Sóng đầu tư ấn tượng liên tục đổ dồn về Hải Hà
Những năm qua, Hải Hà liên tiếp đón các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Hiện đã có 12 dự án thứ cấp (vốn FDI) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 21.000 tỷ đồng.
Tháng 5/2020, Tập đoàn Texhong đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà máy Dệt kim có tổng vốn đầu tư lên tới 214 triệu USD, thuộc Khu công nghiệp (KCN) Texhong có quy mô hàng đầu Việt Nam. Giai đoạn 1, tại đây đã thu hút dự án phát triển hạ tầng KCN với số vốn 215 triệu USD, 11 dự án thứ cấp với tổng vốn đăng ký gần 900 triệu USD, tổng diện tích đưa vào khai thác lên đến 660 ha.
Tiếp theo, Bến Thành Holdings đã đề xuất đầu tư hai siêu dự án tại Hải Hà, với tổng mức đầu tư lên tới 2,5 tỷ USD. Nguồn vốn tỷ đô sẽ nâng tầm đảo Cái Chiên trở thành một khu du lịch nghỉ dưỡng hoành tráng với sân golf 18 lỗ đẳng cấp cùng các dịch vụ 5 sao, sánh ngang các điểm đến trong khu vực. Bên cạnh đó là Khu công nghiệp dịch vụ logistic, công nghệ cao và cảng biển Hải Hà với quy mô 4.988 ha, dự kiến triển khai trong 2,5 năm, góp phần nâng cao lợi thế, cơ hội thu hút đầu tư trong khu vực.
Sau Texhong và Bến Thành Holdings phải kể đến sự góp mặt của Sovico Holdings – tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam, chủ sở hữu Vietjet Air, HD Bank và chuỗi bất động sản nghỉ dưỡng Furama Resort cùng nhiều dự án nổi tiếng khắp cả nước. Được biết tập đoàn này sẽ đầu tư các dự án khu đô thị đồng bộ hạ tầng, tiện ích hiện đại, được xây dựng tại các vị trí giao thương chiến lược, sẽ mang lại màu sắc tươi mới, sự năng động và thịnh vượng cho người dân địa phương, kịp thời đáp ứng nhu cầu nhà ở dành cho chuyên gia khu công nghiệp.
Đi tìm lời giải cho sức hút kỳ diệu của Hải Hà
Không khó để lý giải cho sức hút đầu tư của Hải Hà khi huyện là một trong những khu vực có vị trí quan trọng trên hành lang kinh tế phía Đông: Cẩm Phả - Vân Đồn – Tiên Yên – Đầm Hà – Hải Hà – Móng Cái trong định hướng phát triển "Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều - Hai mũi đột phá" của tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời, với những tiềm năng và lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, Hải Hà chủ động định vị phát triển công nghiệp, kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Theo đó, huyện đã xây dựng những cơ chế, chính sách thông thoáng, năng động, cởi mở, đồng thời chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao: quần thể vui chơi, giải trí, trung tâm thể thao và nhà ở thương mại, trường dạy nghề, trung tâm y tế, các khu đô thị cùng hàng loạt hệ thống tiện ích đẳng cấp khác.
Hải Hà chú trọng cơ sở hạ tầng để chuẩn bị trở thành đô thị loại 1 khi sáp nhập vào Móng Cái
Sắp tới, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hoàn thành, hạ tầng giao thông của Hải Hà sẽ được nâng lên một tầm cao mới khi có tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam đi qua. Huyện có cửa khẩu Bắc Phong Sinh là đầu mối thông thương quan trọng của Hải Hà và vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Đồng thời, cảng biển nước sâu Hải Hà có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 150.000 tấn, là thế mạnh riêng có của huyện để khai thác và phát triển.
Trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, Hải Hà cùng với Móng Cái được Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm mô hình kinh tế ban đêm, là đòn bẩy mạnh mẽ cho du lịch và kinh tế của huyện. Những con phố đi bộ rực rỡ sắc màu với nhiều hoạt động vui chơi giải trí, ăn uống, lễ hội, đảo Cái Chiên với những dịch vụ vui chơi giải trí ngày đêm sẽ giúp Hải Hà nổi bật hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam…
Với tiềm năng sẵn có cùng sự chủ động trong xây dựng cơ chế chính sách, Hải Hà được Trung ương đồng ý cho ban hành nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, các chính sách hỗ trợ về thuế sử dụng đất, giải phóng mặt bằng... Chính bởi vậy, Hải Hà hôm nay đang vươn mình trỗi dậy, sẵn sàng cất cánh với làn sóng đầu tư chất lượng cao./.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.27794318151900202-hnac-tac-hnim-nouv-gnad-ohn-uht-hnin-gnauq-ah-iah/nv.zibefac