Dự án đã mở ra cơ hội cho người nông dân trồng cà phê của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Chiều ngày 16.9, Ban quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị Công bố kết quả liên kết chuỗi cà phê, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững.
Năm 2016, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam đã được khởi động với tổng số vốn 301 triệu USD với sự hỗ trợ từ Ngân hàng thế giới. Dự án đã mở ra cơ hội khi được tiếp cận, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến cho hàng triệu nông dân trồng lúa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và cà phê của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Từ đó giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, cải thiện chất lượng sản phẩm và từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững đã hỗ trợ thành lập và củng cố hoạt động của 185 tổ chức nông dân ở Tây Nguyên, đào tạo cho hơn 40.000 hộ nông dân về sản xuất cà phê bền vững. Đến tháng 6 năm nay, diện tích sản xuất cà phê bền vững đạt hơn 36.000 ha, hỗ trợ tái canh cho hơn 22.000 hộ nông dân, tương ứng với trên 18.000 ha.
Dự án đã hỗ, trợ nâng cấp 11 vườn ươm nhà nước và 21 vườn ươm tư nhân, hỗ trợ xét nghiệm đất cho tất cả các khu vực có kế hoạch tái canh và trồng cà phê. Các vườn ươm được nâng cấp đã cung cấp ra thị trường hơn 5,1 triệu cây giống, đảm bảo chất lượng tái canh cho 5.000ha cà phê.
Theo Ban quản lý các dự án nông nghiệp, trong những năm qua, cà phê luôn là cây trồng có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông – lâm - nghiệp của các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, cà phê của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, sức ép cạnh tranh của thị trường cà phê thế giới.
Việt Nam hiện đang xuất khẩu cà phê đứng top đầu thế giới về khối lượng nhưng hầu như cà phê của Việt Nam lại chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Do đó để nâng cao vị thế của loại nông sản chủ lực này cần hình thành và phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó cần lấy người nông dân trồng cà phê làm gốc.
Dự án đã hỗ trợ đầu tư xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối các doanh nghiệp bao tiêu và chế biến cà phê để hình thành các chuỗi liên kết vững vững mạnh.
Kết quả của dự án, 182 hợp tác xã được nâng cao chất lượng năng lực quản trị sản phẩm. 30 hợp tác xã được đào tạo chuyên sâu về thị trường, xây dựng thương hiệu và cấp truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 22 hợp tác xã ký kết được hợp đồng bao tiêu ổn định với doanh nghiệp. 5 hợp tác xã được trang bị đầy đủ để tham gia chuỗi giá trị cà phê thương hiệu.
Xem thêm: odl.656638-ehp-ac-iouhc-tek-neil-auq-tek-ob-gnoc-ial-aig/et-hnik/nv.gnodoal