Việc chia sẻ thông tin vô tội vạ trên mạng xã hội là một trong những nguyên nhân khiến bạn dễ bị mất tài khoản, tiền bạc... và gặp nhiều rắc rối không đáng có.
Dưới đây là 8 điều mà bạn đừng bao giờ chia sẻ trên Facebook và các mạng xã hội khác:
- Địa chỉ nhà riêng hoặc trường học: Nếu biết được thông tin này, kẻ trộm hoặc những thành phần xấu có thể dễ dàng xác định vị trí của bạn hoặc con bạn. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên cung cấp những thông tin này trong phần bình luận hoặc thông qua những hình ảnh gián tiếp.
- Số điện thoại: Kể từ năm 2016, tội phạm mạng đã bắt đầu thu thập số điện thoại của người dùng mạng xã hội và sử dụng thông tin này để đánh cắp tài khoản ngân hàng.
- Vị trí hiện tại (“Check-in”): Khi đăng tải thông tin gia đình đi du lịch, nhà của bạn rất dễ rơi vào tầm ngắm của kẻ xấu. Bên cạnh đó, việc chia sẻ các địa điểm yêu thích, thường xuyên lui tới cũng giúp người khác có thể dễ dàng tìm thấy bạn.
- Ảnh và video nhạy cảm: Những bức ảnh có vẻ là thú vị đối với thanh thiếu niên có thể khiến họ gặp rắc rối nếu được đăng tải trên Internet. Ví dụ, có rất nhiều trang web thu thập hình ảnh khiêu dâm của các cô gái tuổi teen mà họ tự đăng và xuất bản dưới dạng nội dung “nóng”.
Hiệu trưởng của các trường cao đẳng và ĐH, hoặc các nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ có ấn tượng xấu khi thấy hình ảnh nhạy cảm của học sinh/sinh viên/ứng viên trên Internet.
- Hình ảnh của người khác: Không đăng hình ảnh của người khác bởi chính bạn cũng không muốn hình ảnh của mình bị tùy ý sử dụng như vậy.
- Hình ảnh khi còn bé của con bạn: Các bậc cha mẹ thường đăng hình ảnh thời bé của con mà nhiều khi chưa được con đồng ý. Điều quan trọng cần nhớ là những bức ảnh đối với bạn rất đáng yêu lại có thể dẫn đến việc trẻ bị bắt nạt trong tương lai.
- Thông tin về cuộc sống cá nhân: Thông tin cá nhân luôn có thể được sử dụng để chống lại bạn. Ví dụ, nó có thể được sử dụng để đoán mật khẩu của một tài khoản trực tuyến, để thực hiện một trò lừa đảo hoặc làm quen với con bạn.
- Phát biểu, chỉ trích về các chủ đề nhạy cảm: Tất nhiên, cả bạn và con bạn đều được phép có ý kiến riêng của mình. Tuy nhiên, khi nói đến các vấn đề gây tranh cãi như tôn giáo, chính trị, khuynh hướng tình dục... tốt hơn hết là bạn không nên chia sẻ ý kiến của mình trên Internet.
Điều này có thể gây ra xung đột từ thế giới ảo sang thế giới thực hoặc làm hỏng hình ảnh của bạn trong mắt tổ chức giáo dục tiềm năng hoặc nhà tuyển dụng.
Địa chỉ nhà, số điện thoại... là một trong những thông tin bạn không nên đăng tải trên Internet.
Để hạn chế tình trạng con trẻ gặp nguy hiểm trên Internet, người dùng có thể cài đặt các ứng dụng kiểm soát dành cho phụ huynh, đơn cử như Kaspersky Safe Kids.
Về cơ bản, ứng dụng này sẽ giúp bảo vệ con bạn khỏi những nội dung không phù hợp và thông báo cho bạn về những thay đổi đối với hồ sơ mạng xã hội, danh sách bạn bè, cũng như bất kỳ bài đăng có thể gây nguy hiểm cho con.