Thương vụ 40 tỉ đô la giữa Mỹ-Nhật Bản đặt Trung Quốc vào thế bất lợi
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Hãng chip Nvidia (Mỹ) vừa thông báo đồng ý mua lại hãng thiết kế chịp Arm Holdings của Anh từ Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) với giá lên tới 40 tỉ đô la Mỹ.
Nếu được các cơ quan quản lý phê duyệt, đây là sẽ thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp bán dẫn. Đồng thời thương vụ sẽ là một thành quả lớn đối với Masayoushi Son, Giám đốc điều hành của tập đoàn Softbank, người đã đặt canh bạc lớn khi quyết định chi 32 tỉ đô la để thâu tóm Arm Holdings vào năm 2016.
Song thương vụ có thể vấp phải sự phản đối của Anh và đặc biệt là Trung Quốc, nước đang chật vật chống chọi sức ép của Mỹ trên mặt trận công nghệ.
Hãng chip Nvidia (Mỹ) đồng ý mua lại hãng thiết kế chip Arm Holdings của Anh từ Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) với giá 40 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Top 10 Digital |
Sự kết hợp hoàn hảo
Theo các điều khoản của thương vụ được hai bên công bố 14-9, Nvidia, hãng chip lớn nhất Mỹ xét theo vốn hóa thị trường, sẽ trả cho SoftBank 12 tỉ đô la tiền mặt và 44,3 triệu cổ phiếu Nvidia có trị giá ước tính 21,5 tỉ đô la Mỹ. Ngoài ra, SoftBank có thể nhận tới 5 tỉ đô la tiền mặt hoặc cổ phiếu phổ thông của Nvidia nữa tùy vào các mục tiêu tài chính đạt được của Arm Holdings sau khi về tay Nvidia. Nvidia cũng sẽ phát hành số cổ phiếu trị giá 1,5 tỉ đô la cho các nhân viên của Arm Holdings.
Arm Holdings, được xem là ‘viên ngọc quý’ của ngành công nghệ Anh, là một trong những công ty quan trọng nhất ở hậu trường ngành bán dẫn toàn cầu. Công ty thiết kế chip và cấp phép các thiết kế này cho các công ty như Apple, Broadcom, Marvell và Nvidia, rồi sau đó thu phí cấp phép và phí bản quyền trên mỗi chip được sản xuất theo thiết kế của Arm Holdings.
Thị trường lớn nhất của Arm Holdings là các thiết bị di động. Các bộ vi xử lý dựa vào thiết kế của hãng này đang vận hành hơn 95% điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng trên toàn cầu.
SoftBank cho rằng công nghệ của Arm Holdings có thể là điểm tựa cho “vạn vật internet” trong tương lai khi mọi vật dụng hàng ngày từ bóng đèn cho đến giày thể theo đều được kết nối với Internet.
Áp dụng chiến lược khác với đối thủ Intel, Arm Holdings tập trung thiết kế các chip ít tiêu hao năng lượng nhất. Điều này này giúp Arm Holdings tận dụng được cuộc cách mạng smartphone vào thập niên 2000 khi các công ty như Apple, Samsung và các nhà sản xuất thiết bị khác lùng mua các chip tiêu thụ ít năng lượng để kéo dài dung lượng pin.
Nvidia, có trụ sở ở Santa Clara, bang California, chuyên sản xuất chip đồ họa sử dụng cho máy chơi game vốn đang chứng kiến nhu cầu tăng vọt trong đại dịch. Bên cạnh đó, công ty này cũng sản xuất chip sử dụng cho các trung tâm dữ liệu cũng đang ghi nhận hoạt động kinh doanh bùng nổ khi mô hình làm việc từ xa được triển khai rộng rãi. Với những thế mạnh như vậy, cổ phiếu Nvidia được Phố Wall cực kỳ yêu thích. Cổ phiếu công ty này đã tăng gấp đôi trong năm nay, giúp Nvidia vượt qua Intel, trở thành nhà sản xuất bán dẫn có vốn hóa lớn nhất Mỹ.
Thương vụ trên sẽ giúp Nvidia chiếm lĩnh mảng kinh doanh béo bở: cung cấp chip theo thiết kế của Arm Holdings cho các nhà sản xuất smartphone như Apple. Nó cũng giúp Nvidia trở thành đối thủ đáng gờm hơn đối với Intel khi một số nhà sản xuất chip bắt đầu sử dụng các thiết kế của Arm Holding cho chip máy chủ và máy tính cá nhân. Trong năm nay, Apple tuyên bố sẽ ngừng sử dụng chip của Intel ở máy tính Mac để chuyển sang sử dụng các chip tích hợp hiệu quả hơn dựa trên công nghệ của Arm Holdings.
Patrick Moorhead ở hãng nghiên cứu chip Moor Insights & Strategy, nhận định: “Thương vụ Nvidia-Arm không chỉ là vụ thâu tóm có trị giá trong ngành bán dẫn mà còn là thương vụ tạo ra tác động quan trọng nhất. Tôi cho rằng thương vụ hoàn hảo cho cả hai vì Arm Holdings đang nắm lợi thế những lịch vực mà Nvidia không có hoặc không thành công và ngược lại”.
Trung Quốc sẽ ngáng chặn?
Colette Kress, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính Nvidia, cho biết thương vụ dự kiến mất 18 tháng để hoàn tất vì cần nhiều thời gian để thuyết phục các cơ quan quản lý phê duyệt.
Giới tích nhận định thương vụ sẽ gây ra tác động lớn đối với bức tranh ngành bán dẫn toàn cầu và sẽ đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý bao gồm ở Trung Quốc, Mỹ và Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Thương vụ sẽ làm nóng thêm cuộc chiến trong ngành công nghiệp chip giữa Mỹ và Trung Quốc khi cả hai tìm cách thống trị ngành công nghệ.
Các bản thiết kế chip của Arm Holdings sử dụng cho các bộ chip điều hành là thành phần quan trọng đối với nhiều nhà sản xuất smartphone và các công ty trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không muốn thấy một công ty Mỹ nắm nhiều sức ảnh hưởng trong một ngành công nghiệp có thể giúp Mỹ chiếm ưu thế trong cuộc chiến công nghệ.
Art Dicker, Giám đốc hãng luật R&P China Lawyers, ở Thượng Hải, nói: “Tôi nghĩ Trung Quốc không muốn bất cứ điều gì tạo ra mức độ tập trung hơn trong ngành công nghiệp chip theo hướng có lợi cho một công ty Mỹ”.
Tổng Cục Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc, một trong những cơ quan quản lý trên toàn cầu, sẽ đưa ra quyết định trong thương vụ trên, chưa đưa ra bình luận nào.
Việc Nvidia sở hữu Arm Holdings có thể dẫn đến khả năng Washington hạn chế hoạt động kinh doanh của hãng thiết kế chip này ở Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa Arm Holdings và liên doanh Arm China ở Trung Quốc, cũng đang căng thẳng. Hồi tháng 5, Arm Holdings ra quyết định sa thải Allen Wu, Giám đốc Arm China nhưng ông này không tuân thủ và vẫn tiếp tục giám sát hoạt động kinh doanh của Arm China. Các nhà đầu tư Trung Quốc đang nắm giữa 51% cổ phần tại Arm China.
Thương vụ Nvidia - Arm Holdings càng làm nóng thêm cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, đặc biệt ở lĩnh vực chip bán dẫn. Ảnh: Economist |
Stewart Randall, nhà phân tích ở Công ty tư vấn Intralink, cho rằng thương vụ này sẽ buộc nhiều nhà sản xuất chip Trung Quốc tìm cách phát triển các sự lựa chọn thay thế cho công nghệ của Arm Holdings.
Tuy nhiên, một loạt sự lựa chọn công nghệ mã nguồn hiện nay không đủ sức cạnh tranh với hệ sinh thái đã trưởng thành của Arm Holdings.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn các lời các chuyên gia Trung Quốc nhận định các cơ quan quản lý Trung Quốc có thể ngáng chặn thương vụ này.
Ma Jihua, nhà phân tích ngành viễn thông ở Trung Quốc, nói: “Vụ thâu tóm sẽ tác động đến con đường phát triển ngành công nghiệp chip của Trung Quốc vì hầu hết các sản phẩm công nghệ của nước này đều dựa vào thiết kế của Arm Holdings”.
Các chip Kunpeng, Ascend và Kirin của Huawei đề dựa vào thiết kế của Arm Holdings. Huang Haifeng, nhà quan sát ngành bán dẫn ở Trung Quốc, cảnh báo: “Nếu Mỹ cấm Arm Holdings (sau khi công ty này về tay của Nvidia) hợp tác với Huawei, hoạt động thiết kế chip của Huawei sẽ tạm thời dừng gián đoạn”.
Xiang Ligang, Tổng Giám đốc Liên minh Tiêu thụ thông tin ở Bắc Kinh, cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ xem xét thương vụ này và xác suất tán thành là rất thấp.
Ông nói: “Dù chính phủ Mỹ có đứng sau thương vụ này hay không, tác động của nó đối với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc là điều mà chúng tôi không muốn thấy trong tương lai”.
Anh muốn đặt ra các điều kiện nghiêm ngặt
Các bộ trưởng tại Anh dự kiến sẽ đặt ra các điều kiện nghiêm ngặt cho thương vụ trên bao gồm yêu cầu Nvidia cam kết bảo đảm việc làm và duy trì trụ sở tại Anh.
Các bộ trưởng có thể yêu cầu Cơ quan Quản lý thị trường và cạnh tranh Anh (CMA) xem xét thương vụ này trên nhiều khía cạnh gồm an ninh tài chính, đa nguyên truyền thông, sức khỏe cộng đồng và an ninh quốc gia.
Nếu Bộ trưởng Văn hóa Anh, Oliver Dowden, yêu cầu CMA chính thức can thiệp, thì có thể xuất phát từ lý do an ninh quốc gia vì Arm Holdings là một nhà cung cấp chính cho ngành quốc phòng của Anh.
Ed Miliband, người giữ ghế Bộ trưởng kinh doanh của nội các đối lập ở Anh, cho biết chính phủ Anh phải tìm kiếm các cam kết mang tính ràng buộc pháp lý để bảo đảm Nvidia không chuyển việc làm và quy trình ra quyết định của Arm Holdings sang Mỹ.
Người phát ngôn Thủ tướng Anh, Boris Johnson, nói: “Nếu chúng tôi cảm thấy vụ thâu tóm này có thể gây ra mối đe dọa đối với Anh, chính phủ sẽ không ngần ngại điều tra sâu hơn và có thể đặt ra các điều kiện”.
Trong khi đó, các khách hàng của Arm Holdings lo ngại sau khi hãng này về chung một nhà với Nvidia, mô hình kinh doanh cấp phép mở của Arm Holdings sẽ thay đổi. Arm Holdings không ký các thỏa thuận độc quyền và cách tiếp cận này giúp Samsung, Qualcomn và nhiều công ty công nghệ khác có thể dựa vào vào Arm Holdings như là một nhà cung cấp độc lập. Giờ đây, họ đối mặt với viễn cảnh Nvidia, đối thủ cạnh tranh của họ, sẽ sở hữu Arm Holdings và có thể làm tổn hại danh tiếng “Thụy Sĩ của ngành công nghiệp bán dẫn” của công ty này.
Người đồng sáng lập Arm Holdings, Hermann Hauser, cũng cảnh báo thương vụ thâu tóm Arm Holdings sẽ là một thảm họa vì Nvidia sẽ ‘hủy diệt” mô hình kinh doanh cấp phép mở của Arm Holdings, dẫn đến sự độc quyền. Arm Holdings đang cấp phép sử dụng các bản thiết kế chip cho 500 công ty trên toàn cầu, bao gồm các đối thủ trực tiếp của Nvidia.
Để trấn an các mối lo ngại trên, Nvidia cho biết sẽ tiếp tục giữ trụ sở của Arm Holdings tại Cambridge, Anh đồng thời các bản quyền sáng chế của công ty này vẫn sẽ đăng ký ở Anh. Nvidia cũng cam kết sẽ duy trì mô hình cấp phép mở của Arm Holdings. Giám đốc điều hành Nvidia, Jensen Huang, nói sau khi thâu tóm Arm Holdings, công ty ông sẽ đẩy mạnh đầu tư ở Anh, tuyển dụng thêm nhiều kỹ sư và chi tiêu hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đồng thời mở một trong tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo mới ở Cambridge.
Theo Wall Street Journal, Reuters, Barron’s