"Viêm xoang trẻ em ngày càng phổ biến và khi mạn tính nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm", PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, cho biết.
Tưởng đau mắt nào ngờ viêm xoang
Bé N.V.M. (7 tuổi, Hà Nội) thường xuyên sưng và đau mắt, gia đình cho đi khám chữa trị nhiều lần nhưng bệnh liên tục tái diễn.
Lần này bé bị sốt cao 39 - 400C, người mệt mỏi, ăn kém, mắt trái bị sưng tấy, mắt dần lồi ra phía trước. Gia đình đưa bé tới bệnh viện, trích áp xe mắt đỡ sưng nhưng 10 ngày sau mắt lại sưng hơn. Các bác sĩ cho bé chụp CT chẩn đoán viêm đa xoang mạn tính có biến chứng mắt, thị lực giảm nghiêm trọng phải phẫu thuật.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh cho biết việc chẩn đoán viêm xoang ở trẻ gặp nhiều khó khăn, do các biểu hiện không điển hình và nguyên nhân khá phức tạp.
Hơn nữa những dấu hiệu của bệnh viêm xoang không khác nhiều so với các bệnh về đường hô hấp. Trong khi đó, mỗi năm trẻ thường bị viêm đường hô hấp từ 6 -7 lần. Do đó, việc phân biệt được viêm xoang ở trẻ với một nhiễm khuẩn đường hô hấp là không dễ.
Biểu hiện của bệnh viêm xoang của trẻ cũng tương tự như những bệnh lý về đường hô hấp khác: ho, hơi thở hôi, trẻ ốm yếu, kém hiếu động, ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi... Do vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu đau đầu, ngạt tắc mũi cha mẹ không nên chủ quan mà cần đưa trẻ tới bác sĩ.
Đặc biệt khi trẻ có những dấu hiệu trên kèm theo các biểu hiện về mắt như sưng mắt, đau hốc mắt và giảm thị lực thì nên đi khám ngay. Nếu mắt mờ đi, có thể đã bị áp xe hốc mắt phải cấp cứu ngay.
Qua theo dõi gần 200 bệnh nhi từ 2-16 tuổi nhập viện Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương với chẩn đoán là viêm xoang mạn tính có triệu chứng lâm sàng là: 54% trẻ đau đầu, 78,2% ngạt tắc mũi, chảy nước mũi 88,6%, hắt hơi 81,9% và ho 82,2%...
Biến chứng nguy hiểm
Theo số liệu điều tra tại Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, tỉ lệ viêm xoang ở trẻ chiếm 1,7%. Bệnh này nguy hiểm ở chỗ nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt biến chứng ở mắt, nhẹ là viêm thần kinh thị giác, nặng hơn là mù, thậm chí gây áp xe não.
"Nguy cơ biến chứng mắt chiếm tỉ lệ 75 - 85% trong số các biến chứng do bệnh lý xoang mặt gây nên", bác sĩ Dinh cho biết.
Qua nghiên cứu ở 181 trẻ em nhập viện điều trị viêm xoang ở bệnh viện, các chuyên gia nhận thấy tỉ lệ biến chứng mắt do viêm xoang ở trẻ là trên 2,7% bệnh nhi với triệu chứng lâm sàng tắc mũi, chảy mũi, hắt hơi, ho và sưng mắt có thị lực giảm. Số em bị viêm mắt là 40%, viêm thị thần kinh sau nhãn cầu là 60%.
Bác sĩ Dinh cảnh báo trẻ bị viêm xoang dễ bị biến chứng về mắt hơn người lớn khi bị viêm xoang là do cấu trúc xương ở trẻ em xốp hơn người lớn, các lỗ mạch máu nhiều hơn, tần suất nhiễm khuẩn đường hô hấp cũng nhiều hơn, gây phù nề niêm mạc xoang dẫn tới bít tắc các lỗ thông tự nhiên, tình trạng thiếu oxy xuất hiện dẫn tới phù nề lại càng tăng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Hơn nữa các lỗ thông tự nhiên ở mũi trẻ em thường rộng hơn người lớn, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm khuẩn từ mũi vào xoang nhanh hơn ở người lớn.
Khi trẻ bị viêm xoang, kèm theo các biểu hiện thâm quầng ở quanh ổ mắt, hốc mắt bị sưng, giảm thị lực, hãy thận trọng vì trẻ đã bị biến chứng vùng mắt.
- Tham khảo thêm
Viêm hốc mắt do viêm xoang biểu hiện: mắt và tổ chức xung quanh hốc mắt bị nhiễm khuẩn, viêm xương, viêm dây thần kinh thị giác, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, hình thành u nang nhầy Mucocele làm thành xương bị ăn mòn mỏng và viêm đáy mắt.
Biểu hiện ở mắt là: viêm phù nề kết mạc, viêm mô tế bào hốc mắt (viêm tổ chức liên kết), áp xe dưới cốt mạc, áp xe hốc mắt và viêm tắc tĩnh mạch xoang hang. Nguyên nhân gây bệnh 75% là các vi khuẩn ái khí và yếm khí, còn lại là do nấm và dị ứng.
Biểu hiện của áp xe hốc mắt do viêm xoang là mắt vì viêm và phù nề dữ dội làm mắt bị đẩy lồi ra phía trước, nhãn cầu bị hạn chế vận động, bị mù hoàn toàn nếu thiếu máu cục bộ kéo dài trong 90 phút. Sự biến dạng nhãn cầu gây tổn thương thần kinh thị giác do đó phẫu thuật áp xe mắt được coi là một phẫu thuật cấp cứu.
Phòng bệnh viêm xoang
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh, để phòng viêm xoang, cha mẹ cần phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cho trẻ bằng việc mặc ấm cho trẻ vào ngày lạnh, cho trẻ sống trong môi trường sạch sẽ, tránh bụi, khói, đặc biệt khói thuốc lá.
Trẻ cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường trái cây, rau xanh và tập luyện thể dục để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Khi trẻ bị viêm xoang, nếu được dùng kháng sinh sớm và hợp lý, biến chứng của viêm xoang giảm đi nhiều. Trẻ phải điều trị kháng sinh theo sự chỉ dẫn chặt chẽ của bác sĩ, không nên tùy tiện tránh gây những biến chứng nguy hiểm.
Bà Dinh cũng lưu ý các bà mẹ cần chú trọng chăm sóc sức khỏe tốt cho trẻ, vì trong thời gian gần đây bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em có tần suất ngày càng tăng và có khuynh hướng phát triển thành bệnh viêm xoang mạn tính. Nếu trẻ có sức đề kháng yếu, dễ bị bệnh về đường hô hấp, khi đó nguy cơ bị viêm xoang càng cao.
Tình trạng ô nhiễm khiến tỉ lệ mắc viêm mũi dị ứng ngày càng tăng, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm xoang cấp, viêm tai giữa…