Mai phụ giúp bà ngoại, người nuôi dưỡng em khôn lớn - Ảnh: NGỌC TRINH
Hai năm trước, trong một lần đi thiện nguyện ở An Giang, anh Nguyễn Văn On - chủ tịch xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, tỉnh An Giang - trầm ngâm chia sẻ địa phương có một trường hợp đặc biệt quá.
Mình mong sau này đi làm có thu nhập để lo cho bà, điều trị cho mẹ thuyên giảm.
LÊ THỊ NGỌC MAI
Nương nhờ bà ngoại
Trong căn nhà lá nhỏ xíu và đơn sơ ở ấp Vĩnh Nghĩa, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, An Giang, Lê Thị Ngọc Mai (khi đó là học sinh lớp 11 Trường THPT An Phú) rụt rè trò chuyện, lâu lâu lại cúi mặt xuống che đi giọt nước mắt. Bên cạnh Mai là người phụ nữ nói cười ngây dại. Mẹ Mai phát bệnh tâm thần khi chưa đầy 20 tuổi, trước khi Mai ra đời.
Mai là cái tên do bà ngoại đặt, mong mỏi đứa cháu nhỏ sẽ có một cuộc đời sáng tươi hơn. Không biết cha là ai, bệnh tình của mẹ mỗi lúc mỗi nặng, không thể cho con một lần được bú sữa, cánh hoa Mai nương nhờ bàn tay bà ngoại mà lớn lên.
Mai bảo khi bắt đầu đi học thì biết mẹ của mình không giống như những người mẹ bình thường. Mẹ của Mai khi thì vào bệnh viện tâm thần, khi thì đi lang thang khắp nơi, lúc có mặt ở nhà với tinh thần không tỉnh táo.
Cô vừa đi học vừa giúp bà công việc nhà và chăm sóc mẹ. Khi phát bệnh, mẹ hay đập phá nhà cửa, hai bà cháu thi nhau ôm giữ mẹ. "Có khi bị mẹ đánh, mình có buồn nhưng thương mẹ nhiều hơn" - Mai tâm sự. Mai nhớ lại, đôi khi tỉnh táo, mẹ cõng cô trên lưng, tay dắt đứa cháu nhỏ đi chơi quanh trong xóm.
Bà ngoại Mai gần 70 tuổi, với đồng lương ít ỏi của một giáo viên cấp 1 về hưu, bà nuôi dưỡng, chăm sóc hai mẹ con em đến tận bây giờ. Cậu và dì Mai, người làm nông, người làm công nhân xa xứ, thương mấy bà cháu nhưng chỉ có thể giúp đỡ phần nào.
"Từ khi mình sinh ra, bà ngoại vừa là mẹ, vừa là cha. Một tay bà chăm sóc, pha từng bình sữa, ru từng giấc ngủ. Có những lúc thấy bà ngồi khóc vì buồn chuyện nhà, thương bà lắm nên mình luôn dặn lòng phải học tốt như món quà tặng bà" - Mai bộc bạch.
12 năm học giỏi
Không phụ lòng bà ngoại, thầy cô, bạn bè và những người yêu thương mình, Mai luôn chăm chỉ học hành. 12 năm liền, năm nào Mai cũng là học sinh giỏi.
Điểm trung bình lớp 12 ở Trường THPT An Phú của Mai đạt 9,1. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, có có số điểm trung bình là 8,9.
Nhờ kết quả học tập tốt, Mai đã được Trường đại học Công nghiệp TP.HCM xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin ngay khi chưa thi tốt nghiệp.
"Tôi biết hoàn cảnh của Mai từ khi em học lớp 9. Hai lần đến thăm nhà em, mẹ Mai đều không tỉnh táo, bệnh tâm thần càng lúc càng nặng hơn" - thầy Đặng Đức Trung, giáo viên chủ nhiệm của Mai ở Trường THPT An Phú, cho hay.
Khi biết Mai đậu vào đại học, thầy vận động những học trò cũ của mình hỗ trợ giúp Mai phần nào chi phí học hành của năm đầu tiên. Nhưng còn bao nhiêu chi phí khác nữa rồi những năm sau, Mai và bà chưa biết tính ra sao.
"Tôi cũng có một em học trò cũ đang làm việc tại TP.HCM, sẽ tìm giúp Mai công việc làm thêm", thầy Trung chia sẻ.
Niềm vui của bà ngoại
Không giấu được niềm vui và tự hào về đứa cháu nhỏ, bà ngoại Mai đi tìm và khoe một chồng giấy khen dày cộp về thành tích học tập của Mai, từ kết quả cuối năm đến những cuộc thi học sinh giỏi từ cấp 1 đến giờ. Sở dĩ bà phải giấu những tấm giấy khen cẩn thận như vậy là bởi treo lên vách là mẹ Mai lại xé hết mỗi khi phát bệnh.
"Tui chỉ mong ông trời cho tui đừng bị bệnh. Tui sợ bệnh rồi không ai lo cho Mai ăn học nên người" - giọng bà nghèn nghẹn.
TTO - Năm học 2020 - 2021, chương trình dự kiến dành khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên trúng tuyển đại học, cao đẳng có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt.
Xem thêm: mth.5402612251900202-ior-coh-iad-uad-iam-me/nv.ertiout