Tại Tờ trình số 9771 của Sở GTVT TP.HCM về phương án giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn), các đơn vị sở, ngành TP thống nhất đề xuất thời điểm bắt đầu thu phí dự kiến từ ngày 1-11 tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chủ đầu tư phải hoàn thành xong dự án, phải trải qua bước kiểm toán thì mới được đưa vào thu phí.
Dự án chưa xong đã thu phí?
Theo ghi nhận của PV, xa lộ Hà Nội là đoạn đường có mật độ xe cao, thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm. Đặc biệt, tình trạng xe container, xe tải xếp hàng dài chờ đợi dưới chân cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Bình Thái (đoạn qua trạm BOT xa lộ Hà Nội) khiến xe máy phải leo lên lề, gây mất an toàn giao thông.
“Xa lộ Hà Nội là trục chính dẫn về các quận khu đông TP nên lượng xe rất đông, chứng kiến nhiều vụ tai nạn giữa xe container và xe máy khiến tôi thót tim. Việc mở rộng trục đường này là rất cần thiết và chúng tôi mong muốn dự án mau chóng hoàn thành để đảm bảo an toàn cho người đi đường” - chị Minh Hằng (quận Thủ Đức) chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV, toàn bộ dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - CII làm chủ đầu tư) đã hoàn thành 75,62% khối lượng so với thiết kế.
Cụ thể, đoạn qua địa bàn TP.HCM, trên trục đường song hành trái (quận 2, quận Thủ Đức) mới hoàn thành 73%, do metro số 1 chưa bàn giao mặt bằng. Dự kiến đoạn này hoàn thành vào tháng 3-2021.
Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương, trên trục chính xa lộ Hà Nội (quốc lộ 1) đã xuống cấp nên CII thi công nâng cấp mặt đường chính theo đúng thiết kế được duyệt nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Riêng trục đường song hành hai bên chưa được giao mặt bằng để thi công (mới chỉ nhận mặt bằng khu vực phía trước Bến xe Miền Đông mới nhưng nhiều phạm vi trùng lặp với dự án xây dựng cầu vượt trước bến xe). Dự kiến đoạn này sẽ hoàn thành vào tháng 12-2022.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc ban điều hành dự án xa lộ Hà Nội, cho hay: Dự án trải dài qua nhiều địa bàn, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, đến nay vẫn chưa xong. Đặc biệt, tuyến đường sắt metro số 1 chạy song song với trục xa lộ Hà Nội, mặt bằng thi công bị trùng lặp mặt bằng đường song hành trái quận 9 và quận Thủ Đức nên phải nhường mặt bằng cho tuyến này làm trước, tránh lãng phí.
Về lý do thu phí trước khi dự án hoàn thành, Sở GTVT TP.HCM cho rằng dù chưa được thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ nhưng CII đã phải ứng vốn thực hiện công tác quản lý và duy tu, bảo dưỡng thường xuyên phần mặt đường, chiếu sáng công cộng, chăm sóc bảo dưỡng cây xanh.
Đồng thời, công ty này cũng phát sinh tăng thêm chi phí lãi vay, chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu... do kéo dài thời gian bắt đầu thu. Tình trạng này nếu tiếp diễn sẽ dẫn đến công ty khó có khả năng hoàn vốn dự án, cũng như khó tiếp tục thực hiện phần còn lại của dự án.
BOT xa lộ Hà Nội được Sở GTVT và chủ đầu tư đề xuất thu phí từ 1-11-2020. Ảnh: LINH PHƯƠNG
Phải qua bước kiểm toán mới được thu phí
Ông Dương Tiến Thự, Giám đốc HTX xe vận tải du lịch taxi 27/7, nhận định: BOT là tên viết tắt của từ Build - Operate - Transfer, nghĩa là xây dựng - vận hành - chuyển giao. Dự án BOT là hình thức hợp tác giữa cơ quan nhà nước và công ty tư nhân. Cụ thể, thông qua hình thức đấu thầu, công ty trúng thầu sẽ bỏ nguồn vốn để xây dựng trước, sau đó được vận hành và khai thác một thời gian nhất định, hết thời gian khai thác sẽ chuyển giao lại cho cơ quan nhà nước.
Ông Thự cho rằng khi chưa có sự hoàn chỉnh theo luật định, nhà đầu tư thu phí sẽ khó nhận được sự đồng thuận của người dân, cá nhân, các tổ chức, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ giao thông đường bộ.
Đồng tình, ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, đánh giá: Đã là dự án BOT thì bằng mọi lý do chủ đầu tư phải hoàn thành xong, phải trải qua bước kiểm toán thì mới được đưa vào thu phí. Đồng thời, chủ đầu tư phải dựa trên cơ sở giá thành kiểm toán của cơ quan chức năng đủ thẩm quyền mới xác định được thời gian và giá dịch vụ cụ thể.
“Trong khi dự án vẫn chưa hoàn thành toàn bộ, chưa được quyết toán giá thì không thể thu phí giữa chừng. Việc thu phí dựa trên dự toán của chủ đầu tư cũng chưa đủ căn cứ để chứng minh cho số vốn đầu tư xây dựng dự án đó. Nếu chỉ dựa trên dự toán thôi sẽ dễ dẫn đến tiêu cực, nên hiện nay chưa thể đưa ra con số thu phí phù hợp được” - ông Tính phân tích.
Ông Tính cũng cho rằng trong thời điểm dịch COVID-19 và những khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vận tải nói riêng, cơ quan nhà nước cần tính toán lại phương án này và nên đặt lợi ích của các doanh nghiệp bình đẳng với nhau.
Mức thu đề xuất tối đa 30.000 - 170.000 đồng/lượt Theo Sở GTVT, từ khi trục đường chính của dự án xa lộ Hà Nội hoàn thành và đưa vào sử dụng đến nay đã phát huy hiệu quả trong việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực. Sở GTVT đề xuất mức thu của BOT xa lộ Hà Nội tối đa 30.000-170.000 đồng/lượt tùy theo loại xe. Mức thu vé tháng bằng 30 lần mức vé lượt; mức thu vé quý bằng ba lần mức vé tháng và chiết khấu 10%. Đồng thời, Sở GTVT đề xuất 11 trường hợp được miễn phí dịch vụ đường bộ như xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, xe chuyên dùng phục vụ an ninh… Ngoài ra, sở này cũng đề xuất miễn phí 100% cho xe buýt theo tuyến cố định của TP.HCM có lộ trình đi qua trạm. |