Ngày 15-9 tại Nhà Trắng, Israel chính thức ký thỏa thuận hòa bình với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain, qua trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Quyết định ký thỏa thuận giữa các nước đã được Tổng thống Trump thông báo từ nhiều tuần trước. Kể từ đó các nhà phân tích và các nhà hoạch định chính sách luôn bận rộn với hàng loạt câu hỏi: Làm thế nào ông Trump gắn kết được các nước này và đạt được thỏa thuận này? Tại sao lại là lúc này? Liệu nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến khu vực Trung Đông nói chung và đến sáng kiến hòa bình Ả Rập nói riêng?
(Từ trái qua): Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif al-Zayani, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan trong buổi lễ ký hiệp ước hòa bình Abraham tại Nhà Trắng ngày 15-9. Ảnh: AFP
Kể từ khi thông tin về thỏa thuận được công bố, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là hai nước chỉ trích mạnh nhất, cùng với các lãnh đạo của Palestine. Tuy nhiên có một nước khá yên lặng về diễn biến này: là Nga.
Phản ứng với thông báo tháng trước của Nhà Trắng về việc Israel sẽ ký thỏa thuận hòa bình với UAE, Bộ Ngoại giao chỉ ra một tuyên bố khá lãnh đạm tập trung chính vào hai vấn đề: tầm quan trọng của Nga và vai trò thiết yếu của vấn đề Palestine.
Theo tuyên bố này, Nga đã nghiên cứu thông báo từ phía Nhà Trắng “rất cẩn thận” và muốn nhấn mạnh rằng Nga – một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nước đồng bảo hộ cho tiến trình hòa bình Ả Rập – Israel, và là thành viên của nhóm Tứ tấu làm trung gian hòa giải Israel-Palestine – “luôn hành động xuất phát từ sự cần thiết phải đạt được sự một hòa giải toàn diện ở Trung Đông”.
Tuyên bố của Nga cũng nói rõ “vấn đề Palestine luôn và vẫn là trung tâm trong quá trình tìm kiếm hòa bình ở Trung Đông”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tăng chim ưng quý hiếm cho Thái tử UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan, khi ông Putin đến Abu Dhabi (UAE) ngày 15-10-2019. Ảnh: SPUTNIK
Trong một bài viết đăng trên trang tin The Hill, nhà nghiên cứu cấp cao Anna Borshchevskaya tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, chuyên nghiên cứu chính sách của Nga với Trung Đông nhận định phản ứng của Nga không có gì đáng ngạc nhiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác định ưu tiêu của mình là khôi phục vị thế quyền lực của Nga trên trường quốc tế. Và theo mục tiêu ông Putin đã xác định, Nga đã có nhiều hành động để khẳng định vị trí của Nga là một nhà trung gian hòa giải quan trọng ở Trung Đông.
Tuy nhiên việc tìm được một thỏa thuận hòa bình khách quan trong khu vực lại là thành tựu của Mỹ, chứ không phải Nga. Vì thế những gì đã diễn ra có thể xem là sự mất điểm với Nga.
Có thể hình dung sự im lặng của Nga qua hậu trường cuộc điện đàm giữa ông Putin với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cuối tháng 8 sau khi thông tin về thỏa thuận hòa bình Israel – UAE được công bố. Khi đó Điện Kremlin có nói chính ông Netanyahu là người chủ động gọi điện chứ không phải ông Putin.
Về thỏa thuận Israel-UAE, theo Điện Kremlin thì Nga ủng hộ “một giải pháp đơn thuần, toàn diện và mang tính bền vững với vấn đề Palestine, và hy vọng thỏa thuận giữa Israel và UAE sẽ góp phần củng cố hòa bình và an ninh trong khu vực”.
Thận trọng hơn, ông Putin không hề chỉ trích thỏa thuận. Tuy nhiên Nga cũng không hề đưa ra thông điệp chúc mừng việc đạt được thỏa thuận, không giống nhiều nước khác, như láng giềng của Nga là Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: ANADOLU
Có thể nhận thấy một điều, trong khi vẫn tiếp tục nhấn mạnh vai trò thiết yếu của Palestine nhưng Nga từ khá lâu đã thừa nhận hầu hết các nước Ả Rập không còn xem trọng vấn đề Palestine như một thập niên trước, mà lo ngại của các nước này giờ đã chuyển sang tham vọng khu vực của Iran.
Bản thân Nga từ lâu thiên về ủng hộ trục Hồi giáo Shiite trong khu vực (có Iran). Trong bối cảnh này, có thể hiểu được việc Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà ngoại giao Nga – ông Andrey Baklanov viết trong một bài báo đăng trên báo Nezavisimaya Gazeta rằng Nga “nhìn chung đánh giá tích cực” về thỏa thuận Israel-UAE, nhưng cũng ghi nhận đây là thời khắc “báo động, tiềm tàng hiểm nguy cho tiến trình phát triển hòa bình của khu vực”.
Theo ông Baklanov, thỏa thuận Israel-UAE rõ ràng bao gồm cả chủ trương chống Iran. Theo quan điểm của ông này, thỏa thuận Israel-UAE đạt được trong bối cảnh cả hai nước ngày càng tích cực bàn về “mối đe dọa Iran”. UAE là nước theo trục Hồi giáo Sunni.
Theo nhà phân tích Borshchevskaya, Nga có thể đã thua ở vòng này khi Mỹ giúp Israel đạt được thỏa thuận với UAE và Bahrain. Tuy nhiên không nên vì thế mà đánh giá thấp Nga.
Với sự can thiệp vào Syria tháng 9-2015, Nga đã trở thành một quyền lực mạnh ở khu vực, vượt ra ngoài lãnh thổ Syria. Và theo nhà phân tích Borshchevskaya, cần lưu ý Nga luôn là một sức mạnh cạnh tranh với Mỹ về ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông.