Em tên TNVA, quê Quảng Ngãi, vừa tốt nghiệp THPT. Tôi chẳng biết mặt mũi em ra sao, chẳng quen biết gì từ trước.
Qua một đồng nghiệp, tôi biết về hoàn cảnh của em, biết hai cha con em mới đón xe vào TP.HCM thuê phòng trọ để nhập học, lỉnh kỉnh đủ thứ xách từ quê nhà. Tự nhiên tôi tự nhủ phải tìm cách giúp em thôi.
1.
Gia đình em khó khăn, bố mẹ làm nông kiếm tiền lo cho con ăn học. Em chọn đi theo cao đẳng nhưng chỉ thích ngành Điện tử viễn thông của Trường Cao đẳng CT nên chỉ nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành này.
Em nói em mê máy móc điện tử lắm, nhưng do nhà không có điều kiện nên em không có máy móc điện tử, không có nền tảng kiến thức gì về ngành này từ trước cả, chỉ là mê và muốn theo học thôi.
Kết quả, với gần 27 điểm (tổ hợp A00), ngày 25-8 em nhận email của trường gửi thông báo trúng tuyển. Em và gia đình mừng rơn, chờ giấy báo để lên đường vào TP.HCM nhập học.
Chờ hoài không thấy thêm email nào nữa, cũng không thấy giấy báo gửi về, trong mail cũ thì chỉ báo trúng tuyển và số tiền cần phải đóng chứ không có ghi thời hạn hay nhập học thế nào. Một đứa chân đất quê nghèo chẳng biết phải làm gì nên em cứ chờ.
Chờ hoài không thấy gì, hai cha con bèn gói ghém đồ đạc vào TP.HCM đi thuê trọ để cho em lên trường hỏi và nhập học.
Ngày 14-9, em lên trường hỏi và đóng tiền học phí thì nhận được câu trả lời: kết quả đã bị hủy vì quá thời hạn đóng học phí nhập học cả nửa tháng rồi! Em bất ngờ, mọi thứ như sụp đổ khi lựa chọn duy nhất của em vụt mất.
Khi tình cờ biết sự việc và hoàn cảnh của em qua một đồng nghiệp trong Báo Pháp Luật TP.HCM, dù nghĩ ít hi vọng nhưng tôi giúp thử.
2.
Trao đổi qua lại, thấy thương hoàn cảnh em, tưởng tượng cảnh hai cha con chân ướt chân ráo, tiết kiệm từng đồng vào thành phố để cho em theo đuổi ước mơ mà càng thương hơn. Cộng thêm lí do nhà trường hủy kết quả một cách vô lý, thế là tôi tìm cách...
Tôi liên hệ trường, trường trả lời ngắn gọn rằng “trường hợp này thua, trường chốt cả nửa tháng rồi. Trường gửi thông báo đóng tiền học nhiều lần để xác nhận nhập học mà thí sinh không nhận được là vô lý”.
Tôi nói em xem kỹ lại email chính và thư rác, em đều khẳng định là không có có thêm thông báo nào cả.
Sáng nay, qua một người tôi quen và nhờ, hai cha con em lạị lên trường để trình bày hoàn cảnh lần nữa, mong được hỗ trợ. Thế nhưng, gõ đến cửa phòng chức năng nào cũng đều bị từ chối, cho rằng tại em kém tìm thông tin, kêu em nói dối, rồi nói cách chọn ngành học của em không phù hợp….., mặc cho hai cha con mắt đỏ hoe vì lo lắng.
Tôi nghe rồi cũng thấy buồn theo, buồn cho cách giải quyết của trường. Chẳng ai đối chứng lời em nói, chẳng ai truy xuất xem tại sao thư và email gửi cho thí sinh lại không nhận được? Lỗi do trường hay do thí sinh? Sao cứ phải nguyên tắc chậm là hủy vậy.
Chẳng lẽ là con nhà nông thì không được đam mê hay thích thú ngành nghề nào khác? Chẳng lẽ chọn viễn thông thì bản thân một đứa 18 tuổi phải giỏi điện tử và có máy móc công nghệ sẵn sao?
Tưởng chừng hết cách, tôi lại thử “dày mặt” đi liên hệ tiếp những người khác, với ý nghĩ còn nước còn tát, miễn sao giúp em là được. Và may mắn sao, ai cũng nhận lời giúp dù tôi nói thật là mình chưa gặp 2 cha con em.
Và, gần 15 giờ chiều nay, 16-9, em báo em được một thầy bên trường gọi nói ra ngân hàng đóng học phí và lên trường làm thủ tục. Em rối rít mừng rồi đi đóng tiền học mà còn hơn được lãnh học bổng.
Những dòng tin nhắn đầy niềm vui khi nhận được kết quả
Em nhắn tôi ngắn gọn rồi vội đi đóng tiền luôn. Mừng rơi nước mắt thiệt chứ, tôi đi báo cho từng người mình đã nhờ như thể là em út ruột của tôi được tin vui đó vậy.
Rõ ràng, xét về nguyên tắc thì trường chẳng sai, chỉ là làm việc quá máy móc. Nhưng họ có biết đâu, có những kiểu máy móc và cách trả lời vô cảm sẽ hủy hoại đi cả ước mơ và hi vọng của một đứa trẻ mới bước qua tuổi 18, nhất là những đứa trẻ vốn thiệt thòi ở những vùng quê nghèo như em.