PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cho hay tại buổi họp bàn về Đề án cơ cấu lại ngành du lịch TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng 2030.
Bị chi phối bởi khách Hàn và Trung
Theo ông Lương, qua phân tích về cơ cấu du lịch Đà Nẵng theo ngành và theo lãnh thổ, có thể thấy những bất hợp lý về cơ cấu đang là yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến mục tiêu nâng cao vị thế du lịch Đà Nẵng đang hướng đến là ngành kinh tế mũi nhọn.
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch. Ảnh: T.AN
Đáng chú ý là sự bất hợp lý trong phát triển thị trường du lịch. Trong 5 năm trở lại đây, thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc trở thành những thị trường khách chi phối thị trường khách quốc tế của Đà Nẵng, chiếm tới 82% lượng khách quốc tế năm 2018. Năm 2019 tỉ trọng của hai thị trường này có hơi giảm song vẫn đạt trên 70%.
Riêng thị trường Hàn Quốc, trong giai đoạn 2013 - 2018, số lượng khách đã tăng lên gấp 30 lần và chiếm đến 55,4% tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng.
Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, tổng thu từ du lịch của Đà Nẵng chỉ tăng gấp 3 và tổng thu trực tiếp từ du lịch chỉ tăng gấp đôi. Điều này cho thấy tính hiệu quả của thị trường khách du lịch ngày càng giảm sút, chi tiêu của du khách Hàn Quốc ngày càng thấp hơn.
Bên cạnh đó, cho dù chưa có số liệu chính thức minh chứng, tuy nhiên một tỉ lệ không nhỏ thu nhập từ du lịch đã “chảy” ra nước ngoài bởi tình trạng “núp bóng” đầu tư và hoạt động của các cửa hàng chỉ phục vụ khách quốc tế. Đặc biệt từ các tour “0 đồng”.
Ngoài ra, việc quá phụ thuộc vào các thị trường chi phối cũng được xem là yếu tố thiếu bền vững đối với sự phát triển du lịch của một điểm đến. Bởi không thể dự đoán được “sức khỏe” của nó trong tương lai.
Năm 2020, Đà Nẵng đặt mục tiêu đón khoảng 9,95 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 4,15 lượt, khách nội địa đạt 5,8 triệu lượt. Tổng doanh thu du dịch đạt 39.718 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, 6 tháng đầu năm 2020, tổng khách tham quan, du lịch ước đạt hơn 1,87 triệu lượt (giảm 55,9%) so với cùng kỳ 2019. Trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 667.000 lượt (giảm 62,2%), khách nội địa ước đạt hơn 1,2 triệu lượt (giảm 51,4%). Tổng thu du lịch đạt hơn 7,4 ngàn tỉ đồng, giảm 49,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Lương cho rằng sự sụt giảm của thị trường, đặc biệt đối với hai thị trường chi phối là Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cơ cấu thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Đây sẽ là cơ hội để Đà Nẵng cơ cấu lại thị trường khách quốc tế theo hướng hợp lý hơn, tránh phụ thuộc vào thị trường chi phối để hạn chế “rủi ro” khi thị trường đột ngột suy giảm trong tương lai.
Khôi phục du lịch một cách thận trọng
Bà Trương Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng), cho biết chỉ trong khoảng một tháng, Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch với sự quyết tâm và ủng hộ của người dân. Nhờ thế dịch bệnh đã tương đối được kiểm soát.
“Đối với du lịch thì mong chờ từng ngày dịch bệnh chấm dứt để có thể hoạt động trở lại an toàn, mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì chúng tôi phải thực hiện chỉ đạo là vừa phòng chống dịch, vừa hoạt động kinh doanh”- bà Hạnh cho hay.
Khách du lịch tham quan tại Chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: T.AN
Theo bà Hạnh, hiện các dịch vụ hầu như được hoạt động trở lại, trừ điểm khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, các khách sạn đang gặp khá nhiều khó khăn do phải cân nhắc hiệu quả, tình hình khách trước khi quyết định mở cửa trở lại. Bởi nếu mở cửa trở lại mà ít khách thì kinh phí về việc bảo trì, điện, nhân viên và các chi phí khác sẽ không thể đảm bảo.
"Khách vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh nên sẽ chưa đi du lịch ngay. Chưa kể đang là mùa thấp điểm của khách nội địa như hàng năm, cùng với việc khách quốc tế chưa có đường bay trở lại Việt Nam khiến ngành du lịch TP gặp nhiều khó khăn"- bà Hạnh nói.
Bà cho hay, ngành du lịch TP xác định triển khai chặt chẽ chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP về các biện pháp phòng, chống dịch ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, cùng với việc đề nghị các cơ sở cam kết đảm bảo tuân thủ quy định phòng chống dịch.
Sở Du lịch cũng đang phối hợp với các đơn vị xây dựng các chương trình giới thiệu về các sản phẩm mới, những dịch vụ mang lại trải nghiệm cho khách trong thời gian tới nhưng sẽ cân nhắc thận trọng.
“Việc đến cuối năm có đón được đoàn khách quốc tế nào hay không thì chưa thể trả lời được. Mong muốn thì rất nhiều nhưng diễn biến dịch bệnh thì thay đổi thường xuyên nên du lịch cũng chưa chắc chắn được điều gì. Chỉ mong muốn từ giờ đến cuối năm, Đà Nẵng có thể cố gắng khôi phục, duy trì sự tồn tại và hoạt động bình thường của doanh nghiệp, chứ còn kỳ vọng khách thì rất là khó” – bà Hạnh nói thêm.