vĐồng tin tức tài chính 365

DOANH NGHIỆP, NGƯỜI LAO ĐỘNG "ĐUỐI" SAU COVID-19 (*): Tiếp sức cho doanh nghiệp

2020-09-16 07:47

Theo Cục Quản lý Kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), 8 tháng của năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, cả nước có đến 68.856 doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường. Với số liệu trên, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhìn nhận dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế, gần như tất cả lĩnh vực, ngành nghề đều chịu ảnh hưởng nặng.

Chưa thể tự "cứu"

Ông Thành cho rằng việc Chính phủ ban hành gói hỗ trợ lần 1 tương đối kịp thời, nhiều chính sách hồi phục kinh tế và giải pháp đi kèm đã được ban hành. Tuy nhiên, do việc giải ngân các gói hỗ trợ tài chính còn quá chậm nên rất khó "cứu" DN. Thực tế, nhiều DN rất nỗ lực cắt giảm chi phí, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, sản phẩm, mô hình kinh doanh, nỗ lực tiếp cận thị trường mới nhưng do thiếu dòng tiền thu chi nên chưa thể tự mình vượt qua khó khăn. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục thực thi có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ của giai đoạn 1 và có một số biện pháp hỗ trợ bổ sung. Hiện Bộ KH-ĐT được giao chủ trì xây dựng gói hỗ trợ lần 2.

Chuyên gia kinh tế Cao Viết Sinh lo ngại khả năng tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm ở mức dương là khá khó khăn. Do vậy, chính sách hỗ trợ kinh tế lần 2 phải bảo đảm định hướng giúp DN, nền kinh tế cầm cự để sẵn sàng hồi phục trong giai đoạn hậu Covid-19. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ người dân, kích thích tiêu dùng, giảm thiểu giải thể, phá sản DN… bằng các chính sách vốn, tín dụng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhìn nhận đại dịch Covid-19 đã gây ra khủng hoảng ở cả hai phía cung và cầu. Trong đó, mâu thuẫn nằm ở chỗ nhu cầu tiêu dùng ở một số lĩnh vực giảm sút nhưng nguồn cung một số mặt hàng có nhu cầu cao lại bị đứt gãy. Vì thế, khi nghiên cứu các gói giải cứu nền kinh tế, Chính phủ cần cân đối giải pháp tác động tới cả cung và cầu. "Giảm thuế GTGT thay vì chỉ gia hạn nộp sẽ là một trong những giải pháp quan trọng tác động lên cả hai phía cung - cầu, bởi giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, phục hồi được tiêu dùng để từ đó kích thích trở lại hoạt động sản xuất" - ông Vũ Đình Ánh kiến giải.

DOANH NGHIỆP, NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐUỐI SAU COVID-19 (*): Tiếp sức cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các giải pháp hỗ trợ sắp tới cần tác động tới cả cung và cầu để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Ảnh: PHƯƠNG AN

Hỗ trợ theo 4 nhóm nhiệm vụ

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho biết Bộ Công Thương đã chuyển đến Bộ KH-ĐT một số kiến nghị về chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN trong bối cảnh dịch Covid-19 lần thứ 2 bùng phát. Bộ KH-ĐT sẽ sớm tổng hợp ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ xem xét.

"Trong đợt dịch lần 1, chúng tôi tập trung kiến nghị các giải pháp kích thích tiêu dùng và tăng chi tiêu Chính phủ để cố gắng duy trì hoạt động sản xuất cũng như giúp nền kinh tế không bị gián đoạn vận hành quá lâu. Lần này, chúng tôi đề nghị hỗ trợ trực tiếp cho nhóm DN phân phối, bởi nhóm này dường như chưa được quan tâm đúng mức trong khi họ đã làm rất tốt nhiệm vụ bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung, tăng dự trữ thiết yếu" - ông Đông nói.

Cụ thể, theo ông Trần Duy Đông, đó là hỗ trợ tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư hoạt động thương mại đa kênh bán hàng của DN, HTX và các hộ kinh doanh, tiểu thương trong các chợ. Đồng thời, hỗ trợ chi phí hoạt động của các điểm bán hàng dã chiến, lưu động tại khu vực cách ly, phí dịch vụ điện thoại, internet; chi phí phát sóng đối với hoạt động bán hàng đa kênh: qua điện thoại, "đi chợ hộ", bán hàng qua mạng, TiviShopping; miễn thuế GTGT đối với hàng hóa phục vụ khu cách ly. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ - ngành cũng cần tổ chức các chương trình truyền thông hỗ trợ các địa phương, DN, HTX, hộ kinh doanh sản xuất hàng hóa gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu; chương trình kích cầu tiêu dùng cuối tuần trong các hệ thống phân phối. "Thời gian hỗ trợ chính sách này nên kéo dài 12 tháng để DN có đủ lực duy trì hoạt động và phục hồi" - ông Đông nhấn mạnh.

Tại TP HCM, trong nỗ lực thực hiện mục tiêu "kép" của Chính phủ, chính quyền TP HCM đang tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ DN. Trong đó, tập trung triển khai 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Tập trung hỗ trợ DN duy trì sản xuất - kinh doanh trong điều kiện bảo đảm an toàn; hỗ trợ chi phí sản xuất - kinh doanh cho DN; hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ DN phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch Covid-19. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cam kết TP sẽ tạo những điều kiện thuận lợi để các DN tham gia hiệu quả chương trình kích cầu đầu tư cũng như gói hỗ trợ DN thứ hai (đang chuẩn bị ban hành) để DN ổn định sản xuất - kinh doanh và tiếp tục phát triển sau dịch bệnh.

Huy động 70.000 - 90.000 tỉ đồng cho gói hỗ trợ lần 2

Tổng hợp báo cáo từ các bộ - ngành, Bộ KH-ĐT cho biết khả năng huy động tổng mức hỗ trợ lần 2 khoảng 70.000 - 90.000 tỉ đồng. Trong đó, nguồn còn lại của các chính sách, giải pháp hỗ trợ lần 1 khoảng 45.000 tỉ đồng, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước khoảng 25.000 - 27.000 tỉ đồng. Nhiều chính sách có thể được nghiên cứu gia hạn đến năm 2021 thay vì kết thúc vào tháng 12-2020, đặc biệt là gia hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập DN.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch

UBND TP HCM vừa giao Sở KH-ĐT khẩn trương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung đề xuất, kiến nghị của Sở Du lịch về hỗ trợ DN ngành du lịch giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

Hiện Sở Du lịch cũng đã gửi công văn đề nghị Cục Thuế TP cung cấp thông tin về các DN kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn đang hoạt động và ngưng hoạt động từ đầu năm đến nay để có cơ sở thực hiện chính sách. Sở Du lịch cũng đang làm việc với Hiệp hội Du lịch TP về kế hoạch triển khai các gói sản phẩm chương trình kích cầu du lịch nội địa TP từ nay đến cuối năm 2020.

T.Phương

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-9

Kỳ tới: Công nhân mất việc gia tăng

Xem thêm: mth.82955831251900202-peihgn-hnaod-ohc-cus-peit-91-divoc-uas-ioud-gnod-oal-iougn-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“DOANH NGHIỆP, NGƯỜI LAO ĐỘNG "ĐUỐI" SAU COVID-19 (*): Tiếp sức cho doanh nghiệp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools