TBKTSG số 38-2020: Thuế đang đánh vào động lực tăng trưởng
Tòa soạn TBKTSG
(TBKTSG Online) – Nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã tăng liên tiếp trong những tháng qua. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết con số thu của tháng 6 là 6.900 tỉ đồng, tháng 7 là 7.400 tỉ đồng, tháng 8 vọt lên 10.400 tỉ đồng và lũy kế tám tháng năm nay là 77.100 tỉ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh trên TBKTSG sáng mai (17-9), trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay, điều này không thể xem là điểm sáng của nền kinh tế, trái lại, nó có thể làm tiêu tan luôn động lực tăng trưởng quan trọng nhất đó là chi tiêu dùng của dân cư. Trong bài báo Thuế đang đánh vào động lực tăng trưởng quan trọng nhất, ông viết: “Đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân hiện đã tăng so với trước rất nhiều nên việc miễn giảm thuế nên được xem xét bởi việc này có tác động lan tỏa trên diện rộng. Còn nếu không được hỗ trợ, người dân buộc thắt chặt chi tiêu thì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ thu hẹp”.
Trong chuyên mục “Sự kiện và vấn đề” với chủ đề bảo vệ việc làm cho người lao động trong đại dịch, trong bài Dưới mức tối thiểu là… đói, phóng viên Minh Tâm ghi nhận có nhiều công nhân tại các hãng xưởng dệt may và da giày đang phải sống dưới mức tối thiểu. Trong khi một ghi nhận khác của Thuận An ở bài Người lao động, doanh nghiệp “não lòng”! cho thấy người lao động và doanh nghiệp không được thụ hưởng bao nhiêu từ các chính sách hỗ trợ.
Cũng trong chủ đề này, từ góc nhìn chính sách, trong bài Chính sách của Nhà nước cũng phải “thích nghi”, tác giả Hữu Đạo cho rằng các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước cần được thiết kế và thực thi theo hướng vừa hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa giúp họ nhanh chóng thích nghi trạng thái kinh tế trong và sau dịch để tồn tại và phát triển. Còn trong bài Tìm “áo phao” cho việc làm, TS. Võ Đình Trí viết: “Nếu Chính phủ ưu tiên giữ việc làm, đảm bảo đời sống cho số đông dân chúng và từ đó ổn định xã hội thì cần tập trung vào những lĩnh vực, những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động”.
Các đề tài thời sự khác trên cùng số báo:
Hãy công khai cho tới cùng (mục Ý kiến): Nếu tất cả thông tin về đầu tư, chi tiêu công được công bố công khai và chi tiết, từ mô tả sản phẩm dịch vụ, giá cả, đến tên tuổi nhà cung cấp… để người dân giám sát thì tham nhũng và nhóm lợi ích sẽ không còn đất sống.
Dè chừng với rủi ro nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp (Thụy Lê): Với sự bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp có sự tham gia tích cực của ngân hàng, rủi ro nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp là điều cần phải dè chừng.
Đâu nhất thiết phải mua đô la Mỹ (Triêu Dương): Liệu Việt Nam có thể làm gì để hoàn thành kế hoạch tăng dự trữ ngoại hối lên 100 tỉ đô la Mỹ tới cuối năm nay mà không để phía Mỹ có cớ trừng phạt vì đã thao túng tiền tệ, kiềm chế tỷ giá?
Niêm yết giá: làm sao để hợp pháp và tránh thiệt hại? (LS. Đỗ Đức Anh - Phan Mỹ Hạnh): Niêm yết giá là câu chuyện pháp lý. Việc không nắm vững quy định về niêm yết giá có thể dẫn đến những thiệt hai to lớn cho doanh nghiệp.
Những “nốt trầm” sau mùa soát xét báo cáo tài chính bán niên! (Linh Trang): Mùa báo cáo bán niên năm nay cho thấy kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã sụt giảm mạnh.
Có nên thay đổi quan điểm điều hành lãi suất? (Ngọc Khanh): Việt Nam không còn nhiều dư địa để hạ mặt bằng lãi suất. Quan điểm lãi suất tiền gửi phải thực dương liệu có còn phù hợp?
Thị trường đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu khung pháp lý (Lưu Minh Sang): Định danh khách hàng điện tử giúp phá vỡ rào cản địa lý. Tại Việt Nam, các điều kiện về chiến lược, công nghệ cho định danh khách hàng điện tử hầu như đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu khung pháp lý.
AI có lấy mất việc làm của chúng ta? (Lưu Minh Sang - Trần Đức Thành): Sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo gây lo ngại về sự đe dọa việc làm của con người. Song cũng có những góc nhìn lạc quan cho rằng thay vào đó là hàng loạt công việc mới, nhưng nó đòi hỏi lực lượng lao động phải có đủ trình độ và khả năng để chuyển đổi và thích nghi.
Điểm sửa nhỏ, bước tiến lớn (Hoàng Thanh Tuấn - Bùi Công Duy Linh): Bên cạnh những điều khoản mới, Luật Doanh nghiệp 2020 có những điều chỉnh nhỏ nhưng có tác động tích cực, như bỏ nghĩa vụ báo cáo thay đổi thông tin người quản lý; điều chỉnh thời hạn thông báo trước khi tạm dừng kinh doanh; cởi trói việc quản lý con dấu…
Đừng coi thường bảo mật sở hữu trí tuệ! (Lê Thị Thiên Hương): Đảm bảo tính bí mật của ý tưởng và kết quả sáng tạo trước khi đăng ký sở hữu trí tuệ là một trong những điều kiện tiên quyết cho sự thành công của doanh nghiệp.
Bàn tiếp về chuyện “tổ chức thực hiện” (Anh Thư): Tổ chức thực hiện là các hoạt động tương tác nhằm đưa các quyết sách vào cuộc sống. Tổ chức thực hiện tồi sẽ làm thui chột cơ hội kinh doanh, nản lòng nhà đầu tư, giảm lòng tin, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, hiệu quả kinh tế- xã hội thấp.
Giá điện vừa kinh tế thị trường, vừa hỗ trợ hộ nghèo (Đặng Đình Cung): Theo định luật 20-80 của Perato thì 80% các hộ tiêu thụ tổng cộng 20% lượng điện gia dụng, và 20% các hộ tiêu thụ 80% lượng điện còn lại. Bộ Công thương có thể căn cứ tình hình tiêu thụ điện thực tế của các nhóm hộ để đưa ra biểu giá phù hợp.
Quỹ ngoại rót vốn giữa đại dịch (Quốc Hùng): Mới đây, hàng loạt startup đã liên tiếp nhận được vốn đầu tư. Đối với nhiều nhà đầu tư, khủng hoảng thời Covid như một chiếc phễu sàng lọc những startup có khả năng thích nghi và làm xuất hiện các startup có sức chạy đua nắm bắt cơ hội.
Những chuyển đổi sinh tồn (Mai Trang - Văn Thịnh): Trong khi chờ đợi các chính sách hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ, các doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn đang tự chuyển mình để thích ứng bối cảnh mới.
Vận động trong thế giới thay đổi (Đào Loan): Trong khi nhiều doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động hoặc rời bỏ thương trường, với những người còn trụ lại là cả một quá trình vận động cùng nhiều nỗ lực thay đổi.
Gỡ "cái gai trong mắt: Dễ hay khó? (TS. Lê Thị Ánh Nguyệt - LS. Nguyễn Hữu Phước): Bộ luật Lao động 2019 có những sửa đổi linh hoạt hơn cho người sử dụng lao động trong việc kỷ luật sa thải người lao động, song về trình tự, thủ tục thì được giữ nguyên những yêu cầu nghiêm ngặt của Bộ luật Lao động 2012.
Đón chuyên gia - làm tốt để tạo niềm tin (Phan Thị Ngọc Thắng): Việc mở cửa đón người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao… là hành động cấp bách để phát triển kinh tế. Đây có thể xem như xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Giáo viên “cá biệt” (Sơn Tùng): Ở trường quốc tế nọ, trước kia có một giáo viên mà nhiệm vụ chủ yếu của cô là giải quyết các vấn đề tâm lý của học sinh. Cô có biệt danh bằng tiếng Anh là “heart counselor”, tạm dịch là “nhà tư vấn trái tim”.
Đào tạo ngoại ngữ, từ góc nhìn đầu tư (Trần Thị Tuyết): 2020 lẽ ra là năm “đích đến” của đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 nhưng điểm thi môn tiếng Anh vẫn thấp kỷ lục trong các môn thi tốt nghiệp phổ thông. Sao vẫn chưa có một khảo sát trên diện rộng để hiểu tại sao điểm tiếng Anh mãi “thấp bền vững” như vậy?
Cồn Cỏ, đảo yêu (Nguyễn Văn Mỹ): Đến Cồn Cỏ là để rửa mắt, rửa phổi, trút bỏ xô bồ phố thị. Chỉ lo mai này, không khéo, “dung nhan” đảo yêu bị tàn phá.
Các tản văn Đợi trôi (Nguyễn Ngọc Tư), Những nhánh sông dọc dài thương nhớ (Phong Dương).
Trang Kinh tế thế giới có các bài:
Châu Âu trước sức ép cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung (Lạc Diệp): Nếu muốn tiếp tục sử dụng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của mình để đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn cho công nghệ toàn cầu, EU không thể ngồi yên trước các mối đe dọa an ninh từ các quốc gia khác.
Đằng sau câu chuyện hạt giống lạ là “brushing”? (Nguyễn Vũ): “Brushing” – chiêu lừa đảo của nhà bán lẻ dựa trên tăng doanh số ảo và mua những lời nhận xét tốt, nhằm mục tiêu thăng hạng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Thị trường thế giới hồi hộp đoán kết quả bầu cử Mỹ (Thư Kỳ): Hiện các nhà đầu tư chứng khoán đang tính sổ xem cuộc bầu cử vào ngày 3-11 sắp tới sẽ đem lại bất ngờ gì không; các kịch bản ông Trump hay ông Biden thắng thì ngành nào, lĩnh vực nào sẽ lên hay xuống.
Mời bạn đọc đón xem!
Xem thêm: lmth.gnourt-gnat-cul-gnod-oav-hnad-gnad-euht-0202-83-os-gstkbt/143803/nv.semitnogiaseht.www