Dù hạ mức dự báo tăng trưởng nhưng ngân hàng này vẫn đưa ra những nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam vì là số ít quốc gia có kinh tế tăng trưởng dương của châu Á.
Theo báo cáo của ADB, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nên tiêu dùng nội địa dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp. Mặc dù doanh số bán lẻ có phục hồi trong tháng 7 và lạm phát duy trì ở mức thấp, tiêu dùng sẽ bị kìm hãm bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm.
Do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nên tình hình xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn - Ảnh minh họa |
Lĩnh vực nông nghiệp không chỉ bị ảnh hưởng do thời tiết khắc nghiệt mà tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu bên ngoài và nội địa đều yếu. Lĩnh vực công nghiệp chế biến thì bị kìm hãm do xuất khẩu yếu, hạn chế đi lại, lượng cầu nội địa giảm do mất thu nhập và việc làm. Riêng mặt hàng xuất khẩu là điện thoại, linh kiện điện thoại, hàng điện tử… là những mặt hàng chiếm từ 16-18% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu mặt hàng này giảm 5% so với cùng kỳ. Thu nhập giảm và hạn chế đi lại sẽ cản trở sự phục hồi của ngành du lịch nội địa và quốc tế.
Hoạt động cho vay của ngành ngân hàng tiếp tục yếu mặc dù đã có nhiều biện pháp hỗ trợ. Nguyên nhân là do các ngân hàng không muốn nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay để chấp nhận bảng cân đối kế toán yếu hơn của doanh nghiệp do lo ngại nợ xấu gia tăng.
Tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tiếp tục tăng. Một nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á dự đoán rằng 548.000 người lao động trẻ của Việt Nam sẽ mất việc làm nếu đại dịch kéo dài và con số này là 370.000 ngay cả khi đại dịch được kiềm chế hiệu quả.
Từ đó dẫn đến kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm mạnh từ 3,7% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2020 xuống 0,4% trong quý II, kéo tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 xuống còn 1,8%, mức thấp nhất kể từ 2011.
Tuy nhiên theo ADB, việc đẩy nhanh đầu tư công trong sáu tháng cuối năm 2020 sẽ bù đắp cho những điểm yếu và khó khăn kể trên. Sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kinh tế Trung Quốc phục hồi và hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu đi vào thực hiện để tự do hóa thương mại. Từ đó dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ bật tăng lên mức 6,3% trong năm 2021.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, nhận định: "Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh".
“Tóm lại triển vọng kinh tế Việt Nam thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy giảm trong nước đang cho thấy xấu hơn dự kiến. Tuy nhiên, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác, và triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực. Các nền tảng kinh tế vẫn chưa bị suy giảm, và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay” – người đứng đầu ADB tại Việt Nam nói.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.5097141a-8-1-noc-man-teiv-et-hnik-gnourt-gnat-oab-ud-ah-bda/nv.moc.enilnounuhp.www