Toàn cảnh lễ giỗ và lễ công bố đổi tên đường thành Lê Văn Duyệt - Video: T.T.D.
Nhiều điều đặc biệt nhân lễ giỗ lần thứ 188
Lễ giỗ lần thứ 188 của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (1832 - 2020), diễn ra trong 3 ngày 16, 17 và 18-9 (nhằm ngày 29-7, 1 và 2-8 âm lịch).
Lễ giỗ diễn ra trong không khí trang nghiêm với các nghi thức mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam như lễ cúng tiên thường, lễ cúng chánh giỗ theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn, lễ xây chầu, hát bội…
Lãnh đạo TP.HCM, các ban ngành, hậu duệ của Tả quân Lê Văn Duyệt và đông đảo người dân đã đến tham dự.
Ông Lê Văn Hòa (thứ 2, từ trái sang), hậu duệ đời thứ 6 của đức Tả quân Lê Văn Duyệt - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Ông Lê Văn Hòa, hậu duệ đời thứ 6 của đức Tả quân Lê Văn Duyệt, cho biết: "Năm nay là một năm rất đặc biệt, lễ giỗ của đức ông được tổ chức ngay sau đợt dịch thứ 2 tạm lắng; kết hợp đặt lại tên đường mang tên đức ông cạnh lăng; lãnh đạo TP.HCM quan tâm cấp lại kinh phí cho toàn bộ bờ rào, cổng để phục hồi lại kiến trúc cũ của lăng, tạo nên sự trang nghiêm cho nơi thờ tự".
"Thông qua lễ giỗ này, tôi mong muốn quảng bá hình ảnh của vùng đất Gia Định xưa, tấm gương đức Tả quân cho các thế hệ học tập về đức tính thanh liêm, chánh trực, hết lòng lo cho dân.
Dù ông mất đã 188 năm qua nhưng người dân lúc nào cũng nhớ, cũng đóng góp công sức, tiền của để xây dựng, trùng tu lăng ngày càng khang trang hơn.
Là thế hệ hậu duệ, chúng tôi cảm thấy tự hào về những gì đức ông đã cống hiến cho đất nước, cho nhân dân", ông Lê Văn Hòa cho biết thêm.
Trong những ngày giỗ, người dân cũng có thể đến chiêm bái, thắp nhang tưởng nhớ đức Tả quân Lê Văn Duyệt.
Thắp nhang tưởng nhớ đức Tả quân Lê Văn Duyệt - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Con đường cạnh lăng Lê Văn Duyệt đổi lại thành tên ông
Cũng trong sáng nay, quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh, TP.HCM tổ chức lễ công bố đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng đoạn từ Cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu (có chiều dài 947m) thành đường Lê Văn Duyệt như tên trước kia của đoạn đường này.
Việc đổi tên con đường cạnh Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt mang tên ông có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nguyện vọng của người dân trong khu vực.
Ông Lê Văn Hòa, hậu duệ đời thứ 6 của đức Tả quân Lê Văn Duyệt, vui mừng bày tỏ: "Khi hay tin thành TP.HCM có quyết định đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng phục hồi lại thành đường mang tên Lê Văn Duyệt, đó là niềm vui mừng của cả gia tộc Lê Văn chúng tôi.
Cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, sự đồng thuận của nhân dân trong việc phục hồi con đường Lê Văn Duyệt".
Lãnh đạo TP.HCM làm thủ tục khai trương bảng tên đường Lê Văn Duyệt - Ảnh: T.T.D.
"Sau buổi lễ công bố, quận Bình Thạnh sẽ có hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thay đổi, bổ sung hồ sơ địa chỉ nhà đất, giấy tờ, hộ khẩu, Chứng minh nhân dân... để đảm bảo các quyền lợi chính đáng của mình.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, hộ gia đình ở trên tuyến đường có tên mới tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường, lòng lề đường luôn xanh sạch đẹp, duy trì nâng cao nếp sống văn minh đô thị trong cộng đồng dân cư, góp tham gia xây dựng quận Bình Thạnh ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại, nghĩa tình", ông Hoàng Song Hà, phó Bí thư quận ủy, chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết.
Hiện nay, có 10 tỉnh, thành phố có con đường được mang tên Lê Văn Duyệt gồm: Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, An Giang và TP.HCM.
Đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ Cầu Bông đến Phan Đăng Lưu) chính thức được đổi tên là Lê Văn Duyệt từ ngày 16-9 - Ảnh: T.T.D.
Đức Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764, tại làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Ông hai lần được cử làm Tổng trấn Gia Định (từ năm 1812 - 1815 và từ năm 1820 - 1832), có công lớn trong việc xây dựng, phát triển, ổn định và bảo vệ vùng đất phương Nam…
Năm 1819, đức Tả quân Lê Văn Duyệt dâng sớ về việc đào kênh Vĩnh Tế phục vụ thông thương, quân sự bảo vệ vùng biên cương.
Năm 1830, ông cho củng cố thành Bát Quái để tăng cường phòng thủ chống xâm lược.
Năm 1832, ông mất tại Gia Định, được người dân xây Lăng mộ ở khu vực Bà Chiểu để tôn thờ.
Vào cuối tháng bảy âm lịch hàng năm, người dân tổ chức lễ giỗ ông, đông đúc người dân đến tham dự.
Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt tọa lạc tại số 1 đường Vũ Tùng, phường 1, quận Bình Thạnh, TP.HCM, được công nhận là Di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16/11/1988 của Bộ Văn hóa.
TTO - TP.HCM có thể sẽ có lại tên đường Lê Văn Duyệt, khởi đi từ đề xuất của ban quý tế lăng Ông Bà Chiểu hồi năm ngoái: đặt lại tên đường đức Tả quân trên đoạn đường Đinh Tiên Hoàng từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu.