SBFIC là thành viên của Tập đoàn tài chính các ngân hàng tiết kiệm Đức, được thành lập năm 2012 và là tổ chức phi lợi nhuận. Tập đoàn tài chính các ngân hàng tiết kiệm Đức là một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới, được thành lập cách đây khoảng 200 năm với mục tiêu xóa đói giảm nghèo và tạo ra các dịch vụ tài chính cho các tầng lớp dân cư tại mọi vùng miền ở Đức, hoạt động dưới hình thức phi tập trung. Đặc điểm cơ bản của các ngân hàng tiết kiệm là thực hiện nhiệm vụ công và trách nhiệm xã hội thông qua hỗ trợ huy động tiết kiệm và phát triển kinh tế địa phương. Hoạt động của SBFIC tập trung thực hiện các dự án hợp tác tại các nước đang phát triển và mới nổi.
Đến nay, SBFIC đã thực hiện thành công hàng trăm dự án tại gần 100 quốc gia trên thế giới với 6 hoạt động ưu tiên gồm: (i) Phát triển năng lực; (ii) Hiểu biết tài chính; (iii) Tài chính doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; (iv) Xây dựng thể chế; (v) Tài chính nông thôn; và (vi) Tài chính xanh. Đặc biệt, SBFIC phát triển “Trò chơi kinh doanh mô phỏng (Business Simulation)” – là thương hiệu quốc tế cho hoạt động đào tạo, tương tác sáng tạo – cho 7 chủ đề/đối tượng mục tiêu gồm: Vi mô, Tiết kiệm, Quản lý ngân hàng, Quản lý rủi ro chiến lược, Phát triển thị trường, Quản lý tổ chức tài chính vi mô, Nông dân. Việt Nam, bên cạnh Lào và Myanmar, là quốc gia nằm trong Dự án khu vực Đông Dương cũ và Myanmar của SBFIC từ năm 2009, tập trung vào các hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp vi mô và nhỏ để tạo ra mạng lưới các tổ chức tài chính vi mô nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện dài hạn và bền vững tại các quốc gia này. Tại Việt Nam, SBFIC hợp tác với Hội Liên hiệp phụ nữ, Tổ chức tài chính vi mô tình thương (TYM), Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế và Trung tâm đào tạo tài chính vi mô trong việc: (i) đào tạo chuyên môn cho TYM và giúp TYM trở thành tổ chức tài chính vi mô đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam; (ii) hỗ trợ Hội Liên hiệp phụ nữ tăng cường năng lực thực hiện các dự án tài chính vi mô, trong đó bao gồm việc hợp nhất Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế với TYM; thành lập Trung tâm tài chính vi mô tại Học viện Phụ nữ Việt Nam; và thành lập Quỹ Bảo hiểm vi mô thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ. Thực tiễn mô hình đào tạo trò chơi kinh doanh mô phỏng đã được SBFIC và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và TYM triển khai trong nhiều năm, qua đó đã hình thành một đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản và tiếp tục thực hiện đào tạo lại tới các thành viên của Hội và TYM, mang lại những kết quả đáng kể trong việc nâng cao kiến thức tài chính cho hội viên, giúp họ sử dụng các khoản vốn vay và quản lý tài chính trong cuộc sống hiệu quả hơn.
