quy trình làm việc tại các bệnh viện.
Chính phủ Togo đã ca ngợi đoàn y - bác sĩ Cuba, gọi đây là "bước ngoặt" trong quan hệ song phương và là biểu hiện cho quan hệ hợp tác giữa các nước đang phát triển theo định dạng hợp tác Nam-Nam.
Hợp tác Nam-Nam là một thuật ngữ được các học giả và các nhà hoạch định chính sách sử dụng để mô tả việc trao đổi tài nguyên, kỹ thuật và tri thức giữa các nước đang phát triển, được biết đến là các nước ở nam bán cầu.
"Khi giới khoa học và y khoa chật vật tìm giải pháp ứng phó đại dịch, y học Cuba - vốn lớn mạnh từ những kinh nghiệm trong quá khứ - đã mang đến câu trả lời thích hợp" - Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao Togo Charles Azilan nói.
"Đội quân áo blouse trắng" Cuba - di sản của cố lãnh tụ Fidel Castro
Reuters nhắc lại rằng sau khi cuộc cách mạng Cuba thành công năm 1959, Havana đã xây dựng và duy trì "đội quân áo blouse trắng" hỗ trợ nhiều nước khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Với sự hỗ trợ của Liên Xô và sự quan tâm của cố lãnh tụ Fidel Castro, nền y học Cuba đã trở thành một trong những điểm sáng trong khu vực Mỹ Latin và trên toàn cầu. Dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc Liên Xô tan rã, Havana vẫn có nền tảng tốt để tiếp tục phát triển ngành y.
Các bác sĩ Cuba chụp hình với ảnh cố lãnh tụ Fidel Castro trước khi sang hỗ trợ Ý chống dịch COVID-19 hồi cuối tháng 3. Ảnh: REUTERS
Hiện nay, Cuba là một trong những nước có số bác sĩ trên bình quân dân số cao nhất thế giới. Trước COVID-19, Havana đã cử khoảng 28.000 bác sĩ thực hiện các sứ mệnh toàn cầu. Trong thập niên vừa qua, các y - bác sĩ Cuba đã được cử đến nước láng giềng Haiti để chống dịch tả và hỗ trợ khu vực Tây Phi đối phó dịch Ebola.
Trong đại dịch COVID-19, thêm 4.000 nhân viên y tế đã được Cuba gửi đến hỗ trợ các nước. Ngay cả các quốc gia giàu có ở phương Tây như Ý, Andorra hay những nước được cho là không thân thiện với Cuba như Peru cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ Havana.
Cuba còn viện trợ hoặc bán cho các nước nhiều loại thuốc tiên tiến dùng trong điều trị các ca nhiễm COVID-19. Đồng thời, các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Havana cũng trở thành hình mẫu cho nhiều nước học hỏi.
Một thành tựu khác của Havana là đào tạo khoảng 30.000 bác sĩ hàng đầu cho nhiều quốc gia đang phát triển. Đội ngũ này đã đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống COVID-19.
Y - bác sĩ Cuba là "xương sống" trong đội ngũ chống dịch ở Carribea
Chủ tịch luân phiên Cộng đồng Carribea (CARICOM) giai đoạn nửa cuối năm 2020, Thủ tướng Saint Vincent and the Grenadines, ông Ralph Gonsalves cho biết đội ngũ y-bác sĩ Cuba là "xương sống trong việc ứng phó trước đại dịch" ở nhiều quốc gia của khối.
CARICOM là tổ chức khu vực của các quốc gia ở vùng biển Carribea và Nam Mỹ với 15 thành viên chính thức, năm vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh là thành viên liên kết. Cuba không phải thành viên của CARICOM.
Trong tháng 3, Jamaica đã đón 137 y - bác sĩ Cuba sang hỗ trợ chống dịch. Trước đó, 296 nhân viên y tế khác của Cuba đã làm việc ở Jamaica.
Một quan chức y tế hàng đầu của Jamaica chia sẻ với Reuters rằng nếu không có sự hỗ trợ từ Cuba, tình hình ở Jamaica "đã khó khăn hơn rất nhiều".
Jamaica đã phát hiện 3.933 ca nhiễm và 44 trường hợp đã tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometers. Đây là nước còn số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị cao nhất trong khối CARICOM.
Quan hệ Mỹ - Cuba ảnh hưởng xấu tới chính sách của Havana
Washington cáo buộc Havana đang "buôn người" khi chính quyền giữ lại 75% tiền lương của các y-bác sĩ Cuba đang làm việc ở nước ngoài.
Đoàn nhân viên y tế Cuba trong lễ xuất quân hôm 4-6 trước khi sang hỗ trợ Kuwait chống dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS
Cuba không phủ nhận việc giữ lại một phần tiền nhưng cho biết khoản tiền đó sẽ được dùng để tiếp tục xây dựng hệ thống y tế công cộng trong nước.
Các bác sĩ Cuba nói với Reuters rằng các nhiệm vụ quốc tế đã giúp họ có thu nhập cao hơn nhiều so với các đồng nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các nhân viên y tế này vẫn mong muốn được chế độ đãi ngộ tốt hơn.
Dưới áp lực từ Washington, nhiều nước Nam Mỹ như Brazil, Bolivia hay Ecuador đã chấm dứt các thỏa thuận y tế với Cuba, cáo buộc Havana sử dụng các bác sĩ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước sở tại. Cuba bác bỏ các cáo buộc này.
Sau khi các nhân viên y tế Cuba buộc phải rời đi, người dân nhiều vùng quê ở các nước này cảm thấy họ đang thiếu đi lực lượng rất quan trọng để chống lại đại dịch COVID-19.
Brazil, quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ ba thế giới, đã phải thuê hơn 1.000 bác sĩ Cuba và cử đến làm việc tại những khu vực mà hệ thống y tế của Brasilia chưa đáp ứng được.