Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 15-9 - Ảnh: BNG
Đây là những nội dung trong cuộc điện đàm giữa hai thủ tướng vào chiều ngày 15-9, nhân dịp 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức (23-9-1975 – 23-9-2020).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thủ tướng Merkel và Chính phủ, các đối tác và bạn bè Đức đã tích cực ủng hộ cho việc phát triển quan hệ Việt Nam - EU trong thời gian qua, đặc biệt thúc đẩy ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Ông khẳng định EVFTA và EVIPA mở ra những cơ hội và triển vọng hợp tác to lớn giữa hai bên, nhất là góp phần hỗ trợ tăng trưởng sau đại dịch, đưa hai bên tiếp tục là đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu của nhau.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị chính phủ Đức khuyến khích doanh nghiệp Đức mở rộng hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực thế mạnh và ưu tiên như công nghiệp chế tạo máy, công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng thông minh, năng lượng tái tạo, dạy nghề, hợp tác lao động…
Ông khẳng định Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư Đức để cùng tranh thủ những cơ hội mở ra khi các chuỗi cung ứng - đầu tư khu vực đang có nhiều chuyển dịch hiện nay.
Trong hợp tác đa phương, Việt Nam và Đức đều đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên ở các diễn đàn và tổ chức quốc tế, đặc biệt Liên Hiệp Quốc. Hiện Việt Nam và Đức đều là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Thủ tướng Angela Merkel đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong định hình trật tự thế giới của thế kỷ 21.
Bà khẳng định trong thời gian tới, Đức sẽ can dự tích cực hơn tại khu vực và mong muốn Việt Nam phát huy vai trò là cầu nối gắn kết Đức với khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong khi đó cũng đánh giá cao việc Đức mới đây đưa ra Định hướng chiến lược đối với khu vực, hoan ngênh vai trò tích cực, xây dựng của Đức tại đây, trên cơ sở ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và thúc đẩy hợp tác, duy trì trật tự dựa trên luật lệ.
Hai thủ tướng cũng trao đổi, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 tại Biển Đông và cùng nỗ lực bảo đảm hòa bình, ổn định và an toàn, an ninh, tự do hàng hải và hàng không tại khu vực.
TTO - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Niels Annen ngày 23-7 nhất trí sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), tạo khuôn khổ pháp lý khuyến khích hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực tiềm năng.