Hình ảnh hoạt động tại Hà Nội
Trò chơi tiết kiệm là một trong các mô hình trò chơi kinh doanh mô phỏng do SBFIC phát triển với mục tiêu giúp cho người học – nhất là những đối tượng yếu thế, chưa hoặc ít được tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính – nắm được một số kiến thức tài chính cơ bản, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc lập ngân sách và tiết kiệm cho gia đình cũng như chức năng của hệ thống tài chính, qua đó giúp họ biết cách xây dựng, quản lý, sử dụng ngân sách gia đình – cá nhân, nắm bắt được các rủi ro tiềm ẩn và tích lũy tiết kiệm hiệu quả với định hướng tạo dựng thói quen tích lũy tiết kiệm để chủ động quản lý và ứng phó với rủi ro tiềm ẩn qua từng giai đoạn của cuộc sống. Theo đó, người học có thể vận dụng các kiến thức thu được để đưa ra các quyết định tài chính nhằm giảm thiểu rủi ro khi đối diện với các nhu cầu về tài chính cấp bách, đồng thời biết tính toán cách thức sử dụng vốn trong kinh doanh và huy động các nguồn lực tài chính một cách hợp lý nhất, tránh việc phải đi vay nặng lãi, đẩy hộ gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Trong tháng 8/2019 và tháng 01/2020, chuyên gia của SBFIC đã trực tiếp đào tạo 40 giảng viên của Học viện Ngân hàng và Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh. Sau khi được chuyển giao chương trình đào tạo, đến nay, các giảng viên của hai Trường đã thực hiện được 16 lớp đào tạo cho hơn 470 học viên gồm học sinh phổ thông, sinh viên, thanh niên nông thôn, xã viên hợp tác xã, cán bộ và công nhân công ty tại Hà Nội, Phú Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình và Bình Dương. Chương trình đào tạo nhận được phản hồi tích cực của giảng viên và học viên, trong đó đánh giá nội dung chương trình phù hợp, dễ hiểu, có ý nghĩa, lớp học được tổ chức hiệu quả, giúp học viên nâng cao kiến thức tài chính cho bản thân cũng như ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, Lãnh đạo và giảng viên của Học viện Ngân hàng cũng cho biết đây là một trong những mô hình đào tạo, giáo dục tài chính hay nhất trong số các chương trình mà họ đã thực hiện. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của chương trình đào tạo của SBFIC, Học viện Ngân hàng đã đề xuất NHNN và SBFIC tiếp tục hỗ trợ thực hiện thêm các lớp đào tạo Saving Games và chuyển giao kiến thức về các mô hình giáo dục tài chính khác do SBFIC phát triển, trong đó có tài chính vi mô như “Trò chơi Kinh doanh vi mô” để mở rộng đối tượng đào tạo như khách hàng tiềm năng của chương trình, dự án và tổ chức tài chính vi mô, người lao động tại doanh nghiệp, các hộ gia đình tự kinh doanh/kinh doanh nhỏ, v.v.
Hình ảnh hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh
Theo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược), hiện chỉ có khoảng 13,45% người trưởng thành tại Việt Nam cho biết được giáo dục về tài chính như quản lý chi tiêu cá nhân, lập kế hoạch thu chi, tiết kiệm, quản lý các khoản vay tại các trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học hoặc trường đào tạo nghề (dựa trên Khảo sát tiếp cận dịch vụ tài chính cá nhân 2019 do NHNN và Tổng Cục thống kê phối hợp thực hiện); bên cạnh đó, nhiều khảo sát của các tổ chức quốc tế như Standard & Poor, Master Card, OECD và ADBI cũng cho thấy hiểu biết về tài chính của Việt Nam ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Hạn chế về hiểu biết tài chính khiến người dân e ngại sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức, thậm chí còn bị rơi vào bẫy cho vay nặng lãi, hoặc tham gia vào các hoạt động huy động vốn bất hợp pháp. Sự đổ vỡ của các hoạt động này thường để lại hậu quả nặng nề đối với những người tham gia, cũng như gây bất ổn xã hội tại địa phương. Điều này cho thấy tầm quan trọng và trách nhiệm của của hệ thống giáo dục cũng như các tổ chức, cơ quan, đoàn thể trong việc quan tâm và chú trọng hơn nữa đến giáo dục tài chính, đặc biệt là giáo dục cho các đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế, người nghèo, thu nhập thấp, v.v.
Hình ảnh một số hoạt động tại Phú Yên
Trong thời gian trước mắt, Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện các lớp đào tạo mô hình Trò chơi tiết kiệm như đã thỏa thuận tại Bản ghi nhớ và SBFIC sẽ hỗ trợ Học viện Ngân hàng tổ chức thêm 15 lớp trong thời gian từ nay đến hết tháng 4/2021 là thời hạn của Bản ghi nhớ. Qua thành công bước đầu của hoạt động hợp tác nói trên, NHNN nhận thấy việc huy động nguồn lực và hợp tác với các tổ chức quốc tế là cần thiết, qua đó giúp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, thông lệ quốc tế tốt cũng như được chuyển giao kiến thức nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu và giải pháp về giáo dục tài chính đề ra tại Chiến lược. Bên cạnh đó, việc triển khai các hoạt động hợp tác như vậy cũng sẽ tạo cơ hội cho các tổ chức, cơ sở đào tạo mở rộng hoạt động, góp phần hỗ trợ Chính phủ và NHNN truyền tải thông điệp, lan toả ý nghĩa của việc nâng cao kiến thức tài chính cho người dân.
HTQT
Ảnh tổng hợp
Xem thêm: 148314VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